Hãng tin Reuters dẫn lời chỉ huy quân sự hàng đầu của Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, Nga đã huy động lực lượng cần thiết ở sát biên giới Ukraina, nếu Kremlin muốn quyết định ‘tấn công bất ngờ’ nước láng giềng.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ ngừng một số hoạt động hợp tác với Nga nhằm gây sức ép với Moscow. Ảnh: RT

NATO nói rằng, Moscow có thể thực hiện mục tiêu trên chỉ trong vòng 3-5 ngày.

Gọi tình trạng này là ‘vô cùng đáng lo ngại’, Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove nói rằng, NATO đã phát hiện ra các dấu hiệu cho thấy một lực lượng rất nhỏ của Nga đang di chuyển trong đêm, nhưng không có biểu hiện của việc rút quân về doanh trại.

Mỹ và châu Âu đã có các biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moscow sáp nhập Crưm, và nói rằng họ sẽ trừng phạt mạnh thêm nữa nếu như Nga có động thái nào khác tại khu vực phía đông Ukraina.

Lãnh đạo NATO cho hay, lực lượng Nga ở biên giới với Ukraina ước tính vào khoảng 40.000 binh sĩ, và có thể là mối đe dọa tới miền đông và nam Ukraina.

“Lực lượng này rất lớn và có đầy sức mạnh, trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu” – Breedlove nói.

Ông này cho biết thêm, lực lượng Nga có các máy bay và trực thăng yểm trợ, cũng như bệnh viện dã chiến và các thiết bị chiến tranh điện tử - ‘tất cả những yếu tố cần thiết để tấn công bất ngờ Ukraina, nếu như mệnh lệnh được ban ra’.

Đáp lại, Nga cho biết họ không có ý định xâm lược nước láng giềng, cho dù Tổng thống bị truất quyền của Ukraina là Viktor Yanukovich hồi tháng 2 nói rằng, Moscow có quyền can thiệp để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga nếu cần thiết.

Cùng lúc, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA đã ngừng một số hoạt động hợp tác với Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, động thái này bất lợi cho Mỹ nhiều hơn, khi mà trong những năm tới, Mỹ không thể cử phi hành gia lên vũ trụ nếu thiếu Nga.

Đại diện của NASA cho biết việc ngừng hợp tác với phía Nga sẽ bao gồm cả việc NASA tới Nga làm việc, và các đại diện của chính quyền Nga không được tới các cơ sở của NASA, mọi cuộc họp song phương, trao đổi thư điện tử, họp qua truyền hình, họp qua điện thoại; trừ các liên lạc liên quan tới việc vận hành trạm không gian, các cuộc họp do phía Nga chủ trì có liên quan tới các nước khác, như Canada, Nhật Bản và châu Âu.

Trang tin CSM của Mỹ cho rằng, Trạm Không gian Quốc tế từ lâu đã là biểu tượng hợp tác quốc tế trong không gian giữa những bên thậm chí từng là ‘cựu thù’, nhưng với động thái này của Washington, đây có thể là điểm gây sức ép kế tiếp mà Mỹ muốn gây căng thẳng lên Moscow sau khi Nga sáp nhập Crưm.

Biện pháp trừng phạt này có thể làm tiêu tốn của Mỹ một khoản đầu tư nặng tay vào một trạm khác trị giá 150 tỉ USD, và Mỹ không thể đưa người, hàng hóa lên không gian nếu thiếu Nga.

Mọi chương trình viễn thông liên lạc, vệ tinh do thám và an ninh của Mỹ đều phụ thuộc rất lớn vào việc hợp tác với Nga trên trạm Không gian Quốc tế.

Các nhà quan sát đang dõi theo phản ứng mà Tổng thống Vladimir Putin sẽ đáp trả sau bước đi này của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, hãng tin RIA cho hay, Tòa án Moscow hôm qua đã ban hành lệnh bắt giữ vắng mặt đối với lãnh đạo đảng cực hữu ‘Khu vực Cánh hữu’ của Ukraina là Dmitry Yarosh.

Yarosh bị Nga buộc tội công khai khuấy động chủ nghĩa cực đoan và khủng bố và yêu cầu trợ giúp thực hiện tấn công khủng bố trên đất Nga.

Quốc hội Crưm cũng ban hành lệnh cấm với đảng Svoboda (Tự do) và đảng Khu vực Cánh hữu.

Lê Thu