Đã hơn 30 năm nay, bên quán nhỏ nằm im ắng trên đường Giảng Võ, ông Hậu vẫn kiên trì bày băng cassette - thứ đồ của những thập niên 1970, 1980 cho những người vẫn còn yêu sự hoài cổ.

TIN BÀI KHÁC

Mở quán cassette “hoành tráng” đầu tiên ở Hà Nội

Tình cờ bắt gặp quán bán băng đĩa cassette trên đường Giảng Võ, Hà Nội, thấy là lạ, vì giờ hầu như chẳng còn mấy cửa hàng bán mấy thứ thuộc dạng “cổ lỗ sĩ” này, tôi chợt dừng bước và ghé vào thử xem sao.

Thật bất ngờ khi ở Hà Nội vẫn còn tồn tại một cửa hàng như thế này, ngoài những băng cassette từ những thập kỉ 70, 80 là những chiếc máy cassette và những chiếc âm ly, loa phát nhạc cũng thuộc dạng “hoài cổ”.

Hỏi ra mới biết, đây là cửa hàng “băng đĩa nhạc” của một ông lão tóc bạc trắng, năm nay đã vượt qua cái tuổi ‘thấp thập cổ lai hy” tên là Nguyễn Đức Hậu, ông là người Hà Nội gốc sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghìn năm Thăng Long này.


Những chiếc băng casstte từ mấy chục năm về trước được bày bán trong quán của ông Hậu

Nhét chiếc băng nhạc guitar không lời vào trong chiếc máy cassette màu đen cũ kĩ, đã in hằn lên lớp vỏ nhiều vết xước của thời gian, vặn mức âm lượng nghe vừa phải ông Hậu quay ra cho tôi biết: “Ngoài các quán nhỏ, lẻ ra thì ở cái đất Hà Nội này, quán bán băng cassette do ông mở ra là quán “hẳn hoi” đầu tiên. Nhất là giai đoạn những năm cuối 80 đầu 90, thời đó đi vào các con phố của Hà Nội chẳng khó để tìm thấy những âm thanh đùng đục đặc trưng từ chiếc đài cassette xách tay của một ai đó vang vọng, len lỏi giữa cuộc sống thường nhật.”

Thời mới mở cửa hàng còn khó khăn, có bao nhiêu vốn liếng, ông Hậu đã dồn vào mua đài, băng cassette và đặc biệt là hai chiếc loa sắt nhãn hiệu Lo-D nặng đến gần 50kg, nên quán chưa xây cất được tử tế, mới chỉ căng bạt, dựng thành chiếc lều ở tạm. Ông Hậu vẫn còn nhớ như in “hồi đó cực lắm, thỉnh thoảng phải hôm cơn mưa to đổ xuống bất ngờ là cuống quýt hô hào hàng xóm xung quanh mỗi người giúp một tay để bê hết băng và máy móc vào chứ không dính tí nước mưa là vứt đi hết”.


Chiếc đài cassette một thời được ưa chuộng ở Hà Nội

Ấy thế nhưng vì chỗ ông có nhiều băng hay do ông cũng là người sành nhạc, lại thêm đôi loa cỡ lớn mở cả khu phố cùng nghe được nên khách hàng kéo đến rất đông. Nhiều người còn phải hẹn, đặt hàng rồi quay lại lấy chứ không cũng không kiếm được chiếc băng cassette như ý.

Những chiếc băng được bày bán ở cửa hàng được ông Hậu xếp ngay ngắn trên những kệ tủ, phân chia thành nhiều loại như: nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, cải lương, nhạc nước ngoài… phần lớn đó đều là những thị hiếu âm nhạc có từ mấy chục năm về trước với những cái tên như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Chế Linh, Quốc Hương rồi các nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, Modern talking…

Ông “Vua” băng casstte cuối cùng

Thoáng chốc đã hơn 30 năm kể từ ngày mở quán băng, đài cassette, mảnh đất Hà Nội đã thay đổi đến chóng mặt, những tòa nhà cao chọc trời thi nhau mọc lên như nấm, thế nhưng, nằm yên ắng ở một góc nhỏ của đường Giảng Võ, quán cassette ngày nào của ông Hậu vẫn y nguyên cái dáng vẻ cổ xưa.

Ông Hậu tâm sự: “Giờ xã hội thay đổi rồi, cũng ít người còn chơi cái món đồ cổ này nữa, các thanh niên giờ toàn nghe đĩa cd, vcd chứ làm gì còn nhớ đến cái băng dây, cái đài cassette”.


Một số người vẫn tìm đến cửa hàng của ông Hậu để mua băng nhạc cổ

Thật vậy, ngay cả bản thân tôi, dường như cũng đã lãng quên sự có mặt của những chiếc băng cassette nhỏ nhắn này, muốn nghe nhạc giờ đã có máy vi tính, máy nghe nhạc kỹ thuật số… chứ chẳng còn nhớ đến chiếc đài cassette to ục ịch, cổ lỗ sĩ từ đời nào nữa.
Nói như vậy nhưng cửa hàng ông vẫn có một lượng khách nhất định, đó là những người có tuổi, những người bạn chơi với ông đã mấy chục năm. Họ vẫn thường xuyên đến tìm mua và nhờ ông thâu cho những chiếc băng với các bài hát của thời xa xưa để về nghe.


Chiếc loa Lo - D bằng sắt rất hiếm còn sót lại

Đôi khi là những người khách nước ngoài, qua sự giới thiệu, tìm đến để mua về sưu tầm, làm quà trong những chuyến đi du lịch.

Lại có câu chuyện vui ông Hậu kể: “Có lần có cậu thanh niên tìm đến quán của ông nhờ thâu một loạt các bài hát vào chiếc đĩa cassette để tỏ tình với cô gái mà anh ta thầm yêu trộm nhớ vì biết cô nàng này có sở thích nghe và sưu tập băng cassette.

Bẵng đi một vài năm sau, có hôm đang ngồi ở cửa hàng, ông thấy có đôi vợ chồng dắt theo đứa con gái nhỏ bước vào. Còn mang theo quà biếu, hỏi ra mới biết chính là anh thanh niên ngày nào, nhờ ông thâu cho chiếc băng mà đã được lòng cô gái và giờ đã nên duyên sinh con đẻ cái.”

Trước khi tôi chào ra về, ông Hậu tâm sự rằng cũng chỉ mở cửa hàng nốt năm nay, vì tuổi đã cao, con cái cũng đã trưởng thành, ổn định hết rồi, không muốn thân già ngày nào cũng cặm cụi trông coi cửa hàng nữa. Ông sẽ dọn hết băng đĩa về nhà, thỉnh thoảng lôi ra nghe cho đỡ buồn, rồi lúc các ông bạn già đến, ai thích thì ông lại thâu tặng cho một chiếc băng casstte.

Tôi bỗng buột miệng hỏi “chắc ông cũng tiếc lắm nhỉ” khẽ hướng đôi mắt đầy vết chân chim ra xa xăm, ông khẽ thở dài “tiếc lắm chứ, mấy chục năm bán hàng ở quán này cơ mà, nó đã như một thói quen rồi, để bỏ đi khó lắm”.

Thật vậy, cái gì đã trở thành thói quen rồi thì khi mất đi người ta sẽ tiếc nuối và day dứt lắm. Ấy thế nhưng đó vốn là quy luật của cuộc sống, cái cũ mất đi sẽ có cái mới thay thế, chỉ tiếc cho một nét văn hóa xưa của Hà Nội sẽ lại chỉ còn trong ký ức.

(Theo Bưu điện Việt Nam)