Ngày 5/6/1968, Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Francis "Bobby" Kennedy, em trai cố Tổng thống bị ám sát John F. Kennedy, bất ngờ bị một kẻ xa lạ bắn nhiều phát đạn tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles, Mỹ, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở California. Ông qua đời một ngày sau đó vì vết thương quá nặng.
Vụ ám sát cho thấy vận đen tiếp tục đeo bám nhà Kenedy, gia tộc danh giá bậc nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.
Anh em Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (phải) và Robert Francis "Bobby" Kennedy năm 1963. Ảnh: People |
Mùa hè năm 1968 là một thời điểm đen tối trong lịch sử Mỹ. Lúc này, cuộc chiến tranh ở Việt Nam và phong trào phản chiến ở Mỹ đều lên đến đỉnh điểm. Việc mục sư Martin Luther King Jr., nhà hoạt động nhân quyền chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng bị ám sát vào tháng 4/1968 cũng dẫn tới các cuộc bạo động lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Trước tình hình trên, Tổng thống Lyndon B. Johnson quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ hai trong cuộc tổng tuyển cử Mỹ sắp tới. Robert Kennedy, người từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp dưới thời anh trai - cố Tổng thống John F. Kennedy, đã ngay lập tức trở thành ứng viên thay thế của đảng Dân chủ và bước đầu nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận.
Ứng cử viên tiềm năng Robert Kennedy. Ảnh: Guardian |
Robert Kennedy, 43 tuổi là một chính trị gia trẻ, thông minh, đầy nhiệt huyết và rất kiên định. Nhiều người thậm chí coi ông là nhân vật duy nhất trong chính trường Mỹ có khả năng đoàn kết mọi tầng lớp xã hội. Ông được các cộng đồng thiểu số Mỹ, bao gồm cả người nhập cư, dân da màu... đặc biệt yêu quý vì sự tận tâm và nỗ lực thúc đẩy các đạo luật bảo vệ dân quyền.
Sau khi thắng trong các vòng bỏ phiếu sơ bộ ở bang California, Robert Kennedy dự kiến sẽ chính thức được đề cử là ứng viên của đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng cùng đối thủ Richard Nixon thuộc đảng Cộng hòa. Những người ủng hộ đều hy vọng, ông sẽ là người kế tục xứng đáng truyền thống dòng họ Kennedy và có thể hoàn thành những giấc mơ còn dang dở của người anh trai, nếu đắc cử chức tổng thống Mỹ.
Những diễn biến vào thời điểm đó khiến không ít người tin tưởng, "Kennedy đệ Nhị" chắc chắn sẽ giành chiến thắng vang dội trong các vòng bỏ phiếu quyết định vào tháng 11/1968. Song, biến cố xảy ra vào mùa hè năm đó đã thay đổi tất cả.
Ngày 5/6/1968, sau khi nhận tin chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại California, Robert Kennedy đã tới dự lễ ăn mừng tại khách sạn Ambassador ở thành phố Los Angeles. Tại đây, ông đã có bài phát biểu cảm ơn những người ủng hộ.
Thượng nghị sĩ Robert Kennedy tại lễ mừng chiến thắng bầu cử sơ bộ ở Caliornia trong khách sạn Los Angeles, chỉ vài phút trước khi bị bắn ngày 5/6/1968. Ảnh: Politico |
Cả khán phòng ngập chìm trong những tiếng reo hò. Ai cũng muốn tiến đến bắt tay, chúc mừng ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ, khiến khán phòng gần như không còn lối đi lại.
Vì vậy, khi buổi lễ kết thúc, Bill Barry, cựu nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đảm trách việc bảo vệ Robert Kennedy, đã chọn việc di chuyển qua khu bếp khách sạn như lối đi ít nguy hiểm hơn cho ứng viên Dân chủ.
Tuy nhiên, khi Robert Kennedy cùng hai ngôi sao thể thao Rafer Johnson và Roosevelt Grier vừa bước qua cửa bếp, Sirhan Bishara Sirhan, 22 tuổi, người Palestine bất ngờ từ đâu lao tới, rút khẩu súng lục 22 li giấu trong người nã nhiều phát đạn vào ông.
Khoảnh khắc Robert F. Kennedy ngã gục trên sàn ngay sau khi bị bắn. Bên cạnh ông là cậu bé Juan Romero, 17 tuổi người đang nắm tay ông khi Sirhan nã đạn. Ảnh: AP |
Robert Kennedy đổ gục tại chỗ do dính 3 viên đạn vào đầu, nách và cổ. Dù được đưa đi viện cấp cứu ngay lập tức, nhưng một ngày sau đó, 6/6/1968, ông đã không qua khỏi vì các vết thương quá nặng. Cái chết bất ngờ của ông gần 5 năm sau sự ra đi của người anh trai cũng vì nguyên nhân bị ám sát, một lần nữa khiến cả nước Mỹ rúng động.
