Một khoảng trống quyền lực không phải là không tránh được nếu quân nổi dậy tuân thủ đúng kế hoạch làm việc với các quan chức chế độ cũ và sáp nhập các nhân vật phi tội phạm thuộc bộ máy an ninh hiện thời vào bất cứ một thỏa thuận nào thời hậu Gaddafi.
TIN LIÊN QUAN:


Quân nổi dậy di chuyển về khu vực cầu 27 ở Tripoli trong cuộc tiến công của họ vào thành phố. (Ảnh: Getty)

Muammar Gaddafi bị bao vây ở Tripoli. Cuối tuần qua, quân nổi dậy chiếm được thị trấn Zawiyah, một địa điểm chiến lược cực kỳ quan trọng nằm trên tuyến đường ven biển kết nối thủ đô Libya với Tunisia.

Hôm 15/8, họ giành được Garyan, vùng đất kiểm soát đường cao tốc dẫn tới phía nam sang Algeria. Về phía đông là Misrata giờ cũng thuộc về tay quân nổi dậy, xa hơn nữa là Benghazi và đông Libya mà Gaddafi đã để mất kể từ tháng 2.

Phía bắc Tripoli là biển và chịu sự bao vây không thể xuyên thủng được.  

Những ngày làm "lãnh đạo và dẫn dắt Cách mạng Libya" của Gaddafi giờ đây chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Những người kháng cự đến cùng của chế độ này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu, và các lãnh đạo quân nổi dậy về mặt cá nhân đã thừa nhận rằng nỗ lực tiếp quản Tripoli có thể sẽ rất thảm khốc.

Nhưng may mắn thay, đó không phải là kế hoạch của họ. Thay vào đó, chiến lược của quân nổi dậy là khuyến khích sự sụp đổ của chế độ từ bên trong, hoặc ít nhất một làn sóng nổi dậy của người dân ở chính Tripoli sẽ hạ bệ đại tá Gaddafi. Nhiều hãng truyền thông đưa tin, làn sóng ấy đã bắt đầu.  

Chiến lược đó có thể và sẽ mang lại hiệu quả nhưng quân nổi dậy sẽ cần phải đạt được những thỏa hiệp thực sự. Họ sẽ phải đảm bảo rằng lực lượng trung thành với Gaddafi sẽ an toàn nếu họ đào tẩu. Đây không chỉ là chìa khóa dẫn tới việc lật đổ Gaddafi mà còn đảm bảo cho hòa bình sau đó.

Như Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh Andrew Mitchell nói hồi tháng 6: "Một trong những điều đầu tiên nên xảy ra ngay sau khi Tripoli thất thủ là ai đó phải gọi điện cho cựu chỉ huy cảnh sát Tripoli để nói rằng ông ấy có một công việc và ông ấy cần đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân Tripoli".  

Mặc dù một số người trong hàng ngũ quân nổi dậy muốn chứng kiến mọi vết tích của chế độ Gaddafi bị quét sang một bên, các lãnh đạo của Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia ở Benghazi là những người thực tế hơn và họ đang nỗ lực ngăn chặn một khoảng trống quyền lực. Kế hoạch chi tiết của họ cho một Libya thời hậu Gaddafi - bị rò rỉ cho báo Times of London trong tháng này - cho thấy Hội đồng sẽ lặng lẽ tuyển khoảng 800 quan chức an ninh của chế độ, nhũng người sẵn sàng hình thành xương sống của bộ máy an ninh - chính phủ mới ngay khi Gaddafi sụp đổ.

Tương tự, Hội đồng có kế hoạch chuyển khoảng 5.000 cảnh sát đang phục vụ trong các đơn vị không tận tụy với Gaddafi về mặt ý thức hệ vào các lực lượng của chính phủ mới. Nhiều nhân vật khác của chế độ Gaddafi, kiệt sức và sợ hãi, thậm chí chẳng thiết tha bám giữ quyền lực mà chỉ muốn bản thân và gia đình được an toàn.  

Đến thời điểm này, chiến lược đó dường như đang mang lại hiệu quả. Hôm 19/8, cựu Thủ tướng Libya Abdessalam Jalloud, người giúp đưa Gaddafi lên nắm quyền, đã đào tẩu và trốn sang Italy. Cũng trong tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Nassr al-Mabrouk Abdullah và một đồng minh lâu năm của Gaddafi, tư lệnh quân đội Libya Massoud Abdelhafid đều đã rời sang Ai Cập.


Đối diện với một chiến thắng sắp xảy ra, tâm trạng của lực lượng nổi dậy rất lạc quan. Nhưng không thể nói điều tương tự về rất nhiều đối tác phương Tây trong cuộc chiến đấu trên sa mạc này. Tuần trước, Times of London dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên ở Benghazi cảnh báo rằng "thành công thê thảm" là "cụm từ đang được dùng phổ biến trong NATO... Và thậm chí nếu không thê thảm thì cũng là một thành công hỗn loạn do phe đối lập chưa sẵn sàng cầm quyền và sẽ có một khoảng trống quyền lực nếu Gaddafi ra đi".  

Dự đoán ảm đạm này là vội vã. Một Libya hậu Gaddafi có thể thành công chắc chắn, và có mọi lý do để tin rằng những gì diễn ra sau Gaddafi sẽ là một sự tiến bộ rõ rệt so với 42 năm vị đại tá này nắm quyền. Một khoảng trống quyền lực không phải là không tránh được nếu quân nổi dậy tuân thủ đúng kế hoạch làm việc với các quan chức chế độ cũ và sáp nhập các nhân vật phi tội phạm thuộc bộ máy an ninh hiện thời vào bất cứ một thỏa thuận nào thời hậu Gaddafi.

Tương tự, cộng đồng quốc tế phải chú ý đến những bài học đau lòng rút ra ở Iraq và Afghanistan và sáng trí trong việc phân phát sự trợ giúp cần thiết để phát triển và củng cố các khả năng của chính phủ quá độ.  

Cũng giống như những người khác, người Libya khao khát được sống dưới một chính phủ đại nghị, một chính phủ tôn trọng các quyền cơ bản của họ và phụng sự họ thay vì ngược lại. Họ sẽ sớm có cơ hội biến khát vọng ấy thành hiện thực. Đã đến lúc sẵn sàng.

Thanh Hảo (Theo WSJ)