Theo các chuyên gia, chỉ mất 10 phút để biết liệu vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có thành công không trong sứ mệnh đưa vệ tinh vào quỹ đạo.


(Ảnh minh họa)

Một chuyên gia về tên lửa hôm 11/4 cho hay, tên lửa của Triều Tiên có một hệ thống đẩy hiện đại hơn loại đã phóng năm 2009 và "vào thời điểm đó rất khó đoán đường đi của tên lửa". Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay, thành công hay thất bại cũng chỉ mất 10 phút là có thể biết được.

Cân nhắc mức độ công nghệ liên quan tới tên lửa mà Triều Tiên phóng năm 2009, sự phân tách giai đoạn đầu tiên của tên lửa mới dự kiến sẽ chỉ mất 110 giây sau khi nó rời bệ phóng. Nó sẽ rơi xuống trái đất trong 3-3,5 phút sau khi phóng khi mà giai đoạn 2, 3 đã vọt quá 100 km ở trên đảo Baeknyeong Island ở bờ biển phía tây bán đảo Triều Tiên, hướng tới không gian.

Các chuyên gia tin rằng giai đoạn hai của tên lửa sẽ tách trong khoảng 4-6 phút sau khi rời bệ phóng. Nhân tố quan trọng ở đây là liệu tầng đẩy thứ 3 có thể vọt lên tốc độ hơn 7,9 km/giây không, và như vậy sẽ nâng khả năng đưa được vệ tinh vào quỹ đạo. Trong trường hợp không đạt được tốc độ trên, thì tên lửa sẽ bốc cháy khi nó vào lại khí quyển.

Triều Tiên được dự báo là sẽ phóng rocket vào thứ bảy (14/4), một ngày trước cuộc diễu binh hoành tráng nhằm chào mừng 100 năm ngày sinh của người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành, một nguồn tin ở đây cho biết. Tuy nhiên, dựa vào thời tiết, vụ phóng cũng có thể diễn ra vào hôm nay hoặc ngày mai. Việc nạp nhiên liệu lỏng - giai đoạn cuối cùng của quá trình chuẩn bị phóng đã diễn ra dưới hầm ngầm nhưng chưa thể xác minh.

Trong khi đó, một cựu chuyên gia vệ tinh NASA đã nêu nghi ngờ về vệ tinh của Triều Tiên. "Vệ tinh đó không như những gì mà tôi nghĩ", James Oberg nói trên đài NBC. Theo ông này, vệ tinh của Triều Tiên khác với bản thiết kế thông thường và phần đẩy của nó quá đồ sộ.

  • Hoài Linh (Theo Chosun)