Ngay cả những DN lớn của những doanh nhân nổi tiếng thì tình hình quản trị công ty đều ở mức rất thấp. Tình trạng coi thường quản trị, coi thường rủi ro, coi thường cổ đông… khiến các DN phải trả giá đau đớn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại sa sút và kém dẫn trong nhiều năm qua.

Triền miên sai phạm

Ngày 23/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, ông Võ Long Nguyên - Thành viên Ban kiểm soát của Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC) đã mua 45.000 cổ phiếu KDC vào ngày 09/11/2012 nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch.

Chỉ ngay sau khi ông Nguyên mua vào, cổ phiếu KDC đã 7 phiên tăng liên tiếp (trong đó có phiên tăng trần) từ ngày 13-21/11 trước khi chùng lại trong phiên ngày 22/11, với giá cổ phiếu tăng từ khoảng 39.000 đồng lên gần 41.000 đồng/cp.

Cũng sau khi ông Nguyên mua vào vài ngày, KDC công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2012 tăng mạnh nhờ doanh thu bán hàng tăng biên lợi nhuận gộp tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, quý III/2012, doanh thu thuần của KDC tăng 9% lên 1.668 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt 841 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận thuần đạt 383,8 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 3.218 tỷ đồng, tăng 5,9%; lợi nhuận gộp đạt 1.433 tỷ đồng, tăng 17,4%; so với 9 tháng đầu năm 2011.

Số lượng cổ phiếu mua không công bố của thành viên Ban kiểm soát KDC nói trên là không lớn, không thấm tháp gì so với các sai phạm khác. Tuy nhiên, nó lại cho thấy 1 điều là sai phạm của DN đang tràn lan trên sàn chứng khoán, từ công ty nhỏ tới lớn, từ xấu tới “tốt”.

Trên thực tế, KDC là một trong những doanh nghiệp khá nổi tiếng trên TTCK tập trung của Việt Nam. Mức giá cổ phiếu 39.000-40.000 đồng/cp hiện nay của KDC) cho thấy hoạt động của doanh nghiệp này cũng như niềm tin của nhà đầu tư đối với đơn vị sản xuất bánh kẹo này không phải là yếu kém.


Tuy nhiên, nhiều sai phạm như không công bố thông tin giao dịch cổ phiếu, công bố báo cáo soát xét chậm hoặc những rắc rối như mua bán cổ phiếu công ty mẹ và con… vẫn xảy ra đối với KDC.

Thực tế, tình trạng sai phạm về quản trị công ty trên TTCK Việt Nam đang diễn ra tràn lan và ở mức độ khá nghiêm trọng như các vụ mua chui bán lén của nhiều cổ đông đối với cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank; vụ cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán tại Chứng khoán SBS.

Hay vụ lách luật để cấp tín dụng trái phép cho khách hàng tại CTCK SME; thao túng giá cổ phiếu tại VTV; vụ giá đẩy giá tại SQC; vụ bỗng dưng mất tiền tại SHN; tại BBT; việc thành lập nhiều công ty con không thuộc nhóm “người liên quan” để thao túng giá tại Dược Viễn Đông DVD…

Quản trị hạng bét

Đánh giá thực trạng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng thẳng thắn thừa nhận sự yếu kém.

Theo người đứng đầu cơ quản quản lý TTCK này, việc công bố thông tin của các DN niêm yết còn rất yếu. Những văn bản quan trọng như Nghị quyết Đại hội cổ đông, biên bản HĐQT… được các doanh nghiệp công bố rất chậm. Trong khi những thông tin không quan trọng lại công bố rất nhanh.

Theo đánh giá của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), điểm số quản trị trung bình của 100 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên 2 sàn năm 2011 giảm khá mạnh so với năm trước đó và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong mạnh trong đợt đánh giá trong năm tới cho dù tình hình quản trị công ty của các doanh nghiệp trên TTCK đã ở mức rất thấp so với khu vực.

Kết quả đánh giá của dự án đưa ra hôm 22/11 cho thấy, điểm số chung tình hình quản trị công ty tại Việt Nam năm 2011 chỉ còn 42,5% (trên thang điểm 100%), thấp hơn mức 44,7% trong năm 2010, và tiếp tục cách rất xa mức trên 70% mà Thái Lan và Phillipines đạt được từ cách đây 5-6 năm.

Theo bà Anne Molyneux, tư vấn của IFC, nếu như đánh giá theo như cách chấm điểm ở trường đại học, thì mức điểm nói trên là “trượt” và “chưa đủ”.

Nếu tính trường hợp thấp nhất (trong số 100 DN được lựa chọn) thì điểm còn tệ hại hơn nhiều, chỉ vỏn vẹn 17,4%.

Trong 5 khía cạnh đánh giá, điểm cho tiêu chí vai trò của các bên có quyền lợi liên quan thấp nhất với chỉ 22,7% (trên thang 100%). Đó là mức trung bình, còn điểm thấp nhất cho tiêu chí này, có doanh nghiệp chỉ đạt 6,3%.

Tiêu chí trách nhiệm của HĐQT cũng rất thấp, chỉ đạt 35,9%. Đây là một tiêu chí rất quan trọng, và theo thông lệ ở nhiều nước, nó chiếm trọng số cao hơn rất nhiều so với tại Việt Nam, với khoảng 40% ảnh hưởng.

Ngành tài chính (theo sắp xếp của IFC bao gồm ngân hàng, BĐS, dịch vụ tài chính khác) vốn nổi tiếng với các quy định quản trị nghiêm ngặt cũng có một kết quả đáng buồn là 43%. Trong đó, có ngân hàng điểm quản trị chỉ được có 27,1% - một con số mà theo bà Phạm Liên Anh, cán bộ trường trình, là một mức quá kém.

Trên thực tế, kết quả “đi xuống” của các điểm số chung, điểm số của các doanh nghiệp lớn, của các ngành… một phần do tình trạng quản trị của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, một phần do nhiều sai phạm về quản trị được phát hiện và xử phạt trong năm qua… đã khiến đánh giá phản ánh được đúng hơn thực trạng quản trị của các DN niêm yết.

Quản trị yếu kém là do rất nhiều vấn đề, trong đó có việc thiếu giám sát tài chính và thiếu cam kết của HĐQT. Giao dịch của các thành viên HĐQT, cũng như những người, những công ty có liên quan chưa được minh bạch. Trong các công ty gia đình, công ty có vốn Nhà nước, thì giao dịch của các bên liên quan là rất quan trọng nhưng thông tin chưa đến được với các nhà đầu tư kịp thời.

Bên cạnh đó, còn là vấn đề sở hữu chéo, HĐQT không đóng đủ, thậm chí không hiểu rõ vai trò của mình; hoạt động kế toán kém, kể cả gian dối; tình trạng cắt giảm chi phí (trong đó có chi phí quản trị) trong thời buổi khó khăn.

Với những sai phạm và những vụ việc xảy ra đối với Ngân hàng ACB, Ngân hàng Sacombank… trong thời gian vừa qua, một số chuyên gia cho rằng, điểm số quản trị trung bình năm 2012 được dự báo sẽ tiếp tục giảm cho dù đã ở mức rất thấp so với khu vực. Các sự kiện tại ACB, STB… sẽ được tính vào kỳ chấm điểm tới và các yêu cầu chấm điểm đối với các doanh nghiệp sẽ cao hơn.

Việc công bố các điểm số thấp có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK vốn đang rất ảm đạm. Các nhà đầu tư có thể sẽ xa lánh các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết để cho thị trường phát triển bền vững về dài hạn.

Mạnh Hà