- Người dân Pháp bầu cho Hollande vì quá chán ngán Sarkozy, họ chọn một nhà lãnh đạo hoàn toàn mới mặc dù chưa hẳn họ hi vọng là ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay.

TIN LIÊN QUAN:


Trừng phạt

Thắng lợi của ứng viên đảng Xã hội thiên tả François Hollande trong cuộc đua vào điện Elysée khiến nhiều người liên tưởng ngay đến chiến thắng của ứng viên đảng Xã hội François Mitterrand hồi tháng 5 năm 1981.

Trước tiên, vì tỉ lệ phiếu bầu cho Hollande đạt được khá giống với kết quả mà Mitterand giành được năm 1981. Có nhiều điều trùng lặp ngẫu nhiên mà kì lạ giữa 2 người này: Cả hai đều có tên là François, đều là người của đảng Xã hội lâu năm, và đều giành chiến thắng trước ứng viên là tổng thống sắp mãn nhiệm thuộc phe cánh hữu bảo thủ sau một thời kỳ khủng hoảng kinh tế và tỉ lệ được lòng dân xuống rất thấp.

François Hollande giành được chiến thắng cũng giống như Mitterrand là nhờ sự đoàn kết và ủng hộ của các đảng cánh tả khác, dù chỉ trích kịch liệt nhau ở vòng 1 nhưng ngay sau đó kêu gọi dồn phiếu tối đa cho ông. Chiến thắng sau một thời gian dài đảng Xã hội luôn ở phía đối lập: Sau thất bại của Jospin năm 2002 và  Ségolène Royal năm 2007 khiến không ít người tuyệt vọng và ám ảnh rằng phe hữu sẽ luôn giành chiến thắng và bầu cử tổng thống sinh ra là để dành cho phe này.

Cũng giống như nhiều chính phủ ở các nước châu Âu khác dù tả hay hữu, ông Sarkozy đã không thoát khỏi số phận bị trừng phạt bởi lá phiếu của cử tri trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội. Thực ra người Pháp bầu cho Hollande như gửi gắm một chút hi vọng vì nhiều người quá nản với ông Sarkozy chứ không hẳn là họ bị thuyết phục bởi Hollande (mặc dù ông không hề kém cỏi mà là một nhà kĩ trị được đào tạo toàn ở những trường hàng đầu và cũng là một người rất khôn khéo).

Theo kết quả điều tra của viện nghiên cứu thông tin Ipos được nhật báo Le Monde và Le Point công bố sau kết quả kiểm phiếu thì đa số cử tri bỏ phiếu lựa chọn François Hollande vì muốn "loại bỏ" ông Sarkozy hơn là vì họ thực sự khao khát ông Hollande trở thành tổng thống: Trong số những người bỏ phiếu cho ông Hollande ngày 06/05 có 55% khẳng định họ muốn "trừng phạt" ông Sarkozy và chỉ 45% nói rằng họ bị thuyết phục bởi cương lĩnh tranh cử của ứng viên đảng Xã hội.

Hai tính cách đối lập

Tổng thống sắp mãn nhiệm Sarkozy mang trong mình dòng máu Hungary, gia đình ông gắn liền với những biến cố đớn đau của châu Âu sau chiến tranh. Bố ông Pal Nagy Bocsa y Sarközy xuất thân trong một gia đình quý tộc Budapest nhưng di cư sang Pháp năm 1948, không giấy tờ và không xu dính túi. Sarkozy không hề biết một từ tiếng Hungary nào, người cha làm trong lĩnh vực quảng cáo không muốn dạy thứ tiếng này cho con trai: "Hungary là một nước bé xíu, việc học tiếng không có ích gì" sau này ông trả lời phóng vấn trên báo Le Monde, "tôi thì muốn cho con cái mình trở thành những người Pháp một cách triệt để".

