Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn cho biết: “Hiện công ty hợp tác với đối tác ở Nhật Bản để xuất khẩu lá vải, nhãn khô. Còn việc chúng tôi mua lá vải, nhãn khô để làm gì, tôi xin không tiết lộ...".

TIN BÀI KHÁC

Việc một công ty lập đại lý, rồi thuê người đi lùng mua lá vải, nhãn khô ở Bắc Giang, Hải Dương đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Nhiều người lo ngại, việc gom lá khô đem bán trước mắt có thể mang lại một ít lợi ích, nhưng lâu dài hậu quả sẽ rất khó lường.

Ồ ạt thu gom


Chúng tôi tìm về huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khi tình trạng người dân thu gom lá vải khô bán cho thương lái vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn khẳng định: “Việc mua lá vải, nhãn khô trên địa bàn là có, nhưng người dân chỉ tận dụng lá vải, nhãn già rụng và lá tỉa cành thôi”.

Sau gần 1 tháng thu mua, anh Nguyễn Đăng Đạo (áo đen) đã gom được 70 tấn lá vải, nhãn khô. Ảnh chụp sáng 8.12 tại Lục Ngạn, Bắc Giang

Tuy nhiên, ông Báo cũng cảnh báo người dân không nên hám lợi trước mắt mà tuốt lá vải, nhãn tươi phơi khô bán. Theo ông Báo, hiện Lục Ngạn có 18.000ha vải thiều, trong đó xã Tân Quang, Tân Lập, Thanh Hải… mỗi xã có khoảng hơn 1.000ha.

Theo ông Nguyễn Văn Bảo – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Lục Ngạn, cách đây vài tháng ông Nguyễn Thế Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn, có trụ sở ở phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đã liên hệ với Hội nhờ thông báo tới các hộ dân, nhưng vì nhiều việc, vả lại giá rẻ nên Hội không thông báo.

Anh Nguyễn Đăng Đạo – Chi hội trưởng Hội ND thôn Áp, xã Tân Quang (Lục Ngạn) người được ông Sơn ủy quyền làm đại lý thu mua lá vải, nhãn khô cho công ty cho hay: “Tôi bắt đầu thu mua được gần một tháng nay và đã thu mua được khoảng 70 tấn. Hiện tôi đang đặt mua tại hơn 20 điểm cân ở các xã, mỗi điểm trung bình ngày cân được khoảng 1,5 tấn, với giá 1.000 đồng/kg”.

Anh Đạo cho biết thêm: “Ông Sơn đã đặt tiền cho tôi mua và thuê luôn kho, nhà xưởng của tôi với giá 100 triệu đồng/năm. Vì nhà có xe, tôi chỉ lấy công làm lãi chứ tính ra chỉ lãi 500 đồng/kg cũng không ăn thua”.

Lá vải, nhãn khô xuất khẩu?


Ngoài điểm thu mua của anh Đạo, ở thôn Lan Mẫu, xã Lan Mẫu (Lục Nam) cũng có một điểm nữa do bà Dương Thị Thời làm chủ đại lý. Bà Thời cho hay, bà cũng thu mua cho Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn được hơn 1 tháng nay.

TS Trịnh Khắc Quang – Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả: Lá vải khô không có tác dụng

Tôi chưa rõ mục đích thu mua của công ty đó là gì nhưng theo hiểu biết của tôi, về mặt khoa học lá vải thiều khô không có tác dụng gì để làm thuốc hay làm gì khác. Vì vậy, tôi khuyến cáo người dân nếu tỉa cành tuốt lá để bán sẽ nguy hại đến sự sinh trưởng và phát triển của cây vải.

“Hiện tôi mới mua được 50 tấn và khoảng vài chục tấn ở các điểm lẻ nữa nhưng bận chưa cân được. Ngoài 16 đại lý nhỏ trong huyện, tôi còn đặt gần chục đại lý ở huyện Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương) nữa. Tôi cũng chẳng biết doanh nghiệp mua lá vải khô làm gì” – bà Thời nói.

