Chuyện Israel, Mỹ, hoặc cả hai nước có thể mở một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran xuất hiện nhiều chưa từng có trong năm nay - nhưng với cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra trong chưa đầy một tháng nữa, ý tưởng thực hiện một cuộc chiến nữa ở Trung Đông dường như mờ nhạt, ít nhất là vào lúc này. 

TIN BÀI KHÁC:

EU phê chuẩn trừng phạt khắc nghiệt mới với Iran

Mỹ, Israel lên kế hoạch tấn công Iran

Mỹ, EU dồn dập 'ra đòn' với kinh tế Iran

Tiền Iran sụt giá, thịt thành hàng xa xỉ


Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Barack Obama và Mitt Romney đều có quan điểm cứng rắn về hạt nhân Iran.

Robert Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời cả hai Tổng thống Barack Obama và George W. Bush, bình luận trong một bài phát biểu mới đây: "Hậu quả một cuộc tấn công quân sự của Mỹ hoặc Israel nhằm vào Iran có thể, theo tôi, rất thảm khốc, ám ảnh chúng ta qua nhiều thế hệ ở phần đó của thế giới". 

Iran và tham vọng hạt nhân của nước này bộc lộ thế bí chiến lược khó nhất trong thế giới ngày nay, trực tiếp ảnh hưởng đến Israel, các nước Ảrập, châu Âu và tất nhiên cả Mỹ. 

Thành phần quan trọng nhất cần có để giải quyết bế tắc này sẽ là một mối quan hệ thực dụng giữa Iran và Mỹ, ít nhất là một mối quan hệ mà trong đó các quan chức của cả hai bên có thể giam gia vào ngoại giao mở rộng và có tính xây dựng. 

Nhưng họ không thể.

Quan hệ Mỹ - Iran đã bị phá vỡ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, và tê liệt kể từ đó. Trong 33 năm, sự mất tin tưởng lẫn nhau, cộng với chính trị bầu cử ở cả hai nước, đã biến bất cứ sự ngoại giao có ý nghĩa nào trở thành chủ đề tranh luận. Do vậy, danh nghĩa của trò chơi là quản lý hạt nhân. 

Nếu Tổng thống Obama tái cử nhiệm kỳ 2, liệu ông có tiếp tục đề nghị một cách tiếp cận mới với Iran như ở đầu nhiệm kỳ 1 - để giải quyết một lần và tất cả vấn đề hạt nhân này - hay những tiếng trống trận sẽ lại gióng to hơn? 

Cho đến nay, chính quyền Obama đã thực hiện nhiều hành động linh hoạt và nhiều nỗ lực cản trở nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Washington áp đặt các biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Liên minh châu Âu cũng đã hành động tương tự. 

Tuần trước đã chứng kiến sự sụp đổ của các cuộc biểu tình đường phố bùng phát tại Tehran. Các lệnh cấm vận đang tác động nhiều chưa từng có đến những người dân bình thường ở Iran. Chúng gây tổn hại cho nền kinh tế và tất nhiên cả đất nước này, nhưng chúng không thay đổi được quan điểm của chính quyền: đó là Iran có quyền làm giàu uranium theo luật pháp quốc tế. 

Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ các mục đích dân sự, và một quan chức cấp cao của nước Cộng hòa Hồi giáo đã đưa ra một đề xuất chi tiết nhằm chấm dứt thế bế tắc hạt nhân bằng cách củng cố niềm tin và sự minh bạch. 

Mohammad Javad Larijani, một cố vấn cấp cao của Lãnh tụ Tối cao Iran, kêu gọi một tiến trình từng bước một, mà Mỹ và các đồng minh có thể nhận được sự minh bạch tuyệt đối từ phía Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận và cung cấp đảm bảo an ninh trong số các yêu sách khác.  

Nhưng Mỹ và Iran luôn trong tình trạng bất hòa.

Tổng thống Obama tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép một Iran có vũ khí hạt nhân song nói rằng ông tin vẫn có thời gian cho ngoại giao hoạt động trong khi các lệnh cấm vận phát huy sức mạnh. 

Nhưng một số vòng đàm phán giữa Mỹ, các đồng minh của nước này và Iran không có tính xây dựng, và theo một cựu thành viên của nhóm đàm phán hạt nhân Iran thì Mỹ chỉ muốn "đổi lạc lấy kim cương". 

Ứng viên Romney đưa ra một rào chắn thấp hơn so với Tổng thống Obama, nói rằng nếu ông là Tổng thống, ông sẽ không chấp nhận Iran đạt được "khả năng vũ khí hạt nhân". 

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa nhất trí về ý nghĩa chính xác của điều đó và nó sẽ được định nghĩa như thế nào. 

Trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao gần đây, ông Romney nói: "Tôi sẽ báo trước cho các nhà lãnh đạo Iran rằng Mỹ cùng những người bạn và đồng minh của chúng tôi sẽ ngăn không cho họ đạt được năng lực vũ khí hạt nhân". 

Từ "năng lực" có nghĩa là giới hạn đỏ của ông Romney đang nằm ở chỗ khác với của Obama. Romney dường như ngụ ý rằng bất kỳ sự làm giàu uranium nào tới cấp độ vũ khí đều sẽ bị ngăn chặn. Những gì khiến Israel và phương Tây lo lắng là khả năng Iran có thể đẩy mạnh làm giàu uranium lên cấp độ vũ khí và chuyển hướng nó sang một chương trình quân sự. Theo Mỹ, đến nay chưa có bằng chứng cho thấy Iran đã đạt được điều này.

Trong một chuyến thăm tới Israel hồi mùa hè, Romney có vẻ như ủng hộ một cuộc tấn công phủ đầu của đất nước này nhằm vào Iran, và ngôn từ của ông mang tính hiếu chiến hơn so với Obama. Nhưng cũng giống như Tổng thống, Romney kêu gọi "các biện pháp trừng phạt gây tê liệt". 

Iran tin rằng áp lực hạt nhân của Mỹ thực sự là về "thay đổi chế độ" - một cụm từ mà ông Obama đã gợi ý rõ ràng. Nhưng Romney nói rằng đáng hợp tác với các nhóm bên trong Iran "để khuyến khích thay đổi chế độ".

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Phút" của CBS, ông Obama nói với người dẫn chương trình Steve Kroft: "Nếu Thống đốc Romney đang gợi ý rằng chúng ta nên bắt đầu một cuộc chiến khác thì ông ấy phải nói ra điều đó". 

Sẽ không ai thất cử khi nói ra miệng và hành động quá cứng rắn đối với Iran, nhưng giải quyết vấn đề hạt nhân sẽ đòi hỏi một sự tham gia sáng tạo và toàn diện, và các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Iran. Làm được như vậy sẽ giúp cho một Trung Đông nói riêng và một thế giới nói chung ổn định hơn, an toàn hơn. 

Đó có thể sẽ là thành tựu chính sách ngoại giao lớn nhất của Tổng thống Mỹ tiếp theo. 

Thanh Hảo (Theo CNN)