- Buổi đàm phán về tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 lần thứ hai tiếp tục thất bại khi cả phía doanh nghiệp lẫn đại diện người lao động không tìm được tiếng nói chung. Ngày 3/9 tới, các bên sẽ tiếp tục thương thảo về vấn đề này.

Cuộc họp lần thứ hai về tiền lương tối thiểu vùng của Hội đồng tiền lương quốc gia sáng 25/8 diễn ra căng thẳng, kết thúc vào gần 12h trưa và không đạt được kết quả.

Nguyên nhân là sau hai tuần cân nhắc, suy nghĩ, hai bên vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Theo đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho người lao động vẫn giữ nguyên đề xuất mức tăng lương là hơn 16,8%. Quy theo giá trị tuyệt đối tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 được đề nghị tăng 350.000-550.000 đồng/tháng.

Cơ quan này khảo sát điều tra về mức sống tối thiểu của người lao động năm 2015, cho hay, 20% lao động không đủ sống với mức lương hiện nay, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% người lao động có tích lũy.

{keywords}

Mức chi tiêu trung bình của người lao động phải nuôi con là hơn 4,2 triệu đồng mỗi tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.

Chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính, khẳng định sẽ kiên quyết giữ nguyên đề xuất của mình.

Ông cũng không đồng tình với lập luận phía đại diện doanh nghiệp đưa ra và cho rằng, Hội đồng Tiền lương quốc gia phải tận mắt chứng kiến cuộc sống của người công nhân hiện nay đang khổ thế nào. Ngoài ra, hội đồng cũng cần làm việc với cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội để xem khả năng chỉ trả của doanh nghiệp hiện nay ra sao.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi trả lời PV. VietNamNet, vẫn nhấn mạnh: "Chúng tôi kiên quyết mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng là 10%".

Quan điểm của VCCI - đại diện giới chủ - là tiền lương tối thiểu tăng bao nhiêu cũng phải phù hợp với quy luật thị trường, mức tăng năng suất lao động bình quân, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nếu tăng lương cao như phía Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra thì sẽ làm tác động tăng giá thành sản phẩm, hàng hoá lên 5%. Đây sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh 70% kinh doanh không có lãi.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, Tổng Liên đoàn Lao động đã đề xuất tạm ngừng phiên đàm phán thương lượng lần hai. Trước đó, tại cuộc họp lần thứ nhất hôm 5/8, phía doanh nghiệp chủ động đề xuất ngừng đàm phán.

Vấn đề tiền lương tối thiểu vùng sẽ được đưa ra đàm phán lần thứ 3, vào ngày 3/9 tới. Nếu tại cuộc họp này, các bên vẫn không thể thống nhất kết quả thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ là người quyết định và lấy biểu quyết, báo cáo Thủ tướng.

Phạm Huyền