Ông Sarkozy không hề giấu giếm sự gần gũi với giới tài phiệt và sở thích đồ xa xỉ. Ông cũng không ngần ngại tấn công các đối thủ chính trị của mình bằng những lời lẽ cay nghiệt và hằn học, ngay buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình quốc gia trước hơn 17 triệu khán giả, ông đã mạnh miệng cáo buộc ông Hollande là "đồ nói dối" và "kẻ vu cáo tệ hại". Ông Hollande thì luôn tạo cho mình một hình ảnh dễ gần, tỏ vẻ chỉ trích giới tài chính để lấy lòng cử tri mặc dù bản thân ông xuất thân trong một gia đình khá giả.

Dù tán thành hay không với các ý tưởng của ông thì người ta phần lớn đều thừa nhận ông Sarkozy là một chính trị gia tràn đầy năng lực và nhiều nghị lực cũng như lắm mưu mẹo. Thậm chí một số nhà quan sát còn đặt cho ông biệt danh "mãnh thú chính trị" để chỉ tài xoay chuyển tình thế của ông, kết quả khá sít sao trong cuộc bầu cử lần này phần nào thể hiện điều đó. Bởi thế ông François Hollande không hề đánh giá thấp đối thủ Nicolas Sarkozy khi nói: "Sarkozy là một tổng thống tồi nhưng là ứng cử viên đáng gờm". Trái lại, Nicolas Sarkozy thì lại tỏ vẻ xem thường Hollande, và chẳng ngần ngại nói thẳng với báo giới rằng, ông xem Hollande là một "kẻ vô dụng", "một kẻ yếu đuối nhu nhược". "Gì cơ, tưởng tượng xem, một thằng cha đi xe gắn máy trở thành tổng thống nước Pháp" (Ông Hollande không giấu giếm sở thích bình dân này)

Sinh ra tại Rouen, ông Hollande luôn giữ những kỷ niệm của thời thơ ấu ở vùng Normandie. Một cuộc sống yên bình và trầm lặng tại khu phố Bois-Guillaume sung túc ở ngoại ô thành phố nhỏ hơn mười vạn dân này. Ông luôn tự nhận mình là một người tỉnh lẻ từ trong tâm hồn cho đến gu ăn uống và sở thích trò chuyện cùng mọi người trong các quán rượu vùng Corrèze nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Cuối tuần như thường lệ, ông tự mình đi thăm các khu chợ ngoài trời ở thành phố Tulle nơi ông từng làm thị trưởng cho tới tận năm 2008, cả thành phố nhỏ khoảng 15.000 dân này hầu như ai cũng từng gặp ông và đều gọi ông một cách thân mật là François thay vì thói quen lịch sự gọi theo tên họ vốn có của người Pháp, thậm chí không ít người còn xưng hô mày tao với ông một cách gần gũi. Sáng chủ nhật ngày bầu cử 06/05 sau khi bỏ phiếu ông vẫn giữ nguyên thói quen bấy lâu nay là đi thăm chợ trong lúc chờ đợi kết quả kiểm phiếu công bố vào cuối buổi chiều.

Sinh ra trong một gia đình tư sản trung lưu điển hình Pháp có bố là bác sĩ, mẹ làm nhân viên cứu trợ xã hội, ông được dạy dỗ theo lối điển hình của một gia đình tư sản Thiên Chúa giáo, học tại trường tư dành cho tầng lớp khá giả.

Ngay cả khi cả gia đình chuyển lên Neuilly, một quận giàu có ở ngoại ô Paris (nơi sau này ông Sarkozy làm thị trưởng trong một thời gian dài) vào lúc ông lên tuổi 13 và sau đó là những năm theo học tại các trường danh tiếng bậc nhất là Học viện chính trị Paris, Hành chính quốc gia và trường thương mại cao cấp Paris thì ông vẫn không xa rời nhịp điệu sống êm đềm của một người tỉnh lẻ.

