Tuổi đời còn rất trẻ nhưng những sát thủ đã nhẫn tâm giết người một cách man rợ để cướp của. Nguyên nhân thì nhiều nhưng đầu tiên phải kể đến những bậc sinh thành, đã chưa quan tâm, lo lắng, dạy dỗ về nhân cách cho con em mình.

TIN BÀI KHÁC

Lỗi từ gia đình?

Vụ án giết người cưới tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang đang dần khép lại. Cơ quan điều tra đã xác định Lê Văn Luyện (SN 18/10/1993) là hung thủ chính vụ thảm sát kinh hoàng, giết 3 người trong 1 gia đình và chặt tay thành viên 8 tuổi còn lại. Tuy nhiên, điều đáng nói là, khi gây án, Luyện còn 2 tháng nữa mới tròn 18 tuổi.


Sát thủ Nguyễn Văn Luyện khi gây án chưa tròn 18 tuổi (Ảnh: VietNamNet)

Theo dõi diễn biến của vụ án, bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam đã lý giải nguyên nhân của hành vi man rợ này. Bà Bình nói: Có cả nguyên nhân khách quan (từ xã hội) và chủ quan (từ phía gia đình), trong đó, đầu tiên phải trách bố mẹ Luyện, thông tin trên Giáo dục Việt Nam.

Cũng chia sẻ trên tờ này, bà Bình còn cho biết bà cảm thấy rất đau lòng khi xã hội ngày càng có nhiều vụ thảm sát, không chỉ ở vụ cướp tiệm vàng mà còn nhiều vụ việc khác. Đáng nói hơn, những người “máu lạnh” này chủ yếu lại tập trung ở tầng lớp thanh niên.

Từ đó, bà Bình nói rõ, các ông bố, bà mẹ ngày nay cứ mải mê chạy theo lo toan về kinh tế hoặc quan tâm về ăn, mặc, tiền nong cho con cái nhưng lại không quan tâm, lo lắng, dạy dỗ về nhân cách của con người.

Nhiều người cứ đẩy hết trách nhiệm nuôi dạy con cho nhà trường – đó là một sai lầm” - bà Bình nhận xét.

Kết quả nghiên cứu về Tội phạm giết người từ năm 2007-2010 mà Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm cho thấy, có tới 46% số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (đa số các gia đình này có người dính líu đến tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp); có 18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; có 14% đối tượng sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp (mặc dù có đầy đủ cha, mẹ; vợ chồng nhưng trình độ văn hóa của bố, mẹ; vợ hoặc chồng và các anh chị em thấp, thường xử sự thiếu tôn trọng nhau, có các xung đột, cãi vã thường xuyên xảy ra trong gia đình); 7% xuất phát trong gia đình giàu có, bố mẹ, vợ hoặc chồng có lối sống buông thả, ích kỷ, sỹ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Chỉ có 4% thủ phạm sinh ra từ những gia đình bình thường.
(Theo VnMedia)

Nhắc lại vụ thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang, hung thủ Lê Văn Luyện mới học hết lớp 9 thì nghỉ học. Bố mẹ bán hàng thịt lợn nên gia đình Luyện được xem là có kinh tế khá giả. Tuy nhiên, Luyện không ở nhà làm nghề mà bỏ đi làm thợ xây ở Nghệ An, Hà Nội. Nay đây, mai đó, mỗi lần về thì Luyện chỉ ăn được vài bữa cơm với bố mẹ rồi lại bỏ đi đâu không rõ.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng sự thiếu quan tâm của bố mẹ đã từng bước đẩy cậu bé Luyện vào bước đường cùng, gây tội ác?

Trên VnMedia, Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân) thẳng thắn kết luận bố mẹ có nghề bán thịt lợn, không thể nói là không có điều kiện nuôi con ăn học, nhưng Lê Văn Luyện đã nghỉ học rất sớm và theo chúng bạn xa gia đình khi còn chưa đủ tuổi thành niên.

Theo ông Đức, đây là lứa tuổi rất cần có sự giáo dục, định hướng, uốn nắn lối sống của người lớn, nhưng Lê Văn Luyện lại chỉ được hấp thụ nhân sinh quan từ môi trường phức tạp bên ngoài, trong khi bản thân chưa đủ hiểu biết về cạm bẫy, chưa đủ năng lực, bản lĩnh để tránh xa cám dỗ.

Hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ

Trên Giáo dục Việt Nam, bà Bình nhấn mạnh đến yếu tố gây nên sự suy đồi đạo đức trong một bộ phận xã hội hiện nay, đó là việc ta chưa có sự chuẩn bị, đặc biệt ở tầng lớp thanh niên khi tham gia hội nhập. Mở cửa, “gió lành” cũng có mà “gió dữ, gió xấu” cũng rất nhiều. Sự chuẩn bị về tâm lý, tri thức và văn hoá, trong đó giáo dục là cốt lõi chưa được quan tâm đúng mực, đúng cách.

Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình cũng rất lo lắng khi chia sẻ trên VTC News rằng, hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng là do xã hội đang chuyển mình. Có nhiều vấn đề khiến con trẻ không thể thừa nhận được trật tự của xã hội hiện tồn. Về mặt lối sống có những điệu bị pha trộn, bị thách đố rất lớn và những giá trị có thể đảo lộn, rối loạn…

Suy cho cùng, đây vẫn là câu chuyện của giáo dục gia đình, câu chuyện của con người ta phải quay trở lại với những răn dạy về luân lý cá nhân, biết coi trọng lao động và yêu quý mạng sống của người khác…”, ông Bình nói.

Về vụ án của Luyện, bày tỏ quan điểm trên VnMedia, Thượng tá Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng từ một cậu bé hiền lành như lời hàng xóm nhận xét, Luyện đã trở thành kẻ nghiện ngập, rồi giết người cướp của. Vụ việc này, có thể kết luận Lê Văn Luyện vừa là thủ phạm, nhưng cũng là nạn nhân của sự thiếu trách nhiệm đối với con cái của bố mẹ y.

Trên Giáo dục Việt Nam, bà Bình bày tỏ sự trăn trở: “Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, gây nên những cái chết thương tâm và hạn chế sự suy đồi của văn hóa, đạo đức con người, nhà trường cần cải cách giáo dục, “mục tiêu giáo dục phải đi vào xây dựng nhân cách con người một cách hoàn thiện hơn”.

Và hơn hết, sau hàng loạt các vụ bạo lực, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cách giáo dục của gia đình. Các ông bố, bà mẹ hãy tự hỏi: Thời gian qua, chúng ta đã quan tâm tới lũ trẻ nhiều chưa? Các gia đình đừng nên quá chạy theo miếng cơm, manh áo gạo tiền mà quên việc giáo dục con cái”, bà Bình nhấn mạnh.

Nguyên Đức (tổng hợp)