Bất thành trong kế hoạch sát hại đại tá Muammar Gaddafi cách đây nhiều năm,
ba người đàn ông đến từ Benghazi giờ đây thực sự vui mừng khi chứng kiến chính
quyền sụp đổ và nhà lãnh đạo lâu năm phải trốn chạy.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Xem đánh giáp lá cà ở thành trì của Gaddafi
Thành trì của Gaddafi hứng đòn quyết định
Quân nổi dậy chiếm được nơi sinh của Gaddafi
Thành trì của Gaddafi hứng đòn quyết định
Quân nổi dậy chiếm được nơi sinh của Gaddafi
Đại tá Muammar Gaddafi cuối cùng đã bị lật đổ sau 42 năm lãnh đạo Libya. |
Abdullah Ahmed al-Shaari, 72 tuổi, Nasser Abdul Salam al-Tarshani, 46 tuổi, và Jamal Saed, 48 tuổi, nằm trong 44 người đàn ông ở Benghazi, thành phố miền đông Libya, bị bắt giữ năm 1981 và bị phạt tù 7 năm vì âm mưu giết Gaddafi tại lễ khai trương một siêu thị.
"Chúng tôi đã thất bại trong nỗ lực giết Gaddafi nhưng chúng tôi thật vui vì cuối cùng ông ta cũng phải ra đi", Shaari, một người nói tiếng Anh thành thạo, bày tỏ. Hồi bị bắt, ông là một giám đốc cấp cao về dầu lửa.
Shaari và một số thành viên gia đình, trong đó có anh trai Fathi - trùm sỏ đứng sau âm mưu ám sát - đã bị bắt và bị tra tấn cùng với hàng chục người khác có liên quan.
Shaari cho biết, anh trai ông - một phi công trong quân đội Gaddafi - đã bị tuyên án tử hình nhưng "chúng tôi tin rằng anh ấy thực tế đã bị giết trong vụ thảm sát ở nhà tù Abu Salim" nhiều năm sau khi bị bắt.
"Sau khi anh ấy bị bắt, chúng tôi không bao giờ nhìn thấy anh ấy nữa", ông kể.
Nhà tù Abu Salim ở Tripoli là nơi chính quyền của ông Gaddafi đã thực hiện một cuộc giết chóc đẫm máu vào năm 1996. Tháng trước, hài cốt của hơn 1.700 tù nhân chết trong vụ thảm sát đã được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở thủ đô.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế trong nhiều năm đã kêu gọi chế độ Gaddafi làm rõ về số phận các tù nhân bị giết trong nhà tù trong một cuộc bạo loạn.
Các cuộc biểu tình đầu tiên trong làn sóng nổi dậy chống Gaddafi đã nổ ra hồi tháng 2 ở Benghazi, nơi gia đình các tù nhân Abu Salim kêu gọi biểu tình sau vụ bắt giữ một luật sư của họ.
"Tôi đã bị tra tấn và đánh đập suốt 15 ngày", Shaari nhớ lại khi bị bắt giữ vì âm mưu giết Gaddafi cách đây 30 năm. "Họ dùng dây điện và gậy đánh vào lưng và chân tôi. Tôi bị treo ngược lên trần nhà và bị đánh. Tôi đã định tự tử vì những đau đớn quá sức chịu đựng".
"Họ đánh thức tôi bốn lần trong một đêm và bắt đầu đánh đập. Thỉnh thoảng, họ còn đẩy tôi xuống cầu thang nhà tù. Và tất cả những điều đó đã xảy ra dưới sự giám sát của Abdullah al-Senussi. Senussi là chiếc hộp đen của chế độ Gaddafi", Shaari nói.
Senussi, cựu chỉ huy tình báo của chế độ Gaddafi, đã bị Tòa án Tội phạm quốc tế truy nã cùng với ông Gaddafi và con trai Saif al-Islam.
Saed, cũng nói được tiếng Anh, cho biết âm mưu giết Gaddafi được vạch ra tại nhà của Shaari. Tuy nhiên, kế hoạch của họ thất bại bởi vì Gaddafi liên tục thay đổi ngày khai trương siêu thị.
"Cuối cùng, ông ta cũng tới để khai trương siêu thị vào lúc 2h sáng ngày 3/4/1981. Chúng tôi không thể thực hiện kế hoạch, không phải bởi vì ông ta biết về kế hoạch đó mà vì cách ông ta hoạt động", Saed, giờ là một giám đốc ngân hàng ở Benghazi, nhớ lại.
Ông cho biết, vào lúc khai trương siêu thị, một số thành viên trong nhóm mang theo súng ngắn và lựu đạn cố tiếp cận Gaddafi nhưng không thể.
"Phần lớn chúng tôi khi đó vẫn còn là thiếu niên. Tôi nghĩ, một trong số chúng tôi (trong nhóm 44 người) dường như đã tiết lộ kế hoạch với ai đó vài tháng sau và tình báo của Gaddafi biết được, sau đó tất cả chúng tôi bị bắt giữ".
Saed cho biết, trong 4 năm cuối cùng của án tù 7 năm, họ bị giam ở Abu Salim và không được gặp người thân. "Chúng tôi là những vị khách đầu tiên của Abu Salim. Lúc đó nhà tù này vừa mới được xây", Tarshani, người từng muốn trở thành phi công nhưng giờ đây lại lái xe taxi, cho biết.
Shaari kể rằng khi còn trong tù, cả nhóm ở cùng nhau và học nhiều ngoại ngữ khác nhau. "Tôi biết tiếng Anh nên tôi dạy cho họ tiếng Anh. Người khác biết tiếng Italia vì thế chúng tôi học tiếng Italia".
Để chứng minh cho lớp học trong tù, bộ ba này giơ ra một số mảnh giấy hoặc tập vở cũ, những bìa bao thuốc lá hoặc hộp sữa, trên đó có viết những chữ và câu tiếng Anh.
Ba người đàn ông này giờ đây rất vui khi đại tá Gaddafi rút cục đã bị lật đổ. "Thật là một phép màu. Chúng tôi vẫn chưa thể tin điều đó, nhưng Libya giờ đã tự do", Saed vui sướng thốt lên.
Thanh Hảo (Theo Times of India)