Một trong những phát biểu gây sốc nhất của HLV người Nhật Toshiya Miura có lẽ không phải là về bóng đá mà về... chuyện ăn nhậu ở Việt Nam: “Trong bữa trưa, tất cả mọi người đều uống bia. Uống bia thực sự đấy”.
Ai cũng biết văn hóa Việt Nam gắn bó với rượu bia như thế nào, nhiều người quan niệm "nam vô tửu như kỳ vô phong" hay "vô tửu bất thành lễ". Vấn đề đặt ra là làm thế nào để rượu bia không hủy hoại sức khỏe, tính mạng và cả văn hóa của người Việt chúng ta.
Nhiều lựa chọn ăn nhậu
Một DJ ăn mặc gợi cảm, đánh nhạc đến điếc tai trong khi đám đông vừa nâng ly vừa gọi thêm các chầu bia mới - đó là điều một phóng viên AFP chứng kiến khi tới một trong những câu lạc bộ bia nổi tiếng ở Sài thành.
Đây cũng là cảnh tượng quen thuộc với bất cứ ai đặt chân tới những tụ điểm khác của dân nhậu trên khắp Việt Nam, nơi mỗi cốc bia chỉ có giá 6 - 7 nghìn đồng. Điều này không chỉ biến đất nước trở thành một trong những "thiên đường nhậu” rẻ trên thế giới mà còn là yếu tố khiến lượng tiêu thụ rượu bia gia tăng nhanh chóng trong vài năm qua”.
Dân nhậu Việt từng quá quen với việc thưởng thức rượu bia khi ngồi trên những chiếc ghế nhựa ngoài vỉa hè. Nhưng nay, đời sống ngày càng khấm khá đã mang lại cho họ nhiều lựa chọn hơn khi muốn đi nhậu.
Hình ảnh quen thuộc trong các quán bia, câu lạc bộ bia ở Việt Nam |
Do hiện nay, bar vẫn chủ yếu là nơi dừng chân của Việt kiều và những người thuộc tầng lớp trung lưu, nên khi những câu lạc bộ bia phục vụ cả âm nhạc và điều hòa xuất hiện gần đây, chúng lập tức nổi lên như một sự lựa chọn mới dành cho các "thượng đế", với chất lượng dịch vụ tốt mà giá không cao như ở các bar.
"Uống rượu là để say. Nên thật lãng phí nếu đã uống mà không say" - Võ Văn Bảo, 21 tuổi, chia sẻ với hãng tin AFP bên ngoài quán, trong một lần tới nhậu cùng bạn.
Dù chia sẻ mình là "bợm nhậu" thứ thiệt, chủ sở hữu quán, người từ chối cho biết tên, nói với AFP rằng mục đích mở quán của ông là tạo ra một quán nhậu thân thiện với gia đình. "Tôi muốn các khách hàng của mình tới câu lạc bộ để ăn món nào đó, uống vài cốc bia, vui vẻ một chút rồi về với gia đình" - ông nói.
Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba ở châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản, Trung Quốc, và là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn hàng đầu Đông Nam Á, hơn cả những nước được đánh giá là giàu có hơn như Thái Lan, theo số liệu từ Hiệp hội đại diện ngành công nghiệp này.
Tỷ lệ uống rượu bia ở Việt Nam đã tăng hơn 200% trong 10 năm qua, các phương tiện truyền thông đưa tin, đồng thời nêu nguyên nhân một phần là do mức tăng thu nhập trung bình cũng như sự thay đổi nhân khẩu học. Trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu công dân bước sang tuổi 18, độ tuổi bắt đầu được sử dụng đồ uống có cồn hợp pháp.
Hệ lụy từ bia rượu
“Nếu tính lượng rượu bia tiêu thụ trên bình quân đầu người, Việt Nam còn xa mới lọt top 100 trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng đừng vội mừng với con số này, vì chỉ có dưới 2% phụ nữ Việt uống rượu bia” - theo Nguyễn Phương Nam, một nhân viên của WHO. Điều đó nghĩa là nam giới mới là lực lượng tiêu thụ đồ uống có cồn chủ đạo ở Việt Nam. Hiện có tới 1/4 đàn ông Việt đang uống bia rượu ở mức "gây nguy hiểm", tức là uống nhiều hơn 6 cốc bia/rượu trong mỗi cuộc nhậu, theo định nghĩa của WHO.
"Điều này đang trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân Việt Nam" - Phương Nam chia sẻ với AFP - "Nó kéo theo rất nhiều vấn đề liên quan, như xơ gan, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình".
60% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia, một nghiên cứu của chính phủ cho biết. Ngoài ra, lượng tiêu thụ rượu bia quá cao cũng khiến số người mắc bệnh ung thư và tiểu đường gia tăng.
Một số phương án nhằm hạn chế mức tiêu thụ bia rượu đã được đề ra, như qui định cấm bán rượu sau 10 giờ tối, hay kế hoạch giới hạn số đồ uống có cồn ở các điểm bán, nhưng đều nhanh chóng "chết yểu" sau khi bị cho rằng không khả thi.
Một trong những câu nói của dân nhậu Việt thường truyền tai nhau là "Nam vô tửu như kỳ vô phong" (đàn ông không uống rượu chỉ như lá cờ không thể phất vì thiếu gió). "Điều này đã ăn sâu vào văn hóa của đất nước chúng tôi và sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể thay đổi" - Phương Nam cho biết.
Bia rượu - ngành kinh doanh béo bở
Bia rượu là ngành kinh doanh phát đạt ở Việt Nam, nơi tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít/năm.
Mỗi vùng miền đều có thương hiệu bia chủ đạo chi phối trên thị trường, như Bia Hà Nội ở miền Bắc, Bia La Rue ở miền Trung và Bia Sài Gòn ở các tỉnh phía Nam.
Chưa kể đến việc các thương hiệu đồ uống có cồn trên thế giới cũng đang tìm cách lấn sân vào thị trường này, dùng nhiều chiêu trò để những tay nhậu Việt hay uống bia chuyển sang dùng rượu, dù mức thuế đánh vào ngành hàng này khá nặng, và các quảng cáo rượu bia cũng bị giới hạn nghiêm ngặt.
Với dân số khoảng 90 triệu người, một nửa trong số này dưới 30 tuổi, và số người thuộc tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với các công ty sản xuất rượu mạnh.
“Tuy mức tiêu thụ chưa thực sự cao, vì trung bình một người Việt uống ít hơn so với người Pháp, nhưng quốc gia này vẫn là một thị trường giàu tiềm năng” - Stephane Gripon, Tổng giám đốc của Diageo tại Việt Nam, dường như vẫn chưa hài lòng với doanh số bán rượu của công ty mình.
Thói quen nhậu quá đà không chỉ là vấn đề riêng của những thanh niên sung sức ở Việt Nam. Vào một buổi trưa ở thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thanh, một kỹ sư xây dựng, 42 tuổi, ngồi với bạn mình tại một quán bia hơi vỉa hè. Trong giờ nghỉ trưa ngắn ngủi ấy đã có khoảng 10 chai bia đã trống rỗng trên bàn.
"Tôi uống mỗi ngày, bia hoặc rượu. Tôi biết nó không tốt cho sức khỏe, nhưng thật khó để từ bỏ thói quen này" - ông chia sẻ với phóng viên AFP - "Đôi khi, các thương vụ làm ăn chỉ suôn sẻ khi chúng tôi say cùng nhau. Cũng thật khó mà từ chối khi bạn được ai đó mời, vì chúng tôi thường nói "Không say không phải nhậu".
(Theo Thể thao & Văn hóa)