Ngày 17/5/1973, Ủy ban các hoạt động chiến dịch tranh cử tổng thống thuộc Thượng viện Mỹ bắt đầu các phiên điều trần, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình về vụ bê bối Watergate liên quan đến Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ Richard Nixon.
Watergate vẫn được xem là một trong những bê bối chính trị đình đám nhất thế giới từ trước tới nay. Sự cố khiến Richard Nixon, Tổng thống thứ 37 của Mỹ trở thành ông chủ Nhà Trắng đầu tiên và cũng là duy nhất phải từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ.
Toà nhà Watergate và năm tên trộm. Ảnh: historyonthenet.com; theblackvault.com. |
Mọi chuyện bắt đầu lúc 2h30 sáng 17/6/1972, khi năm người đàn ông bị bắt giữ vì đột nhập trái phép và cài đặt thiết bị nghe lén điện thoại tại trụ sở của Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ (DNC) trong khu liên hợp Watergate ở thủ đô Wasington. Một trong những "tên trộm" được xác định là James W. McCord Jr., người từng làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và đang là một điều phối viên an ninh cho Ủy ban tái tranh cử của Tổng thống Nixon.
Nhà chức trách cũng tìm thấy trong sổ địa chỉ của hai nghi phạm khác có ghi "E. Howard Hunt". Chính cái tên này đã giúp các điều tra viên tìm ra kẻ giấu mặt chỉ huy vụ trộm: E. Howard Hunt, cựu nhân viên tình báo giữ vai trò cố vấn cho Tổng thống Nixon trong giai đoạn 1969 - 1972.
Từ Hunt, nhà chức trách đã lần ra cả một đường dây đứng sau vụ việc, bao gồm cả những nhân vật cao cấp nhất trong Nhà Trắng, từ cựu Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell (lúc đó giữ chức Giám đốc Ủy ban tái cử của ông Nixon), Chánh văn phòng Nhà Trắng Halderman, Phụ tá đặc biệt của tổng thống John Ehrlichman, Trợ lý tổng thống John Dean, Thư ký Ủy ban tái cử Gordon Liddy và cả bản thân Tổng thống đương nhiệm Nixon.
Chỉ vì tham vọng nắm được các tin tức nội bộ của đảng đối lập nhằm chiếm ưu thế trong chiến dịch tái tranh cử ghế lãnh đạo Mỹ, Nixon và các phụ tá của ông ta đã tự đẩy mình vào rắc rối.
Ảnh: nixonfoundation.org |
Song, những lùm xùm liên quan đến vụ Watergate không thật sự ảnh hưởng đến cuộc đua giành quyền lực của Nixon. Ngày 7/11/1972, ông tái đắc cử vị trí lãnh đạo Nhà Trắng khi đánh bại ứng viên Dân chủ George McGovern, giành được tới hơn 60% số phiếu bầu phổ thông trên toàn nước Mỹ.
Phóng viên Bob Woodward (phải) và Carl Bernstein của báo Washington Post. Ảnh: USN |
Trong khi đó, bê bối Watergate tiếp diễn trong khoảng thời gian hai năm. Phần lớn vụ bê bối bị hai phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein của báo Washington Post phanh phui và viết bài tường thuật đầu tiên.
Nguồn cung cấp tin tối mật, giúp bộ đôi Woodward và Bernstein cho ra những bài viết điều tra chấn động dư luận là một quan chức cấp cao trong chính quyền, mang mật danh "Deep Throat". Người này thực chất là Mark Felt, Phó giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) lúc bấy giờ. Điều tra của báo chí đã góp phần khui ra hàng loạt hành vi trái pháp luật của Tổng thống Nixon và các cộng sự.
Ngày 7/2/1973, dưới áp lực từ công luận, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu phê chuẩn việc thành lập ủy ban đặc trách điều tra bê bối Watergate.
Ngày 17/5/1973, Ủy ban các hoạt động chiến dịch tranh cử tổng thống thuộc Thượng viện Mỹ bắt đầu các phiên điều trần, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình về vụ Watergate. Trong các buổi điều trần tại Thượng viện, cựu Cố vấn pháp lý Nhà Trắng John Dean khai, vụ đột nhập Watergate đã được tiến hành dưới sự cho phép của cựu Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell. Các trưởng cố vấn Nhà Trắng John Ehrlichman và H.R. Haldeman cũng như Tổng thống Nixon đều biết vụ việc.
Công tố viên đặc biệt Archibald Cox và các nhân viên dưới quyền cũng bắt đầu phát hiện ngày càng nhiều bằng chứng về các hoạt động do thám chính trị của Ủy ban tái cử Nixon, việc nghe lén trái phép của chính quyền đối với hàng ngàn công dân Mỹ cùng các khoản tài trợ mờ ám cho đảng Cộng hòa nhằm đổi lấy sự hậu thuẫn chính trị.
