EU khó có thể trừng phạt kinh tế Nga vào lúc này; Thái Lan phát hiện 300 vật thể trôi nổi nghi là mảnh vỡ của MH370 là những tin nóng trong ngày qua.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tin nổi bật 

Phát biểu sau cuộc gặp ngày 26/3 với Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng khó có thể trừng phạt Nga về mặt kinh tế sau khi Moscow sáp nhập Crưm. 

{keywords}
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: RT

Truyền hình Nga dẫn lời bà Merkel nói rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow lúc này là chưa khả thi và nhấn mạnh rằng bà hy vọng một giải pháp chính trị sẽ tháo gỡ cuộc khủng hoảng Ukraina. 

Bà Merkel nói rằng bà ‘không muốn leo thang’ căng thẳng với Nga, trái lại, bà đang tìm cách xuống thang. 

Trên thực tế, Berlin có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Nga, với kim ngạch thương mại hai nước tương đương khoảng 76 tỉ euro vào năm 2013. 

Có khoảng 6.000 doanh nghiệp và 300.000 nhân công của Đức phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với đối tác Nga. 

Trong các nước thuộc Liên minh châu Âu, Đức hiện là quốc gia xuất siêu sang Nga lớn nhất. Nếu lệnh trừng phạt kinh tế áp vào Nga thì các hãng sản xuất xe hơi của Đức chịu thiệt hại đầu tiên vì khoảng một nửa số hàng xuất khẩu của Đức sang Nga là xe hơi và máy móc. 

Các hãng xe hơi hàng đầu của Đức đều có nhà máy ở Nga. Và Nga cung cấp 35% nhu cầu khí đốt cho Đức. 

Thêm vào đó, Nga đang cung cấp 25% khí đốt cho toàn bộ khu vực EU. 

Hãng tin AP cũng có bài xã luận cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vì việc leo thang căng thẳng với Moscow có thể khiếp các khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ sụp đổ. 

Bài báo lấy ví dụ về tầm quan trọng của Nga trong các vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran, việc thực thi giải giáp vũ khí hóa học tại Syria, và tuyến đường Nga cho Mỹ mượn để rút quân và thiết bị khỏi Afghanistan. 

Tin vắn 

Vệ tinh của Thái Lan phát hiện 300 vật thể trôi nổi ở Ấn Độ Dương, gần với khu vực được xác định là máy bay MH370 của Malaysia chấm dứt hành trình. 

Đan Mạch đã cho triển khai 6 máy bay tiêm kích đến khu vực Baltic. 

Nga phủ nhận tăng binh sĩ ở biên giới giáp Ukraina sau khi có thông tin cho rằng Moscow điều thêm quân tới khu vực này. 

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 49% số chất hóa học để sử dụng làm vũ khí hóa học và chất độc thần kinh tại Syria đã được tiêu hủy. 

Chính phủ Bỉ đã phải tốn một khoản chi phí lên tới 10 triệu euro để đảm bảo an ninh và lễ tân cho sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vòng 24 giờ tại quốc gia này. 

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đã nhất trí gặp Triều Tiên để thảo luận về vấn đề ‘phụ nữ giải khuây’ trong thời gian Thế chiến II, tại Trung Quốc. 

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp để bàn thảo về việc Triều Tiên liên tiếp cho bắn các tên lửa tầm ngắn trong những ngày qua. 

Hai quan chức cấp cao tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã bị bãi miễn, một trong số hai quan chức đã từng lái xe trong tình trạng say rượu. 

Thông tin trong ảnh

{keywords} 

Hỏa hoạn đã thiêu rụi khu chợ Thong Khan Kham lớn nhất tại thủ đô của Lào vào đêm 26/3.

 Phát ngôn trong ngày 

{keywords}

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt có bài viết trên tờ Die Zeit, rằng cách tiếp cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Crưm là ‘hoàn toàn có thể hiểu được’ và cho rằng việc EU trừng phạt nhằm vào các cá nhân và doanh nhân, chính trị gia Nga là ‘một ý tưởng ngu ngốc’.  

Ông Helmut Schmidt cho rằng các biện pháp trừng phạt có bản chất chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nếu lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng thì ‘điều đó sẽ tác động mạnh tới phương Tây y như với Nga’.  

Sự kiện 

Ngày 28/3/1911 – Tàu tuần dương SMS Goeben của Hải quân Đế quốc Đức được hạ thủy, chính phủ Tây Đức tháo dỡ tàu vào năm 1973.

Ngày 28/3/1930 – Hai thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là Constantinopolis và Angora đổi tên thành Istanbul (hình) và Ankara trong quá trình cải cách của Mustafa Kemal Atatürk. 

Lê Thu (tổng hợp)