Khi giá cả tăng, lực cầu sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, lương tối thiểu là một trường hợp ngoại lệ. Tăng lương tối thiểu giống như “đánh bạc” với tương lai của người lao động vì quyết định này ẩn chứa cả những tác động tích cực và tiêu cực.
Mức lương tối thiểu khiêm tốn sẽ không làm giảm nhu cầu về lao động. Một loạt các nghiên cứu từ cả Mỹ và châu Âu đều cho thấy nếu lương tối thiểu ở mức thấp (dưới 50% thu nhập toàn thời gian trung bình và thấp hơn một chút đối với nhóm lao động trẻ), mức lương tối thiểu không khiến nhiều người bị mất việc làm.
Khi nước Anh đặt ra mức lương tối thiểu vào năm 1998, những người bi quan đã dự báo một lượng lớn việc làm sẽ biến mất. Tuy nhiên, thị trường lao động Anh đã tỏ ra kiên cường. Mức lương tối thiểu giúp giảm quyền lực thương lượng của doanh nghiệp trước những người lao động do dự không muốn chuyển đi nơi khác vì sợ rủi ro. Mức lương tối thiểu còn có thể giúp tăng sản lượng vì khiến người lao động trân quý công việc của họ.
Được khuyến khích bởi những bằng chứng này, nhiều người đã gây áp lực buộc Chính phủ phải tăng lương tối thiểu. Ở Mỹ, những người vận động tăng lương tối thiểu muốn mức lương trung bình trên toàn liên bang tăng hơn gấp đôi so với mức 7,25 USD/giờ hiện nay, lên 15 USD/giờ hay tương đương 77% thu nhập trung bình trong 1 giờ. Nhóm này đã đạt được một số thành công. Một vài thành phố lớn (như New York) đã lên kế hoạch tăng lương tối thiểu lên mức 15 USD, và hai đối thủ của bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào ghế ứng cử viên của đảng Dân chủ đã ủng hộ chính sách này.
Ở Anh, Chính phủ có đảng Bảo thủ chiếm ưu thế đang yêu cầu tăng mức lương tối thiểu từ 47% lên 54% mức lương trung bình. Đức cũng đưa ra chính sách tiền lương tối thiểu ở mức hào phóng 62% mức lương trung bình của miền Đông vốn là vùng nghèo hơn.
Tuy nhiên, bằng cách hướng đến mức lương tối thiểu cao hơn, các nhà hoạch định chính sách đang tiến đến một đám sương mù. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có nhiều hiểu biết về những tác động dài hạn của chính sách tiền lương tối thiểu.
Một điều nguy hiểm khác là mức lương tối thiểu quá cao sẽ đẩy một số lao động ra khỏi lực lượng lao động. Một người thợ xây mất đi việc làm trong thời kỳ kinh tế suy thoái có thể hi vọng sẽ kiếm được việc mới khi nền kinh tế hồi phục. Một người thu ngân với một vài kỹ năng ít ỏi sẽ trở nên “đắt đỏ” hơn so với một chiếc máy tự động và do đó không thể kiếm được việc làm. Chính phủ Anh bảo vệ chính sách mới bằng quan điểm một nền kinh tế mạnh khỏe sẽ tạo ra đủ việc làm để bù đắp cho những người mất việc vì tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên lập luận này không chính xác vì việc làm vẫn bị mất đi. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao Milton Friedman miêu tả lương tối thiểu là một dạng “phân biệt chủng tộc” đối với người lao động thiếu kỹ năng.
Đây là thời điểm tệ nhất để nâng chi phí thuê nhân công. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đang giúp các doanh nghiệp thay thế nhân công bằng máy tính và robot, khiến nhiều việc làm bị mất đi. Một số vị trí như lau dọn vệ sinh chưa được tự động hóa, nhưng rất dễ để thay thế hàng triệu lao động ở các vị trí như lễ tân, sắp xếp đồ trên kệ và thậm chí lái các xe tải nhỏ. Tăng lương tối thiểu sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ để thay thế con người. Tăng lương tối thiểu cũng ảnh hưởng đến các nhân cong trong ngành du lịch và sản xuất.
Mỉa mai thay, lương tối thiểu là một giải pháp tồi để chống lại nghèo đói. Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ thừa nhận rằng người nghèo chỉ nhận được khoảng 20% lợi lộc từ chính sách tăng lương tối thiểu. 10% hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn so với nhóm 10% nghèo nhất.
Lương tối thiểu cũng không phải là thứ “từ trên trời rơi xuống”. Phải có ai đó chịu trách nhiệm về chi phí phát sinh. Quan điểm phổ biến rằng các công ty sẽ gánh vác trách nhiệm này là sản phẩm của niềm hi vọng chứ không phải sự thực. Nếu chi phí được chuyển sang người tiêu dùng, lương tối thiểu sẽ là một dạng trợ cấp được tài trợ bằng thuế doanh thu và người nghèo lại chính là bộ phận thiệt thòi.
Các nước có thể sử dụng một vài công cụ hiệu quả hơn. Tín dụng thuế (ghi nhận rằng một phần tiền thuế đã được nộp trong tổng số thuế phải đóng và là phúc lợi do nhà nước trả cho người lao động thông qua hệ thống thuế nhằm giúp tăng thêm thu nhập ròng) là một cách hữu hiệu hơn mà qua đó các Chính phủ có thể giúp đỡ người nghèo. Khi đó các doanh nghiệp cũng được khuyến khích thuê nhân công có trình độ thấp thay vì tự động hóa.
Lương tối thiểu là giải pháp rất hấp dẫn về mặt chính trị và cảm xúc. Tuy nhiên, các Chính phủ nên nhìn vào thực tế thay vì để cảm xúc chi phối. Lương tối thiểu chỉ có thể là một phần hiệu quả của một nhóm chính sách nếu nó ở mức thấp. Nếu quá cao, lương tối thiểu sẽ làm tổn hại người nghèo – nhóm mà chính sách này đang cố gắng giúp đỡ.
(Theo Trí thức trẻ/Economist)