Sau hơn 3 tuần sảy ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang), nạn nhân và cũng là người sống sót duy nhất, cháu Trịnh Ngọc Bích đã dần hồi phục. Câu hỏi đặt ra là tới đây, ai có thể là người giám hộ để chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho bé 8 tuổi này đến khi cháu trưởng thành?


TIN BÀI KHÁC


Cháu Trịnh Ngọc Bích (8 tuổi) là nạn nhân duy nhất còn sống sót trong vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích vào ngày 24/8 tại phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang. Anh Trịnh Thanh Ngọc (SN 1974) và chị Ninh Thị Chín (SN 1976), bố mẹ Bích, cùng em gái mới 18 tháng tuổi của Bích đã bị sát hại một cách dã man. Bé Bích được phát hiện trong tình trạng nằm lịm dưới gầm tủ với nhiều vết chém và một bàn tay bị đứt lìa.

Ngay sau khi được phát hiện, Bích được sơ cứu rồi đưa lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng lẫn lộn, lơ mơ. Cháu bị mất máu nặng vì bị chém nhiều vết. Trong 3 kíp mổ, bệnh viện Việt Đức đã huy động đến 20 bác sĩ, y tá tham gia. Các bác sĩ đã phải làm việc liên tục trong 11 tiếng đồng hồ để cứu chữa cho cô bé.

Người thân bảo vệ cháu Bích. (Ảnh: GDVN)

Dù bị thương rất nặng nhưng với nghị lực sống diệu kỳ, đến nay cô bé này đã tỉnh táo, có thể đi lại, ăn uống bình thường và sức khỏe đang dần hồi phục.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, khi cháu bé còn quá nhỏ (vừa sinh nhật 8 tuổi vào ngày 13/9 - PV) thì ai sẽ là người giám hộ để chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cháu Bích cho đến khi cháu trưởng thành.  

Khoản 2 Điều 61 BLDS năm 2005 đã quy định: "Trong trường hợp không có anh, chị, em ruột hoặc anh, chị, em ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ, thì ông, bà nội, ông, bà ngoại là người giám hộ. Nếu không có ai trong số người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì làm người giám hộ".

Theo qui định tại khoản 2, 3 điều 58 Bộ luật Dân sự 2005 thì cháu bé thuộc trường hợp phải có người giám hộ. Do cháu đã mất cả cha lẫn mẹ, lại không có anh, chị ruột nên theo khoản 2 điều 61 Bộ luật Dân sự 2005 thì ông, bà nội, ngoại sẽ là người giám hộ đương nhiên của cháu.

Nếu đến thời điểm, không thể chăm sóc cho cháu thì ông bà có thể đề nghị để cháu cho người bác (anh ruột của bố hoặc mẹ) chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý khối tài sản của cháu. Theo qui định tại điểm a khoản 1 điều 70: "1. Người giám hộ được thay đổi trong các trường hợp sau đây: a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại điều 60 của Bộ luật này" và khoản 3 điều 60 Bộ luật Dân sự 2005 thì ông, bà nội có quyền yêu cầu thay đổi người giám hộ cho cháu.


Mới đây, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, Pháp y Bộ Công an đã tiến hành khám, giám định thương tích cho cháu Trịnh Ngọc Bích. Các giám định viên đã đo đạc, mô tả tất cả các vết thương trên cơ thể cháu Bích đồng thời đánh giá, tiên lượng di chứng, hậu quả lâu dài tới sức khỏe cháu Bích. Căn cứ theo bảng quy định tiêu chuẩn xếp hạng thương tích hiện nay, khả năng tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe của cháu Bích tương đối cao.

Theo một diễn biến khác của vụ cướp tiệm vàng, trước đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cùng với các quan chức năng cũng đã mở niêm phong, định giá số tang vật Lê Văn Luyện cướp được tại tiệm vàng Ngọc Bích. Kiểm đếm số tài sản, Hội đồng định giá xác định tổng số tang vật Lê Văn Luyện đã cướp là khoảng 20 lượng vàng 24K còn lại là vàng tây với tổng giá trị gần 1,3 tỷ đồng.

Người giám hộ có các quyền:

Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ; được thanh toán những chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.

Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.

Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

- Nghĩa vụ của người giám hộ:

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ 15 tuổi: Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ 15 tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi giống như nghĩa vụ của người giám hộ đối với người chưa đủ 15 tuổi, trừ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục…

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự: Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

(Theo GĐ&XH)


Văn Nguyễn (Tổng hợp)