Vụ cưỡng hiếp tập thể nhằm vào một nữ sinh hồi tháng trước tại thủ đô Ấn Độ đã gây căm phẫn không chỉ ở nước này mà còn khắp thế giới. Nó đã khiến giới chức trách đẩy nhanh tiến trình xét xử các vụ án về hiếp dâm nhưng vẫn còn đó nhiều trường hợp bị lãng quên.

TIN BÀI KHÁC:



Biểu tình liên tiếp diễn ra ở Ấn Độ kể từ sau vụ cưỡng hiếp tập thể nhằm vào nữ sinh ở Delhi ngày 16/12.

Trong những ngày vừa qua, báo chí Ấn Độ đã liên tục đưa tin về các vụ nổi cộm - một bé 10 tháng tuổi bị hàng xóm cưỡng bức ở Delhi, hoặc một trẻ 18 tháng bị hiếp và bỏ rơi trên phố ở Calcutta; bé gái 14 tuổi bị hại đời và giết chết tại một đồn cảnh sát ở Uttar Pradesh; một người chồng tạo điều kiện cho một băng đảng cưỡng bức chính vợ mình ở Howrah; một phụ nữ 65 tuổi bị hãm hiếp ở Kharagpur...

Nhưng ở một đất nước mà trung bình cứ 21 phút lại có một vụ hiếp dâm thì ngay cả những trường hợp kinh khủng nhất cũng sẽ sớm bị lãng quên - ngoại trừ nạn nhân và gia đình họ. Họ phải tự đấu tranh trong một cuộc chiến lâu dài và cô độc để đòi công bằng mà thông thường họ bị cự tuyệt.

Bôi bác công lý

Một trong những trường hợp thảm nhất và kéo dài nhất là vụ y tá Aruna Shanbaug ở Mumbai. Bị một lao công cưỡng dâm ngay tại bệnh viện nơi cô làm việc, y tá 25 tuổi này bị hung thủ Sohanlal Bharta Walmiki siết cổ bằng xích sắt rồi để mặc cho chết vào ngày 27/11/1973. Sau đó, nạn nhân đã được cứu sống nhưng câu chuyện chỉ dừng ở đó. Trong gần 40 năm qua, người phụ nữ này đã nằm lay lắt trên giường bệnh trong tình trạng liệt não, không nhận ra ai, không nói được câu nào và không làm được bất cứ việc gì dù là cơ bản nhất.

"Hắn ta thậm chí còn không bị cáo buộc đã cưỡng bức cô ấy", nhà báo Pinki Virani, người đã viết về câu chuyện của Aruna, nói. Thực tế, Walmiki chỉ nhận một bản án 7 năm vì tội cướp giật và cố ý giết người.

Trong những gì có thể được mô tả là một sự bôi bác công lý thực sự, trong khi một Aruna liệt não tiếp tục sống lay lắt trong phòng bệnh thì kẻ tấn công cô lại được tự do - không bị giam cầm và có thể tạo dựng lại cuộc đời mình.

Nữ nhà báo Virani cho biết cô đã nỗ lực hết sức để lần theo dấu vết hung thủ nhưng không thành công. "Tôi được bảo rằng hắn đã thay tên và đang làm việc tại một bệnh viện. Bệnh viện nơi hắn giở trò đồi bại với Aruna và khiến cô dở sống dở chết chưa từng có một bức ảnh của hắn trong hồ sơ. Cả tài liệu tòa án cũng thế", Virani cho biết.

Aruna không phải là trường hợp duy nhất ở Ấn Độ. Có rất nhiều câu chuyện tương tự như thế xảy ra trên khắp đất nước rộng lớn này. Bạo lực nhằm vào phụ nữ đã bén rễ sâu trong một xã hội phong kiến và gia trưởng, nơi đối với kẻ hiếp dâm thì phụ nữ chỉ là một trò giải trí.

Bẽ mặt

Năm 2003, đất nước này từng bẽ mặt khi một nhà ngoại giao Thụy Sĩ 28 tuổi bị hai thanh niên ép vào trong xe ở khu vực Siri Fort, nam Delhi, và thay nhau cưỡng hiếp. Hung thủ - mà cô miêu tả là rất thạo tiếng Anh - nói với cô về Thụy Sĩ và được tin là thậm chí còn rao giảng cho cô về văn hóa Ấn Độ.

Năm 2004, ở Manipur, Manorama 32 tuổi bị các binh sĩ ở Assam Rifles đưa khỏi nhà với cáo buộc cô giúp quân nổi loạn. Vài giờ sau đó, thi thể không nguyên vẹn của cô được phát hiện bên lề đường với khung xương chậu chi chít vết đạn.