Quay trở lại hiện trường vụ án, hai vận động viên Grier và Johnson rốt cuộc cũng quật ngã được Sirhan sau khi tên này làm bị thương 5 người khác.
Nghi phạm Sirhan bị bắt giữ ngay tại hiện trường ám sát Robert Kennedy. Ảnh: Word Press |
Quá trình điều tra đã kết thúc chóng vánh sau đó với kết luận, Sirhan là thủ phạm duy nhất của vụ án. Nhà chức trách cũng khẳng định, hắn hành động một mình. Về động cơ gây án, theo báo New York Times, hung thủ sau này tiết lộ, hắn tin Robert Kennedy có dính líu đến việc đàn áp người Palestine.
Khi vụ án được đưa ra xét xử, Sirhan đã thú nhận mọi tội lỗi. Hắn bị tuyên án tử hình vào ngày 3/3/1969. Song, do Tòa án tối cao bang California đã bãi bỏ mọi án tử hình vào năm 1972, nên Sirhan trải qua phần còn lại trong nhà tù.
Một số thông tin được tiết lộ sau này đã cho thấy nhiều điểm nghi vấn về vụ ám sát Robert Kennedy. Chẳng hạn như, vào thời điểm đó có tới 10 phát đạn được bắn đi, trong khi khẩu súng của Sirhan chỉ có một băng đạn 8 viên. Ngoài ra, theo khám nghiệm tử thi, vết thương trên trán Robert Kennedy bắt nguồn từ một viên đạn được bắn ra rất gần, có vẻ như dí sát vào đầu ông. Trong khi đó, các nhân chứng tại hiện trường cho hay, lúc gây án, Sirhan đang đứng cách thượng nghị sĩ Kenedy ít nhất 1 mét.
Sirhan vẫn đang thụ án tù chung thân trong trại giam Richard J. Donovan ở California. Ảnh: Word Press |
Giáng sinh năm 2017, Robert F. Kennedy Jr., 64 tuổi, con trai của Robert Kennedy đã tới nhà tù Richard J. Donovan ở California để gặp gỡ Sirhan. Phạm nhân Sirhan đã bị nhà chức trách Mỹ bác đơn xin ân xá ít nhất 15 lần và nói hiện không còn nhớ gì về vụ sát hại thượng nghị sĩ Kennedy.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post hồi tháng 5 vừa qua, ông Jr. tiết lộ đã trò chuyện với kẻ giết cha mình 3 tiếng đồng hồ. Khi cha bị ám sát, ông Jr. mới 14 tuổi. Ông hiện tin rằng còn một tay súng bí ẩn thứ hai gây ra sự cố và Sirhan không phải là thủ phạm chính. Ông Jr. hiện ủng hộ lời kêu gọi tái điều tra vụ án của Paul Schrade, người cũng bị bắn vào đầu khi đi ngay sau Robert Kennedy ở khách sạn Ambassador cách đây 50 năm.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Dấu chấm hết của hai kẻ giết người không ghê tay
Ngày 2/6/1985, Leonard Lake bị bắt giữ ở California, Mỹ, kết thúc một trong những vụ án kinh hoàng, hiếm gặp khi hai kẻ sát nhân hàng loạt bắt tay gây tội ác.
Lộ diện kẻ tuồn tin mật khiến Tổng thống Mỹ Nixon 'ngã ngựa'
Sau hơn 30 năm che giấu, cựu Phó giám đốc FBI rốt cuộc thú nhận là kẻ tuồn tin mật về vụ Watergate cho báo chí, khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon mất chức.
Tiết lộ quá trình gay cấn cứu mạng cha con cựu điệp viên Nga
Lần đầu tiên, các nhân viên tại bệnh viên điều trị cho cha con cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh đã tiết lộ về quá trình cứu sống họ.
Ngày này năm xưa: Tai nạn máy bay thảm khốc ở rừng rậm Thái Lan
Chỉ 20 phút sau khi rời sân bay Bangkok, Thái Lan, chiếc Boeing 767 của Lauda Air đã đâm xuống khu rừng rậm gần đó, giết chết cả 223 người có mặt trên máy bay.
'Thiên sứ của Tử thần' và những tội ác man rợ chấn động thế giới
Không ai ngờ đằng sau vẻ ngoài "thiên thần" của bác sĩ Josef Mengele lại ẩn giấu một trái tim đen tối của kẻ sát nhân máu lạnh.
Thế giới báo động nạn tài xế Grab, Uber quấy rối khách nữ
Đằng sau sự trỗi dậy của các loại hình dịch vụ gọi xe như Grab, Uber... còn có những câu chuyện đau lòng về tình trạng tài xế quấy rối, tấn công tình dục khách nữ.
Ngày này năm xưa: Tai nạn máy bay thảm khốc ở Ai Cập
Ngày 20/5/1965, một chiếc Boeing 720-B đã bị rơi gần sân bay Cairo, Ai Cập, khiến 122 người thiệt mạng.