Các diễn biến mới đây và dự định mua một loạt máy bay không người lái của Nhật đã trở thành yếu tố then chốt trong cuộc đua vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản khi mà xung đột biển đảo tại biển Hoa Đông có thể sớm chạm ngưỡng ‘bùng nổ’.

Máy bay F-15 của Nhật
Những điểm yếu trong tiềm lực do thám của Nhật Bản và tranh cãi chủ quyền đang diễn ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã buộc Tokyo phải mua các máy bay do thám tối tân của Mỹ.

Lỗ hổng an ninh của Nhật Bản nghiêm trọng đến nỗi hồi cuối năm ngoái, các ra-đa của nước này không thể phát hiện ra một máy bay tầm thấp của Trung Quốc đi ngang qua quần đảo này.

Các máy bay do thám có vẻ sẽ được triển khai ‘để đối trọng lại với việc Trung Quốc ngày càng kiên quyết tại vùng biển, đặc biệt là với quần đảo Senkaku’ – hãng thông tấn Kyodo của Nhật dẫn lời một nguồn tin từ chính phủ.

Nhật lo ngại rằng quần đảo này sẽ bị Trung Quốc dùng làm bàn đạp để thử nghiệm các cân bằng quyền lực trong khu vực, do đó, Bộ Quốc phòng Nhật đã yêu cầu khoản ngân sách 2,4 tỉ USD từ Thủ tướng Shinzo Abe.

Số tiền trên sẽ được chi cho các tên lửa đánh chặn PAC-3 và nâng cấp các máy bay F-15.

Nhật Bản cũng quyết định tăng thêm chi tiêu quốc phòng lên 54,3 tỉ USD, đây là mức tăng đầu tiên trong một thập kỷ qua. Ông Abe đã hứa sẽ củng cố lại quân đội và lực lượng tuần duyên trong chiến dịch tranh cử.

James Corbett – biên tập viên của hãng tin Corbett Report có trụ sở tại Nhật Bản cho biết xung đột mới đây nhất vẫn chưa ‘thấm’ xuống các tầng lớp công dân ở Nhật như là tại Trung Quốc – nơi chứng kiến làn sóng dân tộc chủ nghĩa dâng cao.

Khi mà Senkaku/Điếu Ngư đóng vai trò là điểm trung tâm trong cuộc đối đầu hiện nay, Corbett nói rằng xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới.

“… giờ đây ông Abe đang cầm quyền, ông được biết là một người theo chủ nghĩa dân tộc và cứng rắn, và giờ ông Tập Cận Bình đang nắm quyền tại Trung Quốc trong 10 năm tới, tôi nghĩa rằng ông ấy đang tìm cách chứng minh rằng ông ấy là một người bảo vệ mạnh mẽ của Trung Quốc. Do đó, tôi nghĩ là chúng ta sẽ chứng kiến một quan điểm cố thủ ở cả hai phía và đó trông giống như một cuộc chiến tranh mới và việc chi tiêu [cho quốc phòng] có thể kéo dài thêm vài năm nữa” – Corbett nói.

Trung Quốc đã có các biện pháp lên giây cót quan trọng cho chương trình máy bay do thám không người lái trong một động thái mà Mỹ nói là ‘xu hướng đáng lo ngại’.

Tàu tuần tra biển của Trung Quốc
Hồi tháng Mười vừa qua, truyền thông Trung Quốc đã nói rằng 11 cơ sở máy bay do thám sẽ được xây dựng ven biển của Trung Quốc, và ‘ít nhất một máy bay sẽ được đồn trú ở một cơ sở’.

Trung Quốc đã trình diễn 8 mẫu máy bay mới tinh vào tháng 11 vừa qua trong một triển lãm hàng không thường niên.

Sang tháng 12, họ tuyên bố rằng Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sẵn sàng bay thử nghiệm các máy bay do thám không người lái phát triển trong nước mà nhiều nhà phân tích nói rằng nó giống y chang chiếc X-47B của Mỹ.

Một tài liệu mật do Ban Khoa học Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng Bảy đã vạch rõ những nỗi lo ngại rằng Trung Quốc ‘có thể dễ dàng bắt nhịp với chi tiêu của Mỹ cho hệ thống không người lái’.

Quan hệ Trung – Nhật đã có bước chuyển sang một giai đoạn xấu hơn sau khi chính quyền Nhật quốc hữu hóa ba đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng Chín vừa qua.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi mà máy bay tuần tra của Trung Quốc và máy bay chiến đấu F-15 của Nhật nhiều phen suýt đối đầu. Thực tế này dấy lên lo ngại rằng các cuộc đụng độ sau đó có thể dẫn tới một cuộc chơi ‘bên miệng hố chiến tranh’.

Các tàu công vụ của Trung Quốc đã thâm nhập vào vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Nhật nhiều lần trong các tháng gần đây và thường có đối đầu với lực lượng tuần tra ven biển của Nhật.

Sau vụ Trung Quốc cho 4 tàu hải giám thâm nhập vào vùng biển của Nhật gần đây nhất, Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đã bị triệu tập để nghe phàn nàn.

Trung Quốc vẫn không nản chí. Hãng tin Reuters đã trích lời lãnh đạo Đảng của đơn vị tuần tra biển của Trung Quốc Sun Shixian nói rằng: “Nhật Bản tiếp tục thờ ơ trước cảnh báo của chúng tôi rằng các tàu và máy bay của họ đã xâm phạm chủ quyền của chúng tôi”.

“Hành động này có thể khiến tình hình biển đảo leo thang hơn nữa và buộc Trung Quốc phải rất chú ý và thận trọng”.

  • Lê Thu (Theo RT)