"Việc dịch chuyển của khối trượt lở sẽ diễn ra không quá nhanh và đến một giai đoạn nào đó nó sẽ bình ổn trở lại” -  PGS - TS. Phan Trọng Trịnh khẳng định về việc nứt lún ở Di Linh (Lâm Đồng) thời gian gần đây.

TIN BÀI KHÁC


Hôm qua (8/6), tại buổi làm việc với các nhà khoa học và lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, PGS - TS. Phan Trọng Trịnh, Trưởng Phòng địa động lực (Viện Địa chất Việt Nam), Chủ tịch Hội kiến tạo Việt Nam đã đưa ra những nhận định mới về việt nứt lún ở Di Linh (Lâm Đồng) thời gian gần đây.

Ông Phan Trọng Trịnh cho biết, sau khi đi khảo sát thực tế các vết nứt tại khu phố 1, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, ông đã thấy rất rõ những dấu hiệu của hiện tượng trượt đất thông thường. Các vết nứt này kéo dài và tạo thành một vòng cung ôm lấy sườn đồi và gây ảnh hưởng đến khu vực dân cư.

Đường Nguyễn Văn Trỗi, khu phố 1, thị trấn Di Linh bị nứt ngang (Ảnh: VietNamNet)
“Việc dư luận cho rằng hút bùn ở hồ tây Di Linh đã gây ra hiện tượng trên chúng tôi vẫn đang nghi vấn vì nơi hút bùn cách khu vực này khá xa. Ngoài ra một số ý kiến cho rằng do ảnh hưởng từ việc khai thác nguồn nước ngầm thì càng không phải ” – TS. Trịnh giải thích.

Ông Trịnh còn cho biết thêm, hiện tượng trượt đất trên địa bàn Tây Nguyên rất mạnh mẽ và thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa mưa. Trước mắt, ông kiến nghị tiếp tục thăm dò, khoan địa chất để lấy mẫu nghiên cứu và tiến hành đo vẽ xác định quy mô, hình dạng của khối trượt để tìm ra nguyên nhân chính thức của hiện tượng trên. “Việc dịch chuyển của khối trượt lở sẽ diễn ra không quá nhanh và đến một giai đoạn nào đó nó sẽ bình ổn trở lại” - TS. Trịnh khẳng định.

Cũng trong buổi làm việc, nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng hiện tượng nứt đất ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng không phải do yếu tố nội sinh (như động đất, các hoạt động đứt gãy…) mà do chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại sinh (như do tải trọng các công trình, hoạt động khai thác quá mức tầng chứa nước bên dưới, liên quan đến sạt lở đất đá…).

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban Phản biện, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng: Giải thích hiện tượng nứt đất ở Lâm Đồng là do bơm hút nước ngầm quá nhiều là không hợp lý. Đây chỉ là hệ thống khe nứt tách giãn, liên quan đến hoạt động trượt êm không động đất của đứt gãy đang hoạt động dưới sâu.

Còn TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam nhận xét: Nứt đất tại địa điểm này liên quan đến đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp có biểu hiện hoạt động trở lại. Đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp là đứt gãy vuông góc với hai đới đứt gãy lớn Đa Nhim – Biên Hòa và Tuy Hòa – Biên Hòa. Nứt đất ngầm do sự trượt êm không động đất của các hệ đứt gãy, phát triển từ dưới sâu lên, lan tỏa về phía mặt đất dưới dạng cành cây.Nên nếu có nứt đất ngầm thì sẽ không có động đất vì năng lượng đứt gãy đã được giải phóng.

Hiện các vết nứt tại Di Linh đã tạo thành một đường vòng cung dài gần 300m và vẫn chưa dừng lại. Miệng vết nứt có nơi rộng nhất là khoảng 25cm và nhiều nơi sụt lún thấy rõ so với mặt đất phía trên.

Theo TTXVN, chính quyền huyện Di Linh hiện đã hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ 3 – 5 triệu/hộ và vận động các hộ có nhà cửa bị nứt nẻ nghiêm trọng di dời đến nơi an toàn.

Mẫn Chi (Tổng hợp)