Họ mặc áo bảo hộ trắng, đeo bình dưỡng khí, tay cầm đèn pin và đi giữa các thiết bị trong bóng tối…họ là chính là 50 người kiên cường ở lại bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.


Họ là những nhân viên dũng cảm ở lại bảo vệ nhà máy điện hạt nhân (Ảnh: technorati.com)

Ngày 16/3, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, các nhân viên dùng máy bơm để bơm nước từ biển vào các lò phản ứng 1, 2, 3 để làm nguội lò và ngăn không cho các thanh nhiên liệu tan chảy.

Sau vụ nổ lò phản ứng số 2 vào hôm 15/3, công ty Điện lực Tokyo đã rút khoảng 750 nhân viên rời khỏi nhà máy và chỉ giữ lại 50 nhân viên để bình ổn 4 lò phản ứng đang gặp trục trặc.

Trong số đó, có 20 người đã chủ động đăng ký ở lại, bao gồm các nhân viên nhà máy điện, thành viên Lực lượng tự vệ Nhật Bản, cảnh sát và cả lính cứu hỏa, hầu hết họ đều trên 50 tuổi.Mặc dù chỉ còn nửa năm nữa là nghỉ hưu nhưng một nhân viên 59 tuổi tại đây cho biết sẵn sàng hy sinh tính mạng để đổi lấy sự an toàn cho mọi người.

Công ty điện lực không tiết lộ danh tính của những người này hay họ sẽ ở lại bao lâu và mức độ bức xạ bên trong nhà máy thế nào. Các chuyên gia bảo vệ hạt nhân Mỹ cho rằng, 70% nhân viên này có thể sẽ chết trong 2 tuần tới.

Một chuyên gia ngành công nghiệp hạt nhân cho biết mỗi lò phản ứng cần từ 10 tới 12 nhân viên. Điều này đồng nghĩa với việc số người ở gần bằng với số lượng nhân viên làm việc bình thường.

Ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã xem xét tới việc dùng trực thăng phun nước làm nguội các lò phản ứng. Tuy nhiên, đêm hôm đó, chính phủ Nhật lại cho rằng kế hoạch sử dụng trực thăng dội nước biển làm nguội các lò phản ứng không khả thi.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 có khả năng sẽ gặp phải sự cố nhà máy điện hạt Chernobyl, Ukraina năm 1986 và nhiều người cũng không quên trong thảm họa cách đây 20 năm đã có những phi công anh hùng đã lái máy bay trực thăng xuyên qua những lớp bụi phóng xạ để làm công tác chữa cháy.

Đối với nhiều nhân viên làm việc tại nhà máy điện hạt nhân, công việc của họ gần giống với những người lính cứu hỏa hay các quân nhân ở một mức độ nào đó. Làm thế nào để đối phó với tình trạng khẩn cấp là một trong những chủ đề được các nhân viên ở đây bàn tán sôi nổi nhất trong giờ ăn trưa.

Michael Friedlander, người từng làm việc tại 3 nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ, cho hay những người làm nghề này đều xác định rằng một khi gặp phải nguy hiểm, trước tiên họ sẽ để mọi người chạy trước, còn bản thân mình sẽ ở lại đến những phút cuối cùng.

“Chúng tôi tất nhiên là lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của người nhà nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm ở lại nhà máy điện hạt nhân” – Friedlander nói. “Nhiều năm qua, chúng tôi đã cùng đồng nghiệp làm việc và rèn luyện, điều đó đã bồi dưỡng nên tình bạn thân thiết và sự trung thành”.

Friedlander tin rằng nếu sự việc trên xảy ra tại các quốc gia khác thì việc triệu tập 50 người ở lại bảo vệ nhà máy điện hạt nhân là điều không khó.

Kể từ khi xảy ra động đất và sóng thần, đã có 5 nhân viên của công ty điện lực Tokyo thiệt mạng, 22 nhân viên khác trong đó có 11 người bị thương trong vụ nổ khí hydro tại lò phản ứng số 3.

Ngày 15/3, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi NhậtBản tuyên bố giới hạn an toàn bức xạ đối với mỗi nhân viên tại nhà máy điện hạt nhân mỗi ngày từ 100 mSV lên đên 250 mSv. Theo tiêu chuẩn quốc tế, giới hạn an toàn này là 500 mSv.

Một số chuyên gia cho rằng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn, các nhân viên cũng không thể ở cạnh lò phản ứng hạt nhân quá lâu.

Giám đốc trung thâm nghiên cứu an toàn đô thị đại học Kobe Nhật Bản đề nghị khi nguy cơ tăng cao, các nhân viên nhà máy điện hạt nhân phải thay phiên nhau làm việc, mỗi người chỉ làm trong một thời gian nhất định.

Sầm Hoa (Theo Xinhuanet)