Phương Tây lúc này đang sống trong thế giới của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này không phải vì Putin đúng, hay vì ông mạnh hơn, mà bởi vì ông đang là người nắm thế chủ động. Putin ‘dữ dội’ trong khi phương Tây ‘thận trọng’.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do tại Sofia (Bulgaria) Ivan Krastev có bài viết trên tờ Project Syndicate nhận định rằng trong khi các lãnh đạo phương Tây và Mỹ nhận ra rằng trật tự thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, họ lại không thật sự thấu hiểu hết quá trình này.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ảnh: RIA

Họ vẫn chìm đắm trong niềm tin rằng Putin đã chuyển đổi từ một kiểu ‘Giám đốc điều hành’ công ty ‘Liên doanh Nga’ thành một lãnh đạo quốc gia được kích từ ý thức hệ - người bất chấp tất cả để khôi phục lại ảnh hưởng của đất nước mình.

Nền chính trị thế giới có thể được gây dựng từ các hiệp ước, nhưng nó vận hành dựa trên cơ sở các kỳ vọng có tính toán. Nếu như những kỳ vọng đó không đạt được, trật tự thế giới đang chiếm ưu thế đó sẽ sụp đổ. Đó chính là những gì đã xảy ra trong tiến trình khủng hoảng Ukraina.

Chỉ vài tháng trước, hầu hết các chính trị gia phương Tây đều tin rằng trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, chủ nghĩa xét lại phải trả giá quá đắt và bất chấp việc Putin quyết bảo vệ các lợi ích của Nga trong không gian hậu Liên Xô, ông sẽ không cần viện tới quân sự để làm vậy. Giờ thì câu chuyện đã sáng tỏ theo một cách không như họ đã nghĩ.

Sau đó, binh sĩ nói tiếng Nga xuất hiện khắp nơi ở Crưm, các quan sát viên quốc tế phần nhiều vẫn cho rằng Kremlin có thể hậu thuẫn cho việc cộng hòa tự trị này ly khai khỏi Ukraina, nhưng không nghĩ được tới khả năng sáp nhập vào Nga. Lại một lần nữa, niềm tin này nhầm chỗ.

Vào lúc đó, phương Tây không nghĩ rằng Nga sẵn sàng làm vậy, nhưng Nga lại biết chính xác những gì mà phương Tây sẽ - và quan trọng hơn là sẽ không – làm gì. Điều này đã tạo nên một thế bất đối xứng nguy hiểm.

Chẳng hạn, khi Moldova đề nghị gia nhập Liên minh châu Âu, Nga cũng có thể tiến hành sáp nhập vùng Transnistria – nơi quân đội Nga đã đồn trú ở đây gần hai thập kỷ. Và Moldova cũng hiểu rằng, nếu chuyện này xảy ra thật, thì phương Tây sẽ không can thiệp quân sự để bảo vệ chủ quyền của họ.

Còn với Ukraina, Nga cho thấy điều rõ ràng là họ có thể gây tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina vào tháng Năm này. Các lãnh đạo phương Tây hy vọng sự kiện này sẽ củng cố thay đổi tại Ukraina trong khi biến các cuộc thảo luận hiến pháp thành một hành động mở đầu trong việc thiết lập nên một trật tự châu Âu mới.

Nga mường tượng ra một Ukraina đang trở thành một kiểu như Bosnia – một quốc gia được liên bang hóa triệt để, bao gồm các đơn vị chính trị mà mỗi yếu tố trong đó đều quán triệt các ưu tiên kinh tế, văn hóa và địa chính trị của họ. Nói cách khác, trong khi toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina vẫn được bảo toàn về mặt kỹ thuật, phần phía đông của quốc gia này vẫn có thể có quan hệ mật thiết với Nga hơn là nửa phía tây – tương tự như mối quan hệ giữa Bosnia và Serbia.

Điều này khiến châu Âu tiến thoái lưỡng nan. Vì việc liên bang hóa triệt để có thể giúp Ukriana vẫn nguyên vẹn suốt cả cuộc khủng hoảng, nhưng về lâu dài lại khiến quốc gia này có thể bị tan rã và sụp đổ. Như trường hợp của Nam Tư cũ, việc liên bang hóa về lý thuyết thì rất ổn, nhưng trên thực tế lại không như vậy.

Đối mặt với chủ nghĩa xét lại của Nga, những phán đoán của họ đã không còn phù hợp, nên các lãnh đạo đó đang phải chật vật để đưa ra phản ứng sao cho hiệu quả.

Tại châu Âu, các chiến lược – hoặc là tầm thường hóa việc sáp nhập Crưm, hoặc là ứng xử với Putin như là người mất trí – đều là tự chuốc lấy thất bại. Liên minh châu Âu đang do dự giữa chủ nghĩa cực đoan khoa trương và chủ nghĩa tối thiểu hóa chính sách.

Mặc dù một số đã đưa ra lời khuyên khờ khạo rằng nên mở rộng NATO trong không gian hậu Xô – Viết, phần lớn trong số họ vẫn tự hạn chế mình khi ủng hộ các trừng phạt mang tính biểu tượng, chẳng hạn như các lệnh cấm thị thực chỉ tác động lên vài chục quan chức Nga.

Thực tế, chẳng ai thực sự tin rằng các lệnh cấm thị thực sẽ có hiệu quả. Những lệnh trừng phạt này được đưa ra vì đây là hành động duy nhất mà các chính quyền phương Tây có thể nhất trí với nhau.

Về vấn đề Ukraina, cả lãnh đạo lẫn công chúng phương Tây đều trong tâm trạng thất vọng có đề phòng. Suy sụp sau một thập kỷ kỳ vọng quá đáng và mơ tưởng thiếu thực tế - từ ‘cách mạng sắc màu’ trong thế giới hậu Xô Viết cho tới Mùa xuân Ả Rập – dư luận phương Tây giờ đây đã chọn cách chỉ nghe tin dữ. Và đây thật sự là một nguy cơ, bởi vì tương lai trật tự châu Âu hầu như phụ thuộc vào những gì sắp xảy ra ở Ukraina.

Lúc này, một điều rõ ràng là Crưm sẽ không trở lại với Kiev, và việc trì hoãn bầu cử Tổng thống vào ngày 25/5 tới cũng đồng nghĩa với dấu chấm hết cho Ukraina. Phương Tây có trách nhiệm thuyết phục Nga ủng hộ cuộc bầu cử này – và đảm bảo rằng các cải cách hiến pháp cần thiết sẽ được quyết định ở Kiev, chứ không phải ở Dayton, Hoa Kỳ.

Lê Thu (theo Project – Syndicate)