Gánh nặng khủng hoảng kinh tế

Ông Sarkozy kết thúc nhiệm kỳ 5 năm với những kết quả không lấy gì làm ấn tượng với 10% số người lao động phải chịu cảnh thất nghiệp, ngân sách thâm thủng với nợ công tăng lên cao chưa từng có chiếm 84,5% GDP của nước Pháp. Dĩ nhiên kết quả này một phần đến từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như lời ông Sarkozy tự biện hộ là "chưa từng có trong lịch sử". Đảng cầm quyền UMP của ông Sarkozy cũng tìm mọi lý lẽ để biện minh cho những kết quả không lấy gì làm tự hào đó. Ông Sarkozy tự nhận mình là "thuyền trưởng trên con tàu đầy bão tố" đã cứu nước Pháp khỏi cảnh khốn cùng như các nước láng giềng Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Một cách khách quan thì những kết quả về kinh tế xã hội trên không phải là tệ hại trong bối cảnh một châu Âu đang khốn khó vì khủng hoảng nợ và nạn thất nghiệp bùng nổ.

Thực ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thì chính phủ của ông Sarkozy cũng đã thực thi được một số cải cách quan trọng liên quan đến tăng quyền tự chủ cho giáo dục đại học hay cải cách về hưu trí. Tuy nhiên những cải cách này không mang lại cho ông Sarkozy được sự tín nhiệm của người dân Pháp vốn nổi tiếng là những người rất khắt khe và kỹ tính. Hơn thế ông Sarkozy bị nhiều người dân Pháp ghét bỏ vì những lý do không liên quan đến công việc của ông và đây dường như là một trong những lý do của kết quả bi quan ngay từ vòng một

Theo các thăm do dư luận sát ngày bầu cử vòng một do "Tuần báo Chủ nhật" (le Journal du Dimanche) tiến hành thì chỉ có khoảng 36% người dân Pháp tạm hài lòng với nhiệm kỳ 5 năm của ông Sarkozy, có tới 64% số người được hỏi trả lời là thất vọng với những gì ông đã làm trong 5 năm qua. Đây là một "kỷ lục" về chỉ số bất tín nhiệm của một tổng thống sắp mãn nhiệm dưới thời đệ Ngũ cộng hòa (tính từ năm 1958).

Nếu so sánh với các tổng thống tiền nhiệm thì đây quả là một kết quả đáng buồn của ông Sarkozy. Chỉ số được lòng dân của Charles de Gaulle vào năm 1965 là 54%, Valérie Giscard d’Estaing với 40% vào năm 1981 (và cũng là tổng thống duy nhất đến nay không thể tái cử nhiệm kỳ 2), François Mitterand là 54% vào tháng 4 năm 1988 và Jacques Chirac được 47% vào năm 2002. Đây là một trong những lý do căn bản dẫn tới thất bại của ông Sarkozy.

Sao Sarkozy ngày càng mất tín nhiệm?

Tất cả các nhà lãnh đạo chính trị đều phải chấp nhận bị ghét vì những điều họ làm, nhất là trong xã hội phương Tây trọng tự do bày tỏ ý kiến và chỉ trích. Nhưng ít ai bị ghét vì chính cá nhân của họ tới mức như của ông Sarkozy.

Ông Sarkozy bị nhiều cử tri ghét tới mức mà nhiều người nói nửa đùa nửa thật là nếu sắp tới ông thất cử thì rất nhiều báo chí và các nghệ sĩ hài sẽ phải thất nghiệp vì mất đi một chủ đề quan trọng để chế giễu cười nhạo. Quả thực trong vòng 5 năm báo chí và phương tiện truyền thông nước Pháp thường xuyên đã kích ông từ một anh hề thích đi giày cao chêm để trông có vẻ cao hơn thực tế đến "tổng thống siêu cuội" chuyên có những phát ngôn trái ngược nhau.

