Việc nuôi phi cơ riêng “tốn kém” tiền tỷ mỗi năm được xem là khoản chi phí quá khủng, nhưng với các đại gia Việt có số tài sản hàng nghìn tỷ đồng thì điều này không phải là việc gì… quá sức.


Năm 2008, ông chủ Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức là người đầu tiên ở Việt Nam sắm phi cơ riêng Beechcraft King Air 350 trị giá 5,1 triệu USD. Nếu tính cả chi phí phát sinh như đào tạo phi công, bến bãi, môi giới... ông Đức đã bỏ ra tổng cộng 7 triệu USD.

Sau phát “đại bác” của bầu Đức, ông Trần Đình Long - ông chủ Tập đoàn Hoà Phát không kém cạnh khi quyết định đầu tư một triệu đô, sắm cho mình chiếc trực thăng EC135P2i… Rồi mới đây, một doanh nghiệp chịu chơi Việt Nam đang hâm nóng truyền thông khi nhập khẩu cùng lúc 10 máy bay cá nhân.

Beechcraft King Air 350 của ông Đoàn Nguyên Đức. Ảnh: internet

Beechcraft King Air 350 của ông Đoàn Nguyên Đức là thế hệ máy bay mới kế tiếp King Air 350, thuộc dòng máy bay VIP hiện đại đáp ứng mọi mong muốn của các đại gia thế giới hiện nay; do hãng Beech Aircraft Corporation Mỹ chế tạo, có số serier FL- 417.

Trước khi về với bầu Đức, Beechcraft King Air 350 đã qua sử dụng vài tháng với 3.000 giờ bay và được bảo hành 3 năm. Đây là máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, sức chở tối đa 11 người, thân dài hơn 10 m, sải cánh hơn 15 m, buồng lái có chỗ cho 2 phi công.

Ông Đoàn Nguyên Đức mua King Air 350 bằng tiền túi cá nhân, nhưng máy bay cũng sẽ phục vụ công việc kinh doanh cho công ty bên cạnh nhu cầu cá nhân du lịch, đi lại... “Tôi sắm máy bay bằng tiền túi nên không phải giải trình trước cổ đông. Toàn bộ chi phí thuê phi công, bảo dưỡng máy bay, xăng dầu, kiểm tra kỹ thuật, giấy phép... đều là tiền cá nhân”, ông Đức từng cho biết.

Chia sẻ về chi phí “nuôi” Beechcraft King Air 350, ông chủ Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai cho biết, mỗi tháng ông tốn kém 300 triệu đồng và giao cho cho công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) lo trọn gói.

Chiếc EC 135P2i của ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: internet.

Trong khi đó, xế bay triệu đô của ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long, chiếc EC 135P2i, là một sản phẩm hợp tác cao cấp của nhiều hãng sản xuất máy bay châu Âu với những công nghệ tiên tiến nhất. Trực thăng được trang bị động cơ kép Pratt and Whitney 206B2 và buồng lái hiện đại.

EC135P2i có thể chở 5 khách VIP hay tối đa 6 - 7 vị khách thông thường. Hành khách sẽ có được cảm giác thoải mái khi di chuyển với EC135P2i bởi tiếng ồn và rung được hạn chế tối đa. Ngoài ra, khoang hành lý thoáng đãng cùng cửa lên xuống được thiết kế đẩy ngang rất nhẹ nên thuận tiện trong những trường hợp khẩn cấp.

Để máy bay cất cánh trên bầu trời, cộng tất cả các chi phí lại, mỗi tháng đại gia Trần Đình Long phải mất trên dưới 2 tỷ đồng “nuôi” trực thăng. Theo tính toán, số tiền này có thể mua được một chiếc ô tô hạng sang.

Chiếc máy bay cánh quạt A600 Talon của hãng RotorWay. Ảnh: RotorWay

Không giống như tàu bay trị giá hơn 5,1 triệu USD của bầu Đức hay trực thăng bạc tỷ của ông chủ Hòa Phát, 4 chiếc máy bay do Công ty Hành Tinh Xanh mới nhập về Việt Nam (6 chiếc khác sắp nhập), thuộc hàng “độc”, Việt Nam chưa từng có. Cả 4 chiếc máy bay riêng này đều là những sản phẩm mới của hai hãng sản xuất có tiếng ở Mỹ và châu Âu; được xếp vào hàng siêu nhẹ, bay ở tầng thấp, có thể hạ cánh ở mọi địa hình miền núi, đồng bằng mà không cần sân bay hay đường cất hạ cánh...

Hai trong số bốn chiếc này là dòng ALTEC 321 Faeta của hãng ATEC, Cộng hòa Czech. Số còn lại là dòng A600 Talon, sản phẩm đầu tiên trong thế hệ máy bay mới nhất của RotorWay, Mỹ. Cả hai dòng máy bay trên đều là loại 2 chỗ ngồi, có trọng lượng 450 kg đối với chiếc ATEC 321 và 438 kg với chiếc A600 Talon. Tốc độ thiết kế của chiếc ATEC 321 là 165 km/h và tối đa đạt 227 km/h. Còn với chiếc A600 Talon, ở chế độ tiết kiệm nhiên liệu, chiếc máy bay có vận tốc 145 km/h.

Về ngoại hình, chiếc A600 Talon khác biệt hơn vì nó là dạng máy bay cánh quạt hạng nhẹ. Chiều dài từ đầu đến đuôi là 6,7 mét và cao 2,6 mét, riêng cabin rộng 1,1 mét. Bình nhiên liệu chứa được 64 lít xăng. Nội thất của chiếc máy bay này được bọc da và phần phía trên của khoang lái gắn kính toàn bộ.

Theo bảng giá của công ty ALTEC, giá xuất xưởng của chiếc ALTEC 321 là 64.450 đến 66.450 EUR (tương đương 91.400 đến 94.200 USD) mỗi chiếc, tùy vào loại ATEC 321.80 FAETA hay ATEC 321.100 FAETA. Còn chiếc A600 Talon của hãng RotorWay được rao bán nhiều trên mạng với giá từ 95.000 đến 129.000 USD.

Ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hành Tinh Xanh, cho biết: “Nhập máy bay về nước là chúng tôi hoàn toàn tự bỏ tiền túi ra, tự nhủ là cứ làm thử theo sở thích, mất thì thôi”.

Hiện, lô hàng 4 máy bay cá nhân của công ty Hành Tinh Xanh vẫn phải nằm “đắp chiếu” tại cảng Hải Phòng do gặp những vướng mắc khi làm các thủ tục thông quan. Theo ước tính với mỗi ngày nằm cảng, chi phí mà công ty phải trả cho mỗi container vào khoảng 220 USD, chi phí thuê container cũng gần 7.000 USD, chưa kể các khoản phát sinh khác.

(Theo Báo Đất Việt)