Nga đã gây áp lực rất lớn lên Ukraine về việc gia nhập liên minh hải quan do Moscow dẫn đầu, thay vì ký một thỏa thuận với EU vốn được đàm phán từ lâu.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Khi hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine gặp gỡ ở Moscow ngày 17/12, Dmitri Trenin - Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow - đã tiến hành tìm hiểu chiến lược của Nga hướng tới đối tác truyền thống phía nam nước này.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các mối quan hệ quốc tế là trên hết và trước nhất về cạnh tranh. Cách tiếp cận của ông với Ukraine phản ánh triết lý cơ bản đó. Các chủ đề chính đã được nhắc đi nhắc lại trong Thông điệp Liên bang mà Putin trình bày trước Quốc hội tuần trước. Các đối thủ chính là "các đơn vị địa chính trị lớn": Mỹ, Trung Quốc và châu Âu - mặc dù châu Âu vẫn chưa phải là một đối tác chiến lược được cam kết đầy đủ.

{keywords}
Nhiều người ở miền đông Ukraine ủng hộ Tổng thống Yanukovych.

Trong bối cảnh đó, Nga là một trong số rất ít các chủ thể độc lập chủ đạo. Để cạnh tranh thành công hơn nữa, Nga phải mở rộng căn cứ quyền lực của mình, bằng cách tạo ra một liên minh quân sự, chính trị và kinh tế ở lục địa Á - Âu.

Theo ông Putin, Nga không chỉ là một đơn vị chiến lược mà còn sở hữu một nền văn minh riêng biệt mà họ có chung với một vài nước khác, chẳng hạn như Ukraine và Belarus. Nền văn minh đó vừa mang tính Thiên chúa giáo vừa mang tính châu Âu. Nhưng đó không phải là một sự mở rộng đơn thuần của Tây Âu, hoặc Liên minh châu Âu. Vì vậy, Nga tìm cách trở thành ngang hàng với EU.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã buộc Tổng thống Putin phải tái khởi động một dự án đã bị trì hoãn từ lâu về hội nhập kinh tế lục địa Á - Âu. Năm 2009, Moscow bắt đầu làm việc nghiêm túc về một liên minh hải quan với Belarus và Kazakhstan. Năm 2012, liên minh hải quan này càng chặt chẽ, đặt ba nước vào một không gian kinh tế riêng. Mục tiêu giờ đây là tiến tới thành lập Liên minh Kinh tế Á - Âu năm 2015.

Armenia và Kyrgyzstan, hai nước thuộc Liên Xô cũ, đã xin gia nhập tiến trình hội nhập Á - Âu. Tuy nhiên, Ukraine - với tổng dân số 46 triệu người và nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Nga) - mới thực sự tạo ra khác biệt và mang lại cho dự án này một số đông quyết định mà ông Putin đang tìm kiếm.

Không giống như nhiều người nhìn nhận, Tổng thống Nga không bắt đầu bằng các đòn trừng phạt. Ông cung cấp cho Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych những khuyến khích lớn: giảm đáng kể giá khí đốt, các dự án hợp tác công nghiệp quy mô lớn, và tín dụng ưu đãi.

Bằng cách làm như thế, ông chủ Điện Kremlin cổ vũ sự đoàn kết tinh thần của hai dân tộc Slav, vốn đều trung thành với truyền thống Cơ đốc giáo chính thống, và vai trò nổi bật mà người Ukraine đã đóng góp cho lịch sử của đế quốc Nga và sau đó là Liên Xô.

Về cơ bản, ông Putin mời họ một lần nữa chia sẻ số phận mình với Nga.

{keywords}
Những người thân EU biểu tình bên ngoài quốc hội ở London, và cả ở Kiev.

Nhưng không may cho kế hoạch này, toàn bộ tầng lớp tinh hoa của Ukraine lại tập trung vào một dự án quốc gia đơn thuần, coi Ukraine trên tất cả là độc lập khỏi Nga.

Tổng thống Yanukovych và Thủ tướng dưới quyền Mykola Azarov cùng nhiều ông trùm ở miền đông Ukraine hậu thuẫn họ không ngần ngại duy trì các quan hệ thương mại với Nga, đặc biệt là khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này không có thị trường nào khác. Nhưng họ không muốn nghe về sự hội nhập vì điều đó sẽ đẩy họ ra khỏi ghế quyền lực.

Đảng Các khu vực cầm quyền muốn nguyên trạng hiện nay. Nhưng đa số dân chúng ở Ukraine và phe đối lập lại muốn nước này hướng tới EU.

Vì vậy, Kiev đã tuyên bố dự định sẽ ký một thỏa thuận liên kết và hiệp ước thương mại tự do với EU ngay cả khi họ tìm cách níu giữ các điều khoản thương mại ưu đãi với Nga.

Thấy Ukraine muốn có chiếc bánh của mình, ông Putin đã tuyên bố rõ nước này phải lựa chọn bên này hoặc phía kia. Ông cũng quyết định chứng minh cho Kiev thấy cái giá của việc cự tuyệt lời đề nghị của ông và hướng về phía Tây.

Các thanh sát viên y tế Nga đã phát hiện có vấn đề trong kẹo của Ukraine, các nhân viên hải quan thì làm chậm giao thông qua biên giới còn tập đoàn năng lượng Gazprom thì nhắc nhở hãng Naftogaz của Ukraine về khoản nợ khổng lồ.

Bề ngoài, các biện pháp này tựa như những phát đạn cảnh cáo, ngụ ý rằng Nga sẽ bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình nếu Ukraine bãi bỏ các rào chắn thương mại với EU. Tuy nhiên, chúng lại được thiết kế để khiến cho ban lãnh đạo Ukraine nhận ra họ sẽ tổn thất nhiều đến mức nào nếu chọn phương Tây thay vì hướng về phía Đông.

Quyết định dừng đàm phán với EU của Tổng thống Yanukovych hồi tháng trước dường như đã chứng tỏ chiến thuật của Nga có hiệu quả. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình rộng khắp ở Kiev sau đó lại đẩy mọi thứ theo hướng ngược lại.

Nga thực sự tức giận với EU về những gì nước này xem là sự can thiệp công khai vào Ukraine - trái ngược với những gì họ tin là sự kiềm chế của mình.

Tuy nhiên, sự liên quan ngày càng lớn của EU với Ukraine có thể sẽ lại hóa may với Nga. Bởi nếu Yanukovych chấp nhận các điều kiện của Putin, Moscow sẽ cần phải dành hàng tỷ đôla để "bảo lãnh" Ukraine ra và giữ cho các ngành kém hiệu quả duy trì hoạt động. Moscow cũng phải trao cho Kiev một vị thế đặc quyền trong Liên minh Á - Âu.

Đưa Ukraine gia nhập cũng sẽ là một thỏa thuận tồi tệ cho Nga.

Mặt khác, nếu EU sẽ giúp Ukraine trở nên hiện đại hơn - với cái giá đắt đối với cả EU và Ukraine, thì chính Nga sẽ hưởng lợi. Nó sẽ mang lại cho người láng giềng dễ đoán này một cơ hội làm ăn hấp dẫn hơn - mà không cần phải trả một đồng rúp nào. Tổn thất ngắn hạn của ông Putin sẽ là lợi ích dài kỳ của Nga.

Thanh Hảo (Theo BBC)