Sự chán ghét của không ít người Pháp dành cho ông Sarkozy nghịch lý thay lại đến từ những gì làm nên sự nghiệp chính trị với những thăng tiến ngoạn mục của ông: khác với những tổng thống tiền nhiệm luôn là những người xuất thân từ tầng lớn ưu tú được đào tạo từ các trường hàng đầu của Pháp (Trường Bách khoa Paris, Hành chính quốc gia, Học viện chính trị Paris…), ông Sarkozy chỉ là một luật sư tốt nghiệp một trường đại học bình thường ở ngoại ô thủ đô Paris. Bù lại ông có năng khiếu giao tiếp đặc biệt, biết sử dụng các phương tiện truyền thông để đánh bóng nâng cao hình ảnh và uy tín của mình trong công chúng. Nhưng chính việc sử dụng truyền thông một cách mạnh mẽ ngay cả sau khi đắc cử tổng thống đã làm hại hình ảnh của ông, đặc biệt là trong bối cảnh người dân Pháp vẫn khá bảo thủ với việc đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng về đời sống riêng tư của các chính trị gia.

Ngay sau khi vừa trúng cử ông mở tiệc ăn mừng thắng cử tổng thống một cách công khai và ồn ào vào năm 2007 tại nhà hàng đắt đỏ Le Fouquet’s trên đại lộ nổi tiếng Champs-Elysees tới nay vẫn còn bị xem như là biểu tượng của lối sống xa xỉ. Việc tổng thống là thực khách của nhà hàng hạng sang này thực ra không phải là vấn đề khiến người Pháp bực mình, nhiều chính trị gia hàng đầu khác thậm chí là khách hàng thường xuyên của chính nhà hàng trên nhưng không mấy ai nhớ tới điều này. Sau đó là việc ông phô trường hình ảnh cùng vợ du ngoại trên du thuyền của đại gia tỉ phú Vincent Bolloré làm nhức mắt người Pháp.

Vấn đề chính là tại buổi tiệc mừng thắng cử phô trương ở nhà hàng Le Fouquet’s hay chuyên du ngoạn xa xỉ trên biển Địa Trung Hải là sự dính kết chặt chẽ của người đứng đầu nhà nước với giới tỉ phủ và ông chủ các tập đoàn hàng đầu. Chính những người này sau đó được hưởng lợi từ các chính sách giảm thuế má cho giới nhà giàu của chính phủ Sarkozy, trong khi phần lớn giới bình dân phải chịu những khó khăn do khủng hoảng kinh tế buộc lòng chính phủ phải gia thăng các khoản thuế trực thu để bù vào thâm thủng ngân sách. Sự gần gũi của ông với tiền bạc còn thể hiện trong thói quen mua sắm xa xỉ như tậu phi cơ mới được trang hoàng lộng lẫy trong khi ngân sách quốc gia không ngường thâm thủng.

Người dân Pháp tuy sống trong thể chế cộng hòa và tự nhận mình là những người "cách mạng tiên phong" về đời sống chính trị nhưng thẳm sâu bên trong họ vẫn luôn giữ trong mình cách nhìn nhận nguyên thủ quốc gia như một ông vua-phải là người đại diện cho một nước Pháp giàu mạnh nhưng cũng rất nhã nhặn, kín đáo và có chiều sâu văn hóa. Trong khi đó thời gian đầu của nhiệm kỳ ông Sarkozy sử dụng truyền thông như một ngôi sao điện ảnh: Sẵn lòng khoe trước công chúng người vợ cựu siêu mẫu Carla Bruni cũng như những thứ hàng hóa hàng hiệu là hàng loạt đồng đắt tiền, thậm chí ông vẫn giữ nguyên phong cách bỗ bã và hung hăng trong giao tiếp khi sẵn sàng nhục mạ một người dân từ chối bắt tay ông tại triển lãm nông nghiệp quốc gia: Cút ngay ! Đồ đần độn tội nghiệp ! (Casse toi, pauvre con !) Những hình ảnh này không được đẹp đẽ này in sâu vào tâm trí của không ít người dân Pháp luôn mong muốn có một tổng thống khiêm nhường, lịch sự và nhã nhặn. Và trong một đất nước mà thắng bại nhiều khi chỉ nhờ hơn nhau mấy trăm nghìn phiếu bầu thì đây là một bất lợi mà có lẽ ông Sarkozy không lường trước được.