Tháng 7/1973, trước Thượng viện, những người tham gia điều trần đã tiết lộ sự tồn tại của các cuốn băng ghi âm đối thoại tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Nixon và đội ngũ nhân viên dưới quyền. Ông Cox đòi Nhà Trắng phải giao nộp những cuốn băng bí mật này. Sau 3 tháng trì hoãn, ông Nixon đề nghị sẽ tóm tắt nội dung các cuốn băng bằng văn bản để trình lên Ủy ban điều tra. Đổi lại, Ủy ban sẽ không đề cập tới vấn đề cuốn băng và dừng việc tìm kiếm thêm những tư liệu về tổng thống.
Ảnh: Word Press |
Song, công tố viên đặc biệt nhất quyết bác bỏ yêu cầu trên. Vì vậy, Tổng thống Nixon đã sa thải ông Cox. Leon Jaworski, người kế nhiệm ông Cox làm công tố viên đặc biệt, đã đưa ra các cáo trạng chống lại nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Nixon, kể cả Mitchell và Dean.
Một cuộc biểu tình đòi luận tội cách chức Nixon. Ảnh: biography.com. |
Niềm tin của công chúng dành cho Tổng thống Nixon sụt giảm nhanh chóng. Tháng 7/1974, Ủy ban Tư pháp Hạ viên đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội ông Nixon về ba tội cản trở công lý, lạm dụng các quyền của tổng thống và gây khó khăn cho quá trình luận tội.
Tổng thống Nixon chỉ về phía những cuốn băng ghi âm của Nhà Trắng sau khi thông báo ông sẽ giao chúng cho các nhà điều tra. Ảnh: USN. |
Ngày 30/7/1974, dưới sức ép của Tòa án tối cao, ông Nixon cuối cùng phải giao nộp một số cuốn băng Watergate. Ngày 5/8/1974, nội dung của tất cả các cuốn băng nói trên được công bố, cung cấp bằng chứng không thể chối cãi về sự dính líu của Nixon đối với vụ bê bối.
Tổng thống Richard Nixon tuyên bố từ chức tháng 8/1974. Ảnh: USN |
Bốn ngày sau, Nixon ngầm ngùi tuyên bố từ chức, trở thành ông chủ Nhà Trắng đầu tiên và duy nhất phải rút lui khi chưa mãn nhiệm. Theo Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống Gerald R. Ford tiếp quản quyền lực và một tháng sau đó đã quyết định ân xá tất cả các tội danh mà Nixon có thể đã phạm phải khi còn đương chức tổng thống.
Song, tổng cộng 25 quan chức trong chính quyền Nixon đã bị kết tội và lĩnh án tù vì nhiều tội danh khác nhau, liên quan đến bê bối Watergate.
Biến cố không chỉ gây chấn động chính trường Mỹ, mà còn dẫn tới một số cải cách sau đó, vẫn còn được duy trì tới tận gần đây, chẳng hạn như các quy định tài chính về hoạt động tranh cử.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Thảm án thừa kế rúng động nước Mỹ
Cả nước Mỹ rúng động khi hay tin cô gái trẻ, đẹp cùng người tình ra tay sát hại dã man cha mẹ và em trai nhằm hưởng thừa kế.
Ngày này năm xưa: Tội ác vấy máu của nữ y tá
Ngày 16/5/1975, nữ y tá Norma Armistead bước vào bệnh viện Kaiser ở Los Angeles, California (Mỹ) cùng một đứa bé mới sinh trên tay mà cô cho biết vừa sinh tại nhà.
Ngày này năm xưa: Cơn ác mộng cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử TQ
Cách đây đúng 31 năm, lực lượng cứu hỏa Trung Quốc rốt cuộc cũng chặn đứng thảm họa cháy rừng gây tổn thất nặng nề nhất về người và của trong lịch sử nước này.
Những hình ảnh Israel tấn công Syria gây chấn động thế giới
Viện dẫn lí do Iran tấn công các khu vực Israel chiếm đóng ở Cao nguyên Golan, Tel Aviv điều hàng chục chiến đấu cơ mở cuộc oanh kích quy mô lớn vào lãnh thổ Syria.
"Tù nhân vĩ đại" trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi
Ngày 10/5/1994, Nelson Mandela, "tù nhân vĩ đại", người hùng chống nạn phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi đã trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nước này.
Ngày này năm xưa: Bí ẩn vụ "đệ nhất danh ca châu Á" đột tử
Ngày 8/5/1995, Đặng Lệ Quân, ngôi sao Hoa ngữ xinh đẹp từng được mệnh danh là "Đệ nhất danh ca châu Á" đã đột tử tại khách sạn trong khi đi nghỉ mát ở Thái Lan.