Khi một quốc gia sụp đổ, vũ khí của nó có thể rơi vào tay tội phạm, quân nổi dậy và khủng bố. Điều đó có thể xảy ra ở Libya lúc này, nơi các kho tên lửa phòng không rơi vào cảnh tùy nghi sử dụng.




Hỗn loạn giúp những kẻ tội phạm buôn bán vũ khí và khủng bố chất đầy hàng hóa trong kho. Tại Libya, nơi nội chiến hoành hành kể từ tháng 2, lo ngại về các món vũ khí trong kho của đại tá Gaddafi có thể bị tuồn ra chợ đen đang tăng cao. Có lẽ, đứng đầu danh sách những món hàng có giá trị là tên lửa phòng không vác vai, loại vũ khí mà quân khủng bố hoặc nổi dậy có thể dùng để chống lại máy bay dân sự và quân sự ở ngoài phạm vi Libya.

Hồi tháng 3, tướng Carter Ham, lãnh đạo Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ phát biểu trước Quốc hội nước này rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. "Tôi rất lo ngại về sự phổ biến của vũ khí, đặc biệt là tên lửa đất đối không vác vai. Theo đánh giá, ở Libya có lẽ có đến 20.000 quả, khi chiến dịch mới bắt đầu. Phần lớn những gì chúng ta biết chưa bị phát hiện và đó sẽ là mối lo trong một khoảng thời gian".

Tuy nhiên, vào thời gian mà tướng Ham phát biểu trước Ủy ban vũ trang thượng viện Mỹ, các nhà quan sát Libya đã rất lo ngại về số vũ khí này. Vào cuối tháng 3, Tổng thống Chad là Idriss Déby Itno tuyên bố, ông chắc chắn 100% rằng các vũ khí phòng không xách tay (MANPAD) đã bị bọn tội phạm đánh cắp và dự tính bán cho Al Qaeda.

Itno không đưa ra chứng cớ nào cho khẳng định chắc chắn của mình song bằng chứng về số vũ khí trên cuối cùng cũng bắt đầu xuất hiện khi quân nổi dậy Libya xuất hiện trên các mạng truyền hình cáp với tên lửa đất đối không do Nga sản xuất, loại SA-7s có từ những năm 1960. Tên lửa này cũ nhưng vẫn đủ để bắn hạ máy bay trực thăng Mỹ tại Iraq.

Tên lửa SA-7s xuất hiện trên truyền hình có dấu hiệu cho thấy nó có từ năm 1997, Matt Schroeder, giám đốc dự án giám sát buôn bán vũ khí Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ cho biết. "Số lượng tên lửa chúng ta có thể nhận diện qua các bức ảnh chỉ là vài chục song Gaddafi có hàng nghìn. Nếu các kho vũ khí bị cướp phá có hàng trăm loại, mà chúng ta chỉ biết có vài chục loại thì một câu hỏi lớn được đặt ra: Số còn lại ở đâu? Còn bao nhiêu vũ khí không nằm trong tay quân nổi dậy Libya".

Đó chưa phải là tất cả. Các đoạn phim được ghi ở Libya gần đây đã tiết lộ sự hiện diện của những tên lửa phòng không tối tân hơn nhiều - SA-24s có tầm xa hơn và nhắm mục tiêu tốt hơn. SA-24s có thể bắn từ trên xe hoặc đặt lên vai để bắn. Những loại tên lửa được đặt trên xe có đe dọa ít hơn vì chúng khó vận chuyển lậu và khó sử dụng trong một chiến dịch giấu giếm. Tuy nhiên, loại tên lửa vác vai SA-24s rất dễ che giấu ở những khu vực được bảo vệ chặt.

Nga đã bán tên lửa SA-24s cho Libya và không thông báo cho bất cứ nước nào về việc này do những mập mờ về câu chữ trong các hiệp ước quốc tế. "Việc thông báo cho Ban đăng kiểm vũ khí thông thường LHQ được miễn do đây không phải là loại xách tay và không có tầm xa ngoài 25km. Vì vậy, Nga không vi phạm các quy định đăng ký...Đây là một lỗ hổng của luật", Schroeder nói. 

Tạp chí tuần Maxim Pyadushkin cho biết, tên lửa SA-24s không được chuyển cùng với thiết bị phóng vì vậy nó được miễn khai báo. Như vậy, không thể biết Libya có bao nhiêu tên lửa phòng không này trước khi xung đột nổ ra.

Kho vũ khí của Libya còn chứa những loại vũ khí khác, vốn hữu hiệu cho quân nổi dậy hoặc khủng bố như rocket chống tăng, chất nổ, vũ khí hóa học. Italia và Pháp đã bán hầu hết số vũ khí này cho Libya sau khi lệnh cấm vận vũ khí chấm dứt vào 2004, Mỹ cũng bán một số vũ khí cho quốc gia Bắc Phi này.

"Tôi nghĩ rằng, một ai đó có thể lập luận một số quốc gia nhất định đã khẩn trương cung cấp vũ khí cho Libya sau khi Gaddafi tuyên bố phản đối khủng bố và từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hành động này cần được khen thưởng song việc Pháp bán cho Libya tên lửa chống tăng thì thật không sáng suốt", Schroeder nói.

Để đảm bảo vũ khí ở một quốc gia đang gặp loạn được an toàn có nghĩa cơ quan tình báo các nước bên ngoài phải biết được vũ khí được cất ở đâu và các chính trị gia phải quyết định hành động như thế nào. Bất cứ sự can thiệp trực tiếp nào, không kích để phá hủy vũ khí hay thực hiện chiến dịch trên bộ để tịch thu, có thể đặt một quốc gia khác vào giữa một cuộc chiến. Một khi các vũ khí bị phân tán, gần như không thể lần theo dấu nó được nữa.

Hoài Linh (Theo Mechanics)