Năm ngoái, Sonam 14 tuổi bị cưỡng bức và bị giết bên trong một đồn cảnh sát ở Uttar Pradesh.

Trong các cuộc nổi loạn năm 2002 ở Gujarat, thành viên của một nhóm phụ nữ Hồi giáo đã bị cưỡng bức tập thể, và các nhóm vận động thường cáo buộc các lực lượng an ninh ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát và vùng đông bắc bất ổn đã dùng cưỡng hiếp như một vũ khí để trừng phạt cộng đồng.

Vào tháng 5/2009, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã chứng kiến 47 ngày đình công và biểu tình bạo lực sau khi hai phụ nữ trẻ bị cưỡng bức và giết chết ở thị trấn Shopian.

Hầu hết các nạn nhân đều vẫn đang chờ đợi công lý, đôi khi là nhiều năm sau đó. Có khi các hung thủ chỉ nhận một bản án nhẹ vì thẩm phán đồng ý với lập luận của họ rằng họ phạm tội do say xỉn, do họ sống xa gia đình, hoặc họ còn có một gia đình phải chăm sóc. Có khi đơn giản là bị cáo thuộc đẳng cấp cao nên không thể "làm chuyện ấy" với một phụ nữ đẳng cấp thấp.

"Không có công thức thần kỳ"

Luật sư Indira Jaisingh cho rằng, các luật về cưỡng bức hiện nay ở Ấn Độ là chưa thỏa đáng và "tiến trình thực thi pháp luật quá chậm trễ với tỷ lệ kết án quá thấp". 

"Chúng tôi cần phải cải thiện phương pháp điều tra tội phạm, phải làm cho nó khoa học hơn và nhanh hơn. Ở Ấn Độ, một vụ án mất rất nhiều thời gian để kết luận khiến cho các nhân chứng mỏi mệt, trí nhớ mai một và việc kết án trở nên khó khăn hơn".

Bà Jaisingh cho biết, nhiều trường hợp thậm chí không ra tòa, bởi vì có một vết nhơ gắn với việc bị cưỡng bức, nên các gia đình thường không cho con gái đi trình báo với nhà chức trách. Theo bà, chỉ việc soạn lại một bộ luật tốt hơn thôi là không đủ mà toàn xã hội phải thay đổi.

"Không có công thức thần kỳ nào giải quyết được vấn đề hiếp dâm. Có một xu hướng trong đầu những người ra quyết định - đổ tội cho nạn nhân, cố tìm lý do rằng nạn nhân đã kích thích đàn ông muốn quan hệ".

Vụ việc đầu tiên như vậy ở Ấn Độ xảy ra năm 1972 khi Mathura, 16 tuổi, bị hai cảnh sát cưỡng hiếp ngay tại đồn. Tòa án đã trả tự do cho bị cáo - họ nói rằng nạn nhân không rung chuông báo động, không bị thương, và cô rất khêu gợi, "tự nguyện" quan hệ tình dục.

Làn sóng biểu tình từ các nhà hoạt động đã khiến cho chính phủ sửa đổi luật chống hiếp dâm vào năm 1983, bao gồm điều khoản nếu một nạn nhân nói cô không đồng thuận quan hệ tình dục thì tòa án phải tin lời cô.

Tâm trạng tức giận và tiếc thương sau vụ việc mới đây ở Delhi cũng đã làm tăng hy vọng rằng mọi thứ ở Ấn Độ sắp thay đổi. Chính phủ đã lập ra một ủy ban để xem xét lại luật chống hiếp dâm. Người đứng đầu Ủy ban đã kêu gọi dân chúng đóng góp ý kiến và ngay lập tức hộp thư của ông tràn ngập các yêu cầu về án tử hình dành cho kẻ hiếp dâm. Nhiều người kêu gọi các mức án tù dài hơn, lên tới 30 năm hoặc thậm chí chung thân.

Tuy nhiên, theo các nhà vận động, chỉ thay đổi luật không thì không thể giải quyết được vấn đề trong một xã hội vốn nhìn nhận phụ nữ chỉ là "những công dân hạng hai" và coi trọng nam giới. Họ cho rằng chừng nào các quan niệm xã hội chưa thay đổi và phụ nữ không được tôn trọng, không được đối xử bình đẳng thì những gì các cuộc biểu tình đạt được sẽ chỉ là nhất thời.

Thanh Hảo (Theo BBC)