Một ủy ban quốc hội Mỹ cảnh báo các công ty nước này không hợp tác với hai hãng viễn thông nổi tiếng của Trung Quốc với lý do sản phẩm của hai hãng này có thể gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
TIN BÀI KHÁC:
Chuyện lạ: Máy tính Trung Quốc đặt Mỹ sản xuất
Mỹ lo ngại hai 'ông lớn' viễn thông Trung Quốc
Các giám đốc điều hành của hai công ty Trung Quốc Huawei và ZTE tuyên thệ ở Quốc hội Mỹ, Washington, trước khi trình bày liệu sự mở rộng của họ ở thị trường Mỹ có gây ra một mối đe dọa đối với an ninh nước này hay không. (Ảnh: AP)
Chiến dịch tấn công đã không thành công. Tháng trước, các giám đốc điều hành cấp cao của Trung Quốc đã ngồi trước một chính phủ nước ngoài và cố gắng giải thích những gì công ty họ đã làm. Tuy nhiên, ngày 8/10, sau 11 tháng nghiên cứu, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ khuyến cáo các doanh nghiệp Mỹ tránh xa các sản phẩm mạng máy tính do hai công ty Trung Quốc Huawei và ZTE sản xuất, vì lo ngại chúng có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Hai công ty công nghệ viễn thông và thông tin lớn thứ hai và thứ 5 thế giới này có nhiều hoạt động lớn ở nước ngoài nhưng đã không thể mở rộng ở Mỹ. Và giờ đây, Mỹ có vẻ như một điểm đến thậm chí càng xa vời hơn.
"Dựa trên thông tin bí mật và công khai hiện có, không thể tin Huawei và ZTE không chịu ảnh hưởng gì của nhà nước nước ngoài và do vậy gây ra một mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và đối với hệ thống của chúng ta", trích bản báo cáo 52 trang của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Báo cáo này cho rằng, thiết bị trong các bộ phận của cơ sở hạ tầng then chốt, chẳng hạn như hệ thống đường dây điện hoặc các mạng lưới tài chính, cũng sẽ là một vũ khí mạnh trong kho vũ khí của Trung Quốc.
Liệu có phải ZTE và Huawei là nạn nhân của hội chứng bài Trung Quốc vốn là đặc điểm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ? Hay còn điều gì đó hơn thế đang diễn ra? Câu trả lời có thể mang hơi hướng của cả hai.
Tổng thống Barack Obama và ứng viên Cộng hòa Mitt Romney dường như đều muốn chiếm ưu thế hơn đối thủ trong việc thể hiện quan điểm khắt khe với Trung Quốc của mình. Quốc hội có thể chỉ đơn giản là tham gia vào cuộc chơi. Nhưng không khó để tin rằng hai công ty Trung Quốc này, nếu họ bị chính phủ gây sức ép phải làm vậy, có thể cảm thấy bị buộc phải thực hiện một hành động bí mật nhắm tới các thực thể nước ngoài để bảo vệ sự phát triển của mình ở nước nhà.
Cáo buộc Ủy ban Hạ viện Mỹ dính đến bảo hộ, Huawei đã đưa ra một tuyên bố hôm 8/10: "Mỹ là một đất nước được điều hành theo luật pháp, nơi mọi lời buộc tội và lý lẽ cần phải được dựa vào những thực tế và bằng chứng vững chắc. Bảo cáo [của Quốc hội] đã không cung cấp thông tin hoặc chứng cứ rõ ràng để chứng minh tính hợp pháp của những lo ngại của Ủy ban... Báo cáo mà Ủy ban công bố hôm nay dùng rất nhiều tin đồn và suy đoán để chứng minh những lời buộc tội không có thật".
Không ngạc nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc đã bác bỏ những lo ngại rằng hai công ty của Trung Quốc có thể nhắm tới Mỹ bằng hoạt động gián điệp mạng. Họ chỉ ra rằng Huawei và ZTE chưa bao giờ bị bắt được do thám các khách hàng trên toàn cầu hoặc chèn mã độc vào phần mềm của họ. Thay vào đó, họ tập trung hơn về thương mại và hợp tác để phát triển.
"Nếu bạn coi Trung Quốc như kẻ thù, đó sẽ là sai lầm để làm mọi thứ", Zeng Jianqiu, một giáo sư tại trường Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, bình luận. "Nếu người Mỹ như thế, thì có khả năng Trung Quốc cũng sẽ làm điều tương tự".
