Một ngày sau khi được tại ngoại nhờ bảo lãnh ở Anh, chủ WikiLeaks cho biết ông nghĩ mình sẽ bị Mỹ buộc tội gián điệp.

Julian Assange, công dân Australia 39 tuổi, được thả khỏi nhà tù hôm 16/12 sau khi một thẩm phán quyết định ông nên được tự do trước khi các thủ tục dẫn độ sang Thụy Điển được hoàn tất trong năm tới.

Người sáng lập trang mạng WikiLeaks tuyên bố "sẽ tiếp tục công việc và tiếp tục khẳng định mình vô tội" sau khi ra khỏi Tòa án và đối diện với các phóng viên sau 9 ngày bị biệt giam. Nhưng trong một loạt cuộc phỏng vấn, Assange gợi ý rằng 24 giờ tự do đầu tiên của ông sẽ được dùng phần lớn vào các cuộc chiến pháp lý khác.

Phát biểu tại biệt thự East Anglian, nơi ông được yêu cầu tới ở, Assange ngụ ý rằng Mỹ đang chuẩn bị chính thức buộc tội ông hoạt động gián điệp. "Chúng tôi nghe được từ một trong các luật sư Mỹ của tôi, tất nhiên là còn cần được xác nhận nữa, nhưng một vấn đề nghiêm trọng, rằng có thể có cáo trạng của Mỹ về hoạt động gián điệp nhằm vào tôi".

"Rõ ràng điều này là cực kỳ nghiêm trọng, và một trong những lo ngại của chúng tôi kể từ khi tôi ở Anh là liệu thủ tục dẫn độ tới Thụy Điển thực tế có phải là một nỗ lực nhằm đưa tôi vào một quyền hạn xét xử mà sau đó sẽ dễ dàng hơn để dẫn độ tôi về Mỹ".

Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ xác nhận rằng "có một cuộc điều tra đang diễn ra về vấn đề WikiLeaks".

Assange bị truy nã ở Thụy Điển vì các cáo buộc liên quan tới tình dục. Luật sư của ông này cho rằng các nhà chức trách Thụy Điển đang thực hiện một "mối thù" chống lại thân chủ của họ.

Vụ kiện chống lại chủ WikiLeaks ở Thụy Điển tập trung vào các mối quan hệ giữa ông với hai phụ nữ ở Stockholm khi ông này tới thăm thành phố hồi tháng 8. Assange bị cáo buộc đã cưỡng hiếp và quấy rối một phụ nữ, quấy rối và ép buộc bất chính một phụ nữ khác.

Tuy nhiên, những người ủng hộ công dân Australia này cho rằng, việc điều tra hình sự và yêu cầu dẫn độ ông này là bất công và mang động cơ chính trị.

Thanh Hảo (T.H)