Chính phủ mới của Hàn Quốc vừa quyết định dừng triển khai THAAD - hệ thống đánh chặn tên lửa tân tiến của Mỹ vốn gây nhiều tranh cãi, chọc giận Triều Tiên và đẩy quan hệ Hàn – Trung vào căng thẳng.

CNN dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ không rút hai bệ phóng THAAD đã đi vào hoạt động, nhưng họ sẽ không cho phép triển khai tiếp 4 bệ phóng bổ sung cho đến khi "hoàn tất đánh giá tác động môi trường toàn diện".

{keywords}

Trong chiến dịch tranh cử mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi dừng triển khai hệ thống THAAD và mọi quyết định về tương lai của hệ thống này phải được đưa ra trước Quốc hội.

Việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc đã được người tiền nhiệm của ông Moon là bà Park Geun Hye đồng ý. Hệ thống này được xác nhận đã hoạt động một phần trước khi ông Moon đắc cử Tổng thống. Khi đó, giới phân tích cho rằng, đây là một nỗ lực nhằm trói buộc tân Tổng thống và khiến chính phủ của ông khó mà rút hệ thống vũ khí này khỏi Hàn Quốc.

Việc triển khai THAAD đã khiến Bắc Kinh rất bất bình vì lo ngại nó có thể được sử dụng để do thám các hệ thống quốc phòng và đánh chặn tên lửa của Trung Quốc. Quan hệ Seoul - Bắc Kinh đã rơi vào căng thẳng, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Trung Quốc.

Dự kiến, THAAD sẽ chưa thể hoạt động toàn diện cho đến cuối năm nay. Đánh giá môi trường – kể cả rốt cuộc nó được phép triển khai tiếp - nhiều khả năng sẽ làm trì hoãn việc này đến ít nhất năm 2018.

THAAD được thiết kế bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở chặng bay cuối của chúng. Điều này có nghĩa là hệ thống không thể tiêu diệt loại tên lửa tầm trung mà Triều Tiên liên tục thử nghiệm trong tháng này.

Tuy nhiên, THAAD có hệ thống radar tinh vi phù hợp với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Mỹ, trong đó có các tàu chiến Aegis hoạt động ở Thái Bình Dương và các khẩu đội Patriot được triển khai ở Nhật Bản. Do vậy, radar THAAD có thể cung cấp dữ liệu sớm về mục tiêu cho các hệ thống đánh chặn đó, và bảo vệ đảo Guam, vùng lãnh thổ Mỹ nằm gần Triều Tiên nhất.

Thanh Hảo