Hình ảnh của ông Sarkozy còn bị vẩn đục bởi hàng loạt vụ bê bối tài chính dưới nhiệm kỳ của ông, ví dụ như việc tên ông bị nêu lên trong vụ xì căng đan Karachi khi Pháp bán cho Pakistan vũ khí với những khoản tiền lại quả hậu hĩnh nhưng có vấn đề trục trặc trong việc chuyển tiền khiến đối tác Pakistan tức giận đánh bom giết chết 11 người Pháp tại Karachi. Số tiền lại quả này bị tình nghi sử dụng cho chiến dịch tranh cử của ông Balladur năm 1995 và lúc đó Sarkozy là một cộng sự thân cận của ông này.

Ông Sarkozy cũng bị tố cáo đã nhận tiền tài trợ trái phép từ nữ tỉ phú chủ hãng l’Oreal trong chiến dịch tranh cử năm 2007. Vụ bê bối này đã khiến bộ trưởng ngân khố đồng thời là bạn thân của ông Sarkozy là Eric Woerth phải từ chức và bị tư pháp sờ gáy…Ông Sarkozy chỉ tạm thời thoát khỏi vòng lao lý vì theo quy định của Hiến pháp, tổng thống được tạm miễn trừ trách nhiệm hình sự khi đương chức. Tổng thống sắp mãn nhiệm cũng khiến không ít người Pháp ngán ngẩm khi vào năm 2009 ông có ý định bổ nhiệm chính con trai ruột của mình làm chủ tịch của Epad, công ty điều hành khu thương mại lớn nhất châu Âu - la Défense. Anh thanh niên Jean Sarkozy 23 tuổi con trai ông thậm chí còn chưa có bằng cấp và kinh nghiệp nghề nghiệp nào khác đã phải đối mặt với lời hàng loạt chỉ trích đến ngay từ những người cùng đảng của ông. Ý định ưu ái "người nhà" của tổng thống bất thành do sức ép dư luận nhưng để lại những hình ảnh không mấy tốt đẹp gì về người đứng đầu nhà nước luôn kêu gọi người dân "làm việc nhiều hơn lương sẽ cao hơn" vốn một khẩu hiệu đã khiến không ít cử tri bỏ phiếu cho ông năm 2007.

Đây có lẽ là một lý do khiến những người trẻ tuổi đồng loạt dồn phiếu cho đối thủ Hollande ở cả hai vòng bầu cử như một cách trừng phạt ông Sarkozy vì tư tưởng con ông cháu cha ưu tiên người thân trong khi thanh niên Pháp dù nhiều người được học hành đầy đủ vẫn phải vật lộn để kiếm được một việc làm ổn định.

Thái độ không tín nhiệm và ghét bỏ của đa số cử tri với cá nhân ông Sarkozy là một trong những lý khiến ông Sarkozy phải rời bỏ điện Elysée sau chỉ một nhiệm kỳ. Ông Hollande đã giành chiến thắng hay đúng hơn là ông Sarkozy tự chuốc lấy thất bại như lời Françoise Fressoz, nhà báo chính trị-xã hội nổi tiếng của nhật báo Le Monde bình luận về kết quả của cuộc tổng tuyển cử lần này. "Người dân Pháp bầu cho Hollande vì quá chán ngán Sarkozy, họ chọn một nhà lãnh đạo hoàn toàn mới mặc dù chưa hẳn họ hi vọng là ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay"- Bà nói thêm.

Quân Nguyễn (từ Toulouse, Pháp)