Gặp ông Vũ Văn Quỳnh (SN 1944, ngụ số 20, phố Hồng Phúc), không ai dám tin đây là một công tử Hà Thành trong một gia đình khét tiếng giàu sang ngày xưa. Hàng chục năm nay, ông vẫn tung tăng chiếc xe đạp cũ mèm, không biết điện thoại di động hay bất cứ tiện nghi hiện đại là gì. Ông giáo nghèo này từng có nhiều lúc không một xu dính túi, dù đang sở hữu những món cổ vật gia đình để lại giá trị bạc tỉ.

TIN BÀI KHÁC


Gia tộc khét tiếng đất Hà Thành

Bà nội tôi làm nghề hàng xáo, giờ gọi là buôn bán gạo. Tôi nghe kể lại ngày xưa cụ cứ gánh thóc suốt 11 cây số từ Hà Đông lên tới chợ Đồng Xuân. Ông nội tôi mất khi bà mới 22 tuổi, bà ở vậy chăm chỉ tần tảo nuôi ba người con trưởng thành, được vua Khải Định trao bằng “tiết hạnh khả phong”, một tay bà buôn bán mà làm nên cơ nghiệp”, trong tầng áp mái ngôi nhà cổ có những đồ vật cũ kỹ, ông Quỳnh ôn lại.

Năm 1930, bà nội ông Quỳnh đưa các con đến ở căn nhà số 20 phố Hồng Phúc. Con phố này ngày ấy là phố buôn bán sầm uất ở ngay sát chợ Đồng Xuân, cả phố hầu như toàn thương nhân. Bà vừa một mình nuôi 3 con nhỏ, vừa bán buôn tần tảo mà tậu được một căn nhà ở quê Cự Đà, một nhà ở đường Yên Phụ, một căn nhà phố Hồng Phúc. Nhà nào cũng đều xây 3 tầng, mặt sàn rộng ngót nghét 200m2. Bố của ông Quỳnh là con trai duy nhất trong nhà nên được cho học hành đầy đủ từ nhỏ.


Việc buôn bán của gia đình lại được kế tục bởi người con dâu, mẹ của ông Quỳnh. Ông nhớ về quá khứ giàu sang: “Mẹ tôi cũng đi buôn gạo giống bà nội. Ngày nhỏ, tôi nhớ có những năm thóc cao gạo kém nhưng nhà tôi lúc nào gạo cũng chất cao đến tận nóc nhà. Mẹ tôi còn buôn ngô và có mấy cái máy dệt, thuê người về đứng máy.” Bố của ông có những lúc còn giàu đến mức đủ tiền để mở mỏ khai thác than ở Quảng Ninh. Thời ấy những nhà có điều kiện như thế ở Hà Nội chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Kể chuyện gia sản ngày xưa, lúc đầu ông Quỳnh có vẻ ngại. Người Hà Nội đã trải qua những năm tháng chiến tranh, những năm tháng cải cách ruộng đất ở quê... và có những lúc sự giàu bị coi như là một “cái tội”… Mãi sau ông mới mở lòng: “Có một nghịch lý về người giàu ở Hà Nội mà ít người biết. Người giàu ở Hà Nội hình như cũng đều gốc gác nghèo khó như nhà tôi nên họ cần kiệm lắm. Tôi còn nhớ ngày còn sống ông cụ nhà tôi chỉ dám một tuần lên phố Bát Đàn ăn phở sáng một lần, đứa con nào ngoan nhất thì được đi với cụ. Còn thì ăn cơm rang, cơm nguội ở nhà. Không có chuyện có tiền thì khuyếch trương vung vãi như ngày nay hay chiều chuộng con cái mua ô tô tiền tỷ, đi vũ trường uống rượu Tây như bây giờ”, ông nói

Quá khứ huy hoàng

Người giàu Hà Nội ngày xưa như lời ông Quỳnh thuật lại là sống giản dị. Thế nhưng người ngày xưa lại không tiếc đổ tiền của vào công đoạn thưởng thức nghệ thuật, như câu chuyện của bố ông Quỳnh sẵn sàng bỏ ra hàng chục cây vàng để mua một chậu hoa, một bức tranh hay một thứ đồ cổ. Mua không phải để bán đi kiếm lời, mà mua về để bài trí, ngắm nghía.

Khách đến thăm nhà ông Quỳnh, nếu không được giới thiệu thì chẳng ai dám nghĩ những đồ đạc cũ bài trí trong nhà thứ thì xỉn màu, thứ thì ố vàng, im lìm nằm bắt bụi thời gian trong ngôi nhà thiếu ánh sáng lại có giá… tiền tỷ. Chỉ mấy bức họa cổ vẽ hoa mai, vẽ ông Tô Vũ treo trên tường, ông Quỳnh bảo đây là tranh do ông cụ thân sinh mua ở “Ấu trĩ viên hội chợ” (Hội chợ tổ chức ở khu vực Cung thiếu nhi Hà Nội bây giờ). Những bức họa cũ ố vàng ngót nghét tuổi ông Quỳnh, trải bao thăng trầm, cả trăm năm nay vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ.

Hỏi ông Quỳnh sao giờ nhà chật chội, điều kiện kinh tế khó khăn, có khi trong túi không còn một xu dính túi mà không bán đi vài bức tranh lấy tiền tiêu xài, ông trả lời: “Có lúc người ta trả giá lên tới vài chục cây vàng một bức. Những đồ sứ như cái chóe chim trĩ kia, bộ chậu, đôn trồng hoa bằng sứ thời Thanh… cũng có người gạ mua với giá mấy cây vàng mỗi thứ. Có những lúc xiêu lòng, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy ngày xưa các cụ quý hóa những món đồ đó thế, giờ mình lại phải giáo dục con cháu giữ lại các bảo vật này để nhớ về ông bà tổ tiên. Nhiều người biết chuyện đó bảo tôi gàn, nhưng tôi quyết là nhất định không bán".

Ngồi lặng người trong ngôi nhà thâm trầm giữa phố cổ Hà Nội, ông lão gần 70 tuổi trầm ngâm nhớ lại chuyện ngày xưa. Những ký ức về tuổi thơ trong nhung lụa cứ lần lượt hiện về. Chuyện thú ăn chơi tao nhã, những cái Tết ngày ấy, ông thông gia trong nhà năm nào cũng cứ đúng 23 tháng Chạp là mang một nhành lan đến biếu. Năm nào cũng thế, cứ thấy hoa lan đến nhà là sắp Tết. Rồi cả những củ thủy tiên được người cha gọt, hãm để nở hoa đúng 30 Tết, hoa nở trắng muốt, thơm ngào ngạt…
Ngày nhỏ, nhà ông Quỳnh có 7 anh em thì có 7 vú em, ai cũng được cưng như trứng mỏng. Mỗi người đến tuổi đi học đều được sắm cho xe đạp để đi, dù chiếc xe đạp ngày ấy có giá trị ngang bằng với cả một chiếc ô tô bây giờ. Mùa hè, hàng triệu người dân Hà Nội chỉ có vài gia đình có điều kiện đi ô tô xuống Đồ Sơn, Hạ Long tắm biển. Gia đình ông cũng trong số đó. Thế nhưng “ai giàu ