Nga vừa kêu gọi các lãnh đạo đối lập Ukraine chấm dứt chiến dịch "tối hậu thư và đe dọa" của họ và tiến tới đàm phán với chính phủ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow quan ngại trước nỗ lực của các nhà hoạt động nhằm "kích động" tình hình ở Ukraine.

Người biểu tình ở thủ đô Kiev vẫn tiếp tục yêu sách đòi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức. Nhà lãnh đạo này hiện đã trở lại làm việc sau 4 ngày bị ốm.

{keywords}
Người biểu tình phản đối chính phủ ở Ukraine vẫn đổ ra đường bất chấp thời tiết giá lạnh.

EU và Mỹ hiện đang xem xét một khoản cho vay lớn để giúp Ukraine, nước đang ngập trong nợ nần. Chi tiết cụ thể của kế hoạch chưa được tiết lộ song các quan chức của cả Mỹ và EU tuyên bố sẽ kèm điều kiện Kiev tiến hành "cải tổ thực sự".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định EU sẽ không lao vào một "cuộc cạnh tranh" với Nga để giành sự trung thành của Ukraine.

Năm ngoái, Moscow đã cam kết gói hỗ trợ 15 tỷ USD cho Kiev song tỏ ý rằng đợt tiếp theo sẽ không được cung cấp cho đến khi một chính phủ mới được thành lập, sau khi Thủ tướng và Nội các từ chức hồi tuần trước.

Bất ổn ở Ukraine bắt đầu hồi tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống Yanukovych quay lưng với một thỏa thuận thương mại được lên kế hoạch từ lâu với EU. Thay vào đó, ông đồng ý một khoản vay với Nga. Động thái này đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình rầm rộ ở Kiev và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi các luật chống biểu tình mới có hiệu lực từ tháng 1.

Chủ nhật vừa qua (2/2), hàng nghìn người đã tham gia một cuộc tuần hành mới ở trung tâm Kiev, với các lãnh đạo đối lập lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp.

Trong một thông điệp ngày sau đó (3/2), Bộ Ngoại giao Nga đã lên án hành động của họ, nói rằng họ đang "gây khó" sau một hội nghị được tổ chức ở Munich tuần trước về tương lai của Ukraine.

"Chúng tôi hy vọng phe đối lập ở Ukraine không đưa ra những đe dọa và tối hậu thư, đồng thời tiến tới đối thoại với các nhà chức trách để tìm ra một con đường hợp hiến thoát khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc của đất nước", Bộ Ngoại giao ở Moscow nhấn mạnh.

Tổng thống Yanukovych đã nghỉ ốm từ thứ Tư tuần trước. Văn phòng của ông cho biết ông bị sốt và gặp các vấn đề về đường hô hấp. Phe đối lập tỏ ý nghi ngờ và cho rằng hành động này của ông Yanukovych chỉ để câu thời gian.

Trong một thông điệp ngày 3/2 khi trở lại làm việc, Tổng thống Ukraine tuyên bố đất nước ông phải "nói Không với chủ nghĩa cực đoan, cấp tiến và kích động thù hằn trong xã hội, mà đằng sau chúng là một cuộc tranh giành quyền lực". Nhà lãnh đạo này cũng chỉ trích những hành động cố ý phá hoại và chiếm giữ các tòa nhà chính phủ của người biểu tình trong những tuần gần đây.

Nhiệm vụ đầu tiên của Tổng thống Ukraine khi trở lại làm việc là bổ nhiệm một Thủ tướng mới thay thế ông Mykola Azarov, người từ chức tuần trước, cùng với Nội các của ông.

Chính phủ Ukraine đã đưa ra một số nhượng bộ, bao gồm hủy bỏ các luật chống biểu tình gây tranh cãi và ân xá cho những người biểu tình bị giam giữ. Tuy nhiên, những người muốn Ukraine quan hệ thân thiết hơn với EU thay vì với Nga vẫn không nguôi bớt tức giận và vẫn yêu cầu Tổng thống phải từ chức, sau đó là tổ chức bầu cử.

Thanh Hảo (Theo BBC)