Một nhà vật lý học thiên văn của Mỹ chuyên giám sát các chuyến phóng tên lửa vào không gian nói rằng vệ tinh Triều Tiên phóng lên quỹ đạo trái đất vào tuần trước có vẻ như đã 'chết'.

Tên lửa Unha - 3 đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 của Triều Tiên vào quỹ đạo trái đất ngày 12/12 vừa qua.
Nhà khoa học Mỹ nói rằng vệ tinh này đã không còn phát tín hiệu nên không thể xác định được.

Jonathan McDowell thuộc trung tâm Vật lý học thiên văn Harvard-Smithsonian nói rằng rõ ràng vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo Trái đất nhưng lúc này không còn có tín hiệu nào phát ra.

"Theo những gì mà chúng tôi biết thì vệ tinh không hoạt động" - McDowell  nói.

"Chắc chắn là vệ tinh đã lên trên đó [quỹ đạo] và bay vù vù, nhưng có cảm giác không ổn lắm".

McDowell nói rằng hiện vẫn chưa rõ liệu có phải vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh - 3) đang bước đầu hoạt động và vẫn còn khả năng là vệ tinh này đang trong giai đoạn chuyển đổi và phát tín hiệu ở mức quá yếu nên khó phát hiện ra.

Tuy nhiên, McDowell cũng nói về một dấu hiệu khác 'không ổn' của vệ tinh này, đó là nó có biểu hiện dao động dưới ánh sáng mặt trời. Điều này có nghĩa là khi mặt trời chiếu sáng ở các góc độ khác nhau và vệ tinh này không quay về phía Trái đất như đáng ra nó phải thế.

Thậm chí ngay cả khi vệ tinh này không hoạt động thì nó vẫn ở trong quỹ đạo Trái đất. Một trang web của Mỹ hôm qua cho biết vệ tinh này vẫn ở quỹ đạo và cách Trái đất 505km, trùng khớp với tuyên bố của Triều Tiên.

"Những điều này rất khó để đánh giá, nhưng một vật thể với tỉ trọng ở độ cao như vậy sẽ còn ở đó [quỹ đạo] trong vài năm tới" - ông Mc Dowell nói.

Hãng KCNA của Triều Tiên tuần qua đã dẫn lời một nhà khoa học nói rằng công nghệ này là 'hoàn mỹ' và vệ tinh này đang phát bài hát "Bài ca về Tướng Kim Nhật Thành" và "Bài ca về Tướng Kim Jong Il".

Người phát ngôn Lầu Năm góc George Little nói rằng Mỹ vẫn 'đang đánh giá' vệ tinh của Triều Tiên và nói rằng ông không rõ về bất kỳ mối nguy hiểm nào có thể xảy ra.

Trước đó, Hàn Quốc và Mỹ cho biết vệ tinh này của Triều Tiên đang thực hiện chuyến bay theo quỹ đạo eclip thay vì vòng tròn như dự tính.

Nếu muốn điều chỉnh sang quỹ đạo tròn, vệ tinh này cần có một máy tăng thế, nhưng thực tế thì nó không có.

  • Lê Thu (CNA/Yonhap/KCNA)