Trên thực tế, Bắc Kinh đã khó chịu khi Obama cấm một công ty phong điện của Trung Quốc dựng các turbine gần một căn cứ hải quân ở Oregon. Hãng này - Ralls - hiện đang kiện Tổng thống Obama và Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner. Liệu các công ty công nghệ Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, từ Apple cho tới Cisco, có phải hứng chịu rắc rối trong tương lai hay không?
Huawei và ZTE đã cố gắng để phân biệt giữa một chính phủ có một mối quan hệ phức tạp với Mỹ và các doanh nghiệp Trung Quốc mà họ khẳng định chỉ đơn giản muốn cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. ZTE do nhà nước sở hữu một phần, nhưng phát ngôn viên David Dai Shu nhấn mạnh: "Đáng chú ý rằng sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, Ủy ban lại đưa ra các kết luận dựa vào một phát hiện rằng ZTE có thể không "thoát khỏi ảnh hưởng của nhà nước". Phát hiện này sẽ áp dụng cho bất kỳ một công ty nào hoạt động ở Trung Quốc... ZTE cho rằng cuộc điều tra của Ủy ban sẽ được mở rộng để bao gồm tất cả các công ty chế tạo thiết bị ở Trung Quốc, trong đó có các hãng phương Tây".
Về phần mình, Huawei khẳng định hãng "không khác so với bất kỳ các doanh nghiệp khởi đầu nào ở Thung lũng Silicon" và là một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 do chính những người lao động làm chủ, theo thông cáo báo chí ngày 8/10. "Huawei là Huawei, Huawei không phải là Trung Quốc", hãng tin AP dẫn lời ông William Plummer, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ đối ngoại của Huawei, nói với các phóng viên. "Công ty của tôi không nên bị bắt làm con tin cho bất kỳ chương trình nghị sự chính trị của ai đó".
Nhưng ở Trung Quốc, kinh tế có thể song hành chặt chẽ với chính trị.
Ren Zhengfei, người sáng lập tập đoàn Huawei, một thời phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), và Ủy ban quốc hội Mỹ cáo buộc Huawei cung cấp các dịch vụ mạng lưới cho một cơ quan thuộc bộ phận chiến tranh mạng của PLA. Trong hoàn cảnh này, Huawei có thể không khác biệt mấy so với các hãng của Mỹ như Cisco vốn có các router được nhiều chính phủ hà khắc sử dụng. Nhiều hãng khác của Mỹ cũng cung cấp thông tin người sử dụng cho Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là Yahoo.
Tất nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa các hãng Mỹ buộc phải chấp nhận các quy định của địa phương khi hoạt động ở một nước bên ngoài như Trung Quốc và các hãng Trung Quốc bị cáo buộc đã cài đặt gremlin vào các sản phẩm mà có thể được kích hoạt vào một thời điểm chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ngay cả dựa trên điểm buộc tội này thì đó cũng có thể không là một cuộc chiến tranh bất đối xứng hoàn toàn.
Năm 2002, Bắc Kinh mua một máy bay Boeing 767 của Mỹ để phục vụ Chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc khi đó. Chiếc máy bay dường như có một số chi tiết thêm, cụ thể là gần 30 thiết bị do thám nhỏ xíu được đặt rải rác trên thân máy bay. Một thiết bị được đặt trong phòng tắm, thiết bị khác được đặt trên đầu giường, nơi ông Giang Trạch Dân có thể sẽ nằm ngủ.
Thực tế, vấn đề rộng lớn hơn có thể không nằm trong an ninh quốc gia mà là nằm trong vốn cổ phần thương mại. Bất chấp các trường hợp về phong điện và viễn thông nói trên, giờ đây các công ty Trung Quốc có thể dễ dàng làm ăn ở Mỹ hơn nhiều so với ngược lại. Nhiều ngành của Trung Quốc vẫn còn được bảo hộ, và các công ty quốc tế đã lên tiếng nhiều hơn trong việc chỉ trích sân chơi bất bình đẳng này. Không một chiến dịch tấn công quyến rũ nào được đưa ra từ các công ty nước ngoài này đang cố gắng hoạt động ở Trung Quốc.
Thanh Hảo (Theo TIME)