Theo dự báo, đến năm 2033, 1 người già sẽ có 1 trẻ em. Còn đến năm 2060, Việt Nam (VN) sẽ có số người già gấp đôi trẻ em.

TIN BÀI KHÁC

“Kết quả điều tra dân số là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách xây dựng các chiến lược phát triển đúng đắn và phù hợp cho 40 năm tới” - ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định tại Hội nghị công bố các ấn phẩm từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, diễn ra ngày 14.6 tại Hà Nội.

Nữ hoá di cư, già hoá nông thôn


Theo kết quả điều tra nói trên, dự báo 40 năm nữa, dân số Việt Nam vào khoảng gần 110 triệu người, trong đó dân số thành thị tăng từ 25,4 triệu người lên 63,9 triệu người, chiếm 58,8% dân số.

Trong 10 năm (1999-2009), di cư tăng từ 2 triệu người lên 3,4 triệu người. Đáng chú ý là xảy ra tình trạng “nữ hoá” và “trẻ hoá” dân di cư.


Cần có thêm các chính sách an sinh xã hội để chăm sóc người già .

Theo ông Đỗ Thức, điều này đặt ra yêu cầu cần có các chính sách dành riêng cho nữ di cư và trẻ em di cư trong độ tuổi đến trường. Cùng lúc đó, tại các nơi đi chỉ còn lại ông già, bà cả, gia tăng tỷ lệ phụ thuộc nên cần tính đến các hỗ trợ an sinh xã hội và chăm sóc sức khoẻ cho người già tại các vùng này.

Trong ba thập kỷ qua, do mức sinh giảm, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 43% xuống dưới 25%, trong khi đó tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động 15-64 tăng từ 53% lên 69%. Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2033, 1 người già sẽ có 1 trẻ em. Còn đến năm 2060, VN sẽ có số người già gấp đôi trẻ em.

“Với những biến động dân số như vậy, một mặt, chúng ta phải đẩy mạnh các chính sách đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư chăm sóc sức khoẻ cho thanh thiếu niên để tận dụng sức mạnh của nguồn nhân lực vàng. Mặt khác, chúng ta cũng cần đề ra các chính sách về an sinh xã hội để chăm sóc người cao tuổi trong tương lai. Sẽ không quá khi nói rằng: Người già là tương lai của chúng ta” - ông Giang Thanh Long (Viện Chính sách công và quản lý- ĐH Kinh tế quốc dân) nói.

Nam giới hoá dân số


Năm 2009, hơn 50% nữ giới trên 60 tuổi sống đơn thân (chủ yếu là goá chồng), 4,4% phụ nữ tuổi 50-54 ly thân hoặc ly hôn. Vì vậy, cần có nhiều chính sách an sinh xã hội dành riêng cho nữ giới. - Ông Nguyễn Đức Vinh - Viện Xã hội học

Năm 2009, tỷ số giới tính sau sinh của chúng ta là 115 bé trai/100 bé gái. Dân số dưới 20 tuổi có số lượng nam nhiều hơn nữ gần 900.000 người. Nếu như không có các chính sách để kiềm chế việc lựa chọn giới tính khi sinh thì đến năm 2049, chúng ta sẽ bị thừa 12% “chú rể” trong tổng số nam giới trưởng thành (ước tính hơn 20 triệu chú rể).

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội ISDS nhận định:

“Sự cứng nhắc trong tổ chức gia đình phụ hệ là nguyên nhân cốt lõi đẩy mạnh sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện nay, những tục lệ tiếp nối dòng họ (con chỉ mang họ bố, chỉ con trai mới nối dõi, thờ cúng tổ tiên, thừa kế tài sản) và mô hình định cư bên nội (vợ chồng sống bên nhà chồng, bố mẹ sống cùng con trai trưởng) khiến cho nhiều người chỉ mong ngóng đẻ con trai để “nương tựa tuổi già và thờ cúng”. Điều này cũng hạn chế con gái hỗ trợ kinh tế và chăm sóc cha mẹ đẻ mình sau khi đã lấy chồng.

Theo bà Hồng, cần phải thay đổi tâm lý ưa thích con trai bằng việc khuyến khích gia đình lưỡng hệ như: Con gái mang họ mẹ, được thờ cúng tổ tiên, bình đẳng trong thừa kế tài sản và cha mẹ già có thể sống cùng con gái. Ngoài ra cần đẩy mạnh các chế tài xử phạt lựa chọn giới tính bằng công nghệ sao (siêu âm) và nâng cao nhận thức của cán bộ y tế…

(Theo Dân Việt)