Về thôn Áp, xã Tân Quang mặc dù trời vừa tạnh mưa, nhưng người dân vẫn háo hức thồ lá vải khô đến đại lý bán, người thì tranh thủ ra vườn quét dồn lại mang lên sân phơi cho nhanh khô.

Bà Nguyễn Thị Lưu, 66 tuổi ở thôn Áp đang gom lá vải để bán, nói: “Mọi khi toàn dồn lá lại đốt thôi, nay có người mua, rẻ nhưng cũng kiếm được đồng mắm, đồng muối. Nếu chịu khó mỗi ngày cũng được 60 – 70 ngàn đồng, còn thanh niên phải được 120.000 – 150.000 đồng/ngày”.

Bà Lâm Thị Múi - người cùng thôn vừa bốc những nắm lá vải khô vào bì vừa nói: “Nhà tôi có 7 sào vải, mỗi vụ cũng được 50 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, tỉa cành là rụng nhiều lắm, gần tháng nay gom lá bán cho anh Đạo cũng được gần 2 triệu đồng rồi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hường – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn cho biết: “Hiện công ty chúng tôi đang hợp tác với một đối tác ở Nhật Bản để xuất khẩu lá vải, nhãn khô. Phía tối tác sẽ hỗ trợ về máy móc, gồm máy sàng, máy băm và máy ép đóng bánh để dễ vận chuyển. Còn việc chúng tôi mua lá vải, nhãn khô để làm gì, tôi xin không tiết lộ, bởi đây là bí mật trong kinh doanh. Sau khi xưởng chế biến đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ mở rộng mua ở các địa phương khác” – ông Hường cho hay.

Gây hại cho môi trường đất đai

Về việc doanh nghiệp mua lá vải khô, GS-TS Vũ Mạnh Hải – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết:

- Tôi đã nghiên cứu về cây vải từ khá lâu, thời còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, tôi cũng rất quan tâm đến vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Theo như tài liệu tôi có được, lá vải thiều khô không có tác dụng gì về mặt y dược hay tác dụng gì cả. Tôi cũng vừa mới xem qua thông tin về việc thu mua lá vải thiều nhưng thực tình tôi cũng không rõ mục đích của công ty thu mua là gì.

Nhiều cơ quan chức năng ở địa phương lo lắng, tình trạng hái lá phơi khô để bán sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển cũng như năng suất, sản lượng của cây vải, ông có đánh giá gì về vấn đề này
?

- Chắc chắn là sẽ có hiện tượng đó. Bởi chúng ta phải biết rằng vải là loài cây không rụng lá, quanh năm xanh tốt, bởi vậy lá vải rụng xung quanh gốc không đáng kể gì. Nếu tình trạng này ồ ạt sẽ gây hại cho sự phát triển của vải bởi lá là bộ phận quan trọng cung cấp thức ăn cho cây. Thời điểm này không phải là lúc để tỉa cành, tạo tán chính trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây vải thiều; nếu tỉa cành để lấy lá với số lượng lớn sẽ làm cho cây chuyển sang ra lộc, thay vì ra hoa, ảnh hưởng lớn năng suất, sản lượng của cả vụ.

Vậy trước hiện tượng đó, ông có khuyến cáo gì cho các hộ dân trồng vải?


- Rất không nên gom lá vải khô, ngay bản thân những tầng lá rụng xuống dưới gốc cũng có nhiều tác dụng cho sự phát triển của cây vải, một là giữ cho đất ẩm, hai là khi lá vải khô rụng xuống gốc sẽ khiến cho cỏ dại không thể mọc được. Và đặc biệt lá khô sẽ giúp giữ được thảm thực vật vừa bổ sung dinh dưỡng, vừa hạn chế sự bốc hơi nước của đất, điều này cực kỳ tốt cho cây vải. Vì vậy, việc người dân thu lượm lá vải khô đem bán sẽ gây hại đến môi trường đất.


(Theo Dân Việt)