“Hí hửng vì mua được cặp bánh trung thu gia truyền giá khá rẻ, trong khi hạn sử dụng ghi 30 ngày kể từ ngày sản xuất, vừa về đến nhà mở ra xem thử, nào ngờ thấy bánh đã cứng lại, bánh dẻo đã có hiện tượng mốc..."”, chị Vân Anh ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân bức xúc kể lại.

TIN BÀI KHÁC


Cũng rầm rộ khuyến mãi

Bánh Trung thu gia truyền mẫu mã tuy không hấp dẫn như các loại bánh trung thu của các công ty bánh kẹo được bán trên thị trường. Tuy nhiên những cửa hàng bánh gia truyền ở nhiều khu phố cổ vẫn thu hút đông đảo số lượng khách quen.

Một số khách hàng chọn các loại bánh gia truyền vì khách có thể đặt hàng các hình dạng bánh và vị nhân khác nhau. Tại cơ sở sản xuất Xuân Hiển, 76 Hàng Bồ, chủ cửa hàng cho chúng tôi xem sổ ghi chép các đơn đặt hàng của nhiều cơ quan và đơn vị kinh doanh. Năm nay, các loại bánh hình con giống thu hút được rất nhiều đơn đặt hàng. Chủ cửa hàng này cho biết: “Năm nay nhiều đơn đặt hàng quá nên chỉ đến khoảng mùng 8 âm lịch là chúng tôi là không nhận đơn đặt hàng nữa vì sát ngày quá, sợ không làm kịp.”


Bánh trung thu ở một số cơ sở sản xuất tư nhân giá thành rẻ, được đóng gói khá bắt mắt

Nhiều cửa hàng bánh trung thu gia truyền còn sử dụng phương thức khuyến mãi tặng thêm bánh nếu mua hàng với số lượng lớn để thu hút khách hàng.

Tại các cơ sở sản xuất bánh trung thu gia truyền ở làng Xuân Đỉnh thì các loại bánh giá mềm hơn, chỉ dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, tại đây chủ yếu là các đơn đặt hàng bán buôn.

Anh Trung -chủ xưởng sản xuất bánh Bình Trung tại Xuân Đỉnh cho biết, mỗi ngày xưởng nhà anh bán buôn hàng nghìn chiếc bánh. “Chủ yếu làm theo những đơn đặt hàng bán buôn, từ các địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…”, anh Trung cho biết.

Tuy nhiên, chị Hoa – cửa hàng bánh trung thu trên đường Xuân Thủy cho biết: “Mặc dù giá bánh trung thu gia truyền có rẻ hơn rất nhiều so với các loại bánh khác song hạn sử dụng ngắn, nhiều khi chưa đến rằm đã hết hạn sử dụng, nhập bánh về không bán được. Do đó, tôi thường chỉ nhập rất ít”.

Loạn hạn sử dụng

Cũng theo các chủ cửa hàng thì những thời hạn sử dụng trên bánh đều là do họ áng chừng theo kinh nghiệm, theo “gia truyền” chứ không hề sử dụng biện pháp kiểm định để xác định. Vì thế, mỗi cửa hàng lại đưa ra những hạn sử dụng khác nhau đối với những chiếc bánh của cửa hàng mình.

Tại cửa hàng bánh trung thu trên phố Hàng Bồ thì trên bánh cũng chỉ ghi thông số là hạn sử dụng, còn ngày sản xuất thì không thấy đâu. Chủ cửa hàng cho biết, hạn sử dụng của những chiếc bánh này là 7 ngày. Chủ một cửa hàng bánh trên đường Thụy Khuê lại cho biết hạn sử dụng của những chiếc bánh do họ sản xuất là trong vòng 10 ngày. Và cũng trên đường Thụy Khuê, một cửa hàng bánh gia truyền khác lại có hạn sử dụng là 15 ngày. Còn theo chủ cửa hàng bánh Trung thu trên phố Hàng Bồ thì bánh mua tại đây chỉ có hạn sử dụng trong vòng 5 ngày.

Đặc biệt, cửa hàng bánh trên phố Hàng Bồ còn không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng đối với những chiếc bánh được bày bán tại cửa hàng. Chỉ khi hỏi đến thì chủ hàng mới mang một mảnh giấy nhỏ ra bảo nếu ai mua hàng thì lúc đó mới đóng gói rồi ghi những thông số như ngày sản xuất và hạn sử dụng lên mảnh giấy này. Tuy nhiên, vì đến khi bán mới ghi ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng thì không ai có thể chắc chắn được rằng chủ cửa hàng đã ghi đúng những thông số đó của chiếc bánh.

Chị Vân Anh, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân búc xúc khi một lần mua phải bánh trung thu gia truyền đã mốc mặc dù vẫn còn hạn sử dụng: “Chủ cửa hàng giới thiệu là bánh ngon mà lại rẻ, nên tôi cũng hí hửng mua 1 cặp. Mặc dù hạn sử dụng ghi trên vỏ bánh là 15 ngày kể từ ngày sản xuất nhưng mua về vừa để được 1 ngày đã thấy có dấu hiệu mốc, bánh cứng lại, không dám ăn, đành vứt bỏ”.

(Theo Lao động)