Trung Quốc đã kêu gọi các bên kiềm chế sau khi Liên Hợp Quốc thắt chặt lệnh cấm vận lên Triều Tiên để trừng phạt việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào tháng 12 vừa qua.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Triều Tiên phóng tên lửa Unha-3 hôm 12/12/12
Bắc Kinh cũng viện dẫn khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.

"Việc phóng vệ tinh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng như khả năng thử tên lửa đã làm nổi bật tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề liên quan trên bán đảo Triều Tiên" - người phát ngôn Hồng Lỗi của bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

"Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ cân nhắc tới hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên, bình tĩnh và kiềm chế và tránh mọi hành động có thể dẫn tới leo thang căng thẳng".

Sau khi LHQ công bố danh sách trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã phản ứng lại bằng tuyên bố củng cố tiềm lực hạt nhân và tên lửa của mình, dấy thêm các lo ngại về khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân lần ba.

Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đối thoại và tham vấn để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ổn định lâu dài.

Nói chuyện với đoàn đại biểu của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun-hye, ông Tập nói rằng Trung Quốc kỳ vọng bàn đàm phán sáu bên về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ sớm được nối lại.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng kêu gọi giải quyết căng thẳng ngay cả khi Triều Tiên đã bác bỏ đối thoại về chương trình hạt nhân sau động thái của Liên Hợp Quốc.

"Cách cuối cùng để khôi phục lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là xây dựng niềm tin giữa các bên chủ chốt thông qua đối thoại và tham vấn" - trích bài bình luận của hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc.

Hãng tin này mô tả động thái của Liên Hợp Quốc là 'phản ứng rõ ràng đối với việc Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ mà trong đó Triều Tiên phải tuân theo với tư cách là thành viên'.

"Các cuộc đàm phán sáu bên từ lâu bị trì hoãn vẫn là nền tảng sống còn cho đối thoại" - bài báo viết.

Các bên tham gia bàn đàm phán sáu bên này gồm có Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Nga.

Mục đích của bàn đàm phán là kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và đảm bảo về an ninh, tuy nhiên, tiến trình này đã bị bế tắc từ khi Triều Tiên từ bỏ diễn đàn vào năm 2009.

  • Lê Thu (theo CNA)