EU đang chuẩn bị áp đặt thêm các đòn trừng phạt chống lại Nga liên quan đến xung đột ở đông Ukraina.

TIN BÀI KHÁC:

Hãng tin BBC cho biết, đến nay, phương Tây vẫn cố kiềm chế các lệnh cấm vận Cấp độ 3 nhằm đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế Nga. Do vậy, nhiều công ty trong ngành năng lượng then chốt của Nga vẫn có thể làm ăn với đối tác phương Tây, nhưng họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoản vay phương Tây.

Quy mô cấm vận mới của EU

EU hiện đang chuẩn bị mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào các quan chức, doanh nhân và thực thể Nga. Họ phải chịu các lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại vì "ủng hộ cả về vật chất lẫn tiền bạc cho những hành động làm xói mòn hoặc đe dọa chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraina".

{keywords}
Gazprombank cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.


Danh sách này sẽ được công bố vào cuối tháng 7. Điều đó đồng nghĩa với việc EU có thể sẽ theo chân Mỹ nhắm tới nhiều người hơn nữa trong giới chóp bu ở Moscow, và cả một số công ty lớn của Nga.

Trước đó, EU đã trừng phạt một số cá nhân và thực thể trực tiếp liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crưm, và lực lượng nổi dậy li khai ở miền đông Ukraina.

Quan chức cấp cao nhất bị EU trừng phạt đến nay là Vyacheslav Volodin, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin. Ông này cũng có tên trong danh sách của Mỹ. Một số tướng cao cấp của Nga cũng đã bị EU cấm vận.

Mỹ đã phạt những ai?

Cấm vận của Mỹ nhắm tới nhiều nhân vật quyền lực thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, một số là các thương gia giàu nhất nước Nga.

Trong số họ có Gennady Timchenko, người sáng lập hãng giao dịch hàng hóa toàn cầu Gunvor. Ông này còn sở hữu Tập đoàn Volga, một hãng đầu tư có cổ phần trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và cơ sở hạ tầng, trong đó có Novatek - nhà sản xuất khí đốt lớn thứ 2 ở Nga.

Igor Sechin là một "ông lớn" khác trong danh sách của Mỹ. Ông này là cựu sĩ quan tình báo, đồng minh lâu năm của Tổng thống Putin và có ảnh hưởng đến chính sách của Kremlin.

Sechin hiện là Chủ tịch tập đoàn dầu lửa khổng lồ Nga Rosneft, có các quan hệ đối tác về năng lượng với ExxonMobil và BP của Anh.

Tuần trước, Mỹ đã đưa thêm nhiều doanh nghiệp Nga vào danh sách cấm vận, trong đó có Rosneft và Novatek, và Gazprombank - một phần của tập đoàn Gazprom.

Một ngân hàng Nga từ thời Liên Xô - Vnesheconombank - cũng bị nhắm tới.

Ngoài ra còn có công ty vũ khí nổi tiếng Kalashnikov và "các cộng hòa nhân dân" tự xưng của phe li khai ở Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraina.

{keywords}

Chủ hãng Rosneft, Igor Sechin (phải) là một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin. (Ảnh: Reuters)


Nền kinh tế Nga có bị tổn hại?

Các lệnh cấm vận phát một tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Putin và các đồng minh đầy quyền lực của ông trên chính trường cũng như trong kinh doanh.

Các ngân hàng và công ty năng lượng bị trừng phạt sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc tiếp cận các thị trường vốn của Mỹ.

Tuy lệnh phong tỏa tài sản có vẻ ít tác động song việc cấm đi lại của phương Tây có thể ảnh hưởng đến những người bạn giàu có và gắn bó với ông Putin.

London là nơi giới doanh nhân tinh hoa của Nga hay lui tới. Nhiều người còn mua các cơ ngơi xa xỉ ở Anh.

Mối quan hệ thương mại giữa EU với Nga mạnh hơn so với Mỹ, vì vậy một quy mô cấm vận nhỏ hẹp hơn sẽ làm giảm tác động về tổng thể. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các đòn cấm vận chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Nga vốn đã xuống dốc trong năm nay.

Sau những năm thu lợi lớn từ nguồn dầu lửa thì nền kinh tế Nga hiện đang đối mặt với lượng đầu tư trực tiếp ít hơn và tình trạng tháo vốn nhiều hơn.

EU mất gì?

Một lượng vốn khoảng 75 tỷ USD đã rời khỏi nước Nga từ đầu năm đến nay - cao hơn nhiều so với năm ngoái.

Một số quốc gia EU sẽ cảm thấy tác động nhiều hơn các nước khác vì Nga đã trở thành một thị trường bùng nổ cho hàng hóa tiêu dùng của phương Tây trong thập niên qua.

Đức có vẻ miễn cưỡng với các đòn cấm vận nhằm vào Nga. Điều đó không có gì ngạc niên vì xuất khẩu của nước này sang Nga đạt 38 tỷ Euro (51 tỷ USD) trong năm 2013 - cao nhất trong khối EU. Hơn nữa, Đức nhập khẩu hơn 30% lượng dầu lửa và khí đốt của nước này từ Nga.

Hà Lan cũng phụ thuộc nặng vào năng lượng Nga và một số nước trong khối Liên Xô cũ thậm chí còn dựa 100% vào nguồn cung khí đốt của Moscow.

Thanh Hảo