Syria được yêu cầu đến giữa năm 2014 phải tiêu hủy xong toàn bộ các vũ khí hóa học của nước này. Tuy nhiên, ở một quốc gia vốn đã và đang bị tàn phá bởi nội chiến thì tiến trình đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}
Việc giải giáp vũ khí hóa học của Syria sẽ diễn ra như thế nào?

Cách thức thực hiện

Hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp khác nhau đang được sử dụng để hủy bỏ hóa chất và đạn dược hóa học. Tuy nhiên, hầu hết đều phải bao gồm: Đốt ở nhiệt độ cực cao để vô hiệu hóa độc tính của hóa chất hoặc trung hòa các hóa chất bằng cách thêm nước và một sản phẩm như soda ăn da.

Tiêu hủy vũ khí hóa học - gắn với các thiết bị nổ - ẩn chứa thêm rất nhiều nguy cơ. Một giải pháp là sử dụng các đơn vị phá hủy di động mà có thể di chuyển vào vị trí tương đối nhanh, nhờ đó tránh được những nguy hiểm của việc vận chuyển vũ khí chưa nổ qua một vùng chiến.

Một vài trong số những đơn vị di động này tiêu hủy các chất độc hóa học bằng cách đặt thiết bị nổ xung quanh chúng rồi đưa chúng vào một khoang bọc thép, còn gọi là "hộp nổ". Việc kích nổ sẽ phá hủy đạn và hóa chất.

Quân đội Mỹ đã phát triển một đơn vị di động có tên Hệ thống Phá hủy Thiết bị nổ (EDS), chuyên sử dụng các hóa chất để trung hòa chất độc. Hệ thống này đã được dùng để phá hủy hơn 1.700 đầu mục vũ khí ở Mỹ kể từ năm 2001 và có thể xử lý 6 vũ khí cùng lúc.

Một hệ thống khác có thể được dùng ở Syria cần đến cái gọi là "công nghệ nổ-nóng". Phương pháp này làm nóng đạn trong một phòng nổ lên khoảng 550 độ C - đủ nóng để phá hủy vũ khí và lượng hóa chất đi kèm. Biện pháp này được công ty Thụy Điển Dynasafe phát triển và hiện đang được sử dụng để tiêu hủy vũ khí hóa học ở Trung Quốc, Đức và Mỹ.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chưa có quyết định nào được đưa ra về việc dùng kỹ thuật nào để tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, vì toàn bộ các chi tiết của chương trình Vũ khí Hóa học Syria vẫn chưa được tiết lộ.

Đối với các chất độc hóa học không được đưa vào vũ khí thì việc xử lý đơn giản hơn nhiều. Nhiệt độ cao của lò sẽ làm biến đổi hóa chất đó thành các sản phẩm ít độc hại hơn, giống như rác thải tại một trung tâm xử lý công nghiệp.

Tuy nhiên sẽ có nhiều quan ngại về môi trường. Hóa chất được bơm vào một bể rồi nước và soda ăn da được đổ vào để làm cho chúng giảm bớt mức độ độc hại và dễ xử lý như rác thải độc hoặc có thể tiêu hủy trong một bể thứ hai.

Nơi tiêu hủy

Vũ khí hóa học có thể được tiêu hủy tại chỗ, sử dụng các đơn vị di động hoặc được chuyển tới một địa điểm khác để xử lý theo quy mô lớn.

Ralph Trapp, từng làm việc cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) - tổ chức mà mới đây đã tiến hành các hoạt động thanh sát ở Syria - nhận định: "Một điều tôi có thể chắc chắn là họ sẽ không làm theo cách thông thường như khi bạn có thời gian để gia cố kho đạn... Như thế phải mất vài năm. Họ không có thời gian để làm như vậy".

Ông cho rằng Syria có thể phải chấp nhận "một cách tiếp cận chắp vá", nơi vũ khí trước tiên được đặt ngoài giới hạn sử dụng, bằng cách dỡ bỏ các bộ phận nạp và đổ bê tông vào đầu đạn, hoặc chôn chúng trong bê tông. Các điều khoản của Công ước Vũ khí Hóa học (CWC) cấm vứt bỏ các chất độc hóa học xuống biển hoặc chôn chúng sâu dưới lòng đất.

Phá hủy vũ khí bằng cách tiến hành các vụ nổ có kiểm soát trong hầm sâu - một cách từng được dùng ở Iraq vào những năm 1990 - cũng không được phép, theo CWC, do các rủi ro nguy hiểm cho người dân sống xung quanh.

Tiến sĩ Patricia Lewis, Giám đốc nghiên cứu về an ninh quốc tế tại Chatham House, cho biết bà thiên về giải pháp đưa hóa chất ra khỏi Syria và chuyển tới một nước như Nga.

"Tôi cảm giác rằng một trong những điều họ sắp làm là đảm bảo một lệnh ngừng bắn tạm thời... Vì vậy tôi nghĩ các thanh sát viên sẽ phải làm việc khá nhanh chóng, trong khi họ đạt được ngừng bắn", bà nói. "Bởi vì Nga đưa ra sáng kiến ở đây, họ phải có trách nhiệm đó để đảm bảo sáng kiến được thực hiện".

Nga có một căn cứ hải quân tại Tartus thuộc Syria, nơi các vũ khí hóa học có thể được tập hợp và đưa tới một địa điểm khác. Nhưng có thể có lo ngại về việc cho phép vận chuyển đạn được hóa chất qua các vùng lãnh hải nước ngoài.

Nga cũng có một chương trình tiêu hủy vũ khí hóa học và hiện nó đang hoạt động hết công suất, trong khi nước này vẫn còn một số lượng đáng kể vũ khí cần tiêu hủy.

Những nước từng tiêu hủy vũ khí hóa học

Iraq và gần đây hơn là Libya đều có các kho vũ khí hóa học được tiêu hủy.

Ở Iraq, các thanh sát viên vũ khí Liên Hợp Quốc đã định vị các cơ sở vũ khí hóa học và phong tỏa chúng. Ngay khi phong tỏa xong, chúng sẽ được đặt ngoài khả năng sử dụng.

Alastair Hay, giáo sư về độc hại môi trường tại Đại học Leeds, đánh giá mô hình Iraq có thể là một lựa chọn.

Kho đạn của Libya nhỏ hơn nhiều và một nhà máy tiêu hủy đã được xây dựng để xử lý chúng - mặc dù tiếp đó một kho khí mù tạt lại được phát hiện sau khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ.

Tiêu hủy trong bao lâu?

Theo các điều khoản CWC, Syria được cho thời hạn 9 tháng để hoàn tất chương trình tiêu hủy toàn bộ các vũ khí hóa học của nước này. Tổng thống Bashar al-Assad cho biết, ông cam kết thực hiện kế hoạch nhưng cảnh báo tiến trình có thể kéo dài khoảng một năm.

Giáo sư Hay cho biết, ông hy vọng người Syria sẽ được trao cho một chút "biên độ" nếu như chương trình tiêu hủy bị chậm trễ. "Nếu công việc diễn ra suôn sẻ, và vì một lý do kỹ thuật nào đó mà có trục trặc, hoặc nếu khối lượng vật liệu không thể được xử lý kịp thời hạn, thì tôi hy vọng, nếu rõ ràng Syria không trì hoãn thời gian, họ sẽ phải được một chút thời gian thêm về thời hạn chót".

Các kho vũ khí toàn cầu

Nga và Mỹ có các kho thiết bị liên quan tới vũ khí hóa học lớn nhất toàn cầu. Theo OPCW, khoảng 81% lượng vũ khí hóa học công khai trên thế giới đã được tiêu hủy tính đến tháng 7/2013. Mỹ đã hủy khoảng 90% còn Nga khoảng 74%.

Tuy nhiên, các thời hạn chót đều được nới rộng từ năm 2007 tới năm 2012 và hiện thời Nga cam kết hoàn tất chương trình của nước này vào năm 2015 còn Mỹ vào năm 2023.

Cả Nga và Mỹ đều ký kết CWC và việc thi hành công ước này là do OPCW có trụ sở ở The Hague giám sát. Các nhà khoa học của OPCW là nhóm đã tiến hành thanh sát vũ khí ở Damascus mới đây nên nhiều khả năng tổ chức này cũng sẽ giám sát chương trình tiêu hủy ở Syria.

Trưởng thanh tra vũ khí Liên Hợp Quốc Ake Sellstrom thừa nhận sẽ rất khó tìm và tiêu hủy tất cả các vũ khí hóa học của Syria nhưng ông tin rằng công việc này vẫn có thể thực hiện được.

Thanh Hảo (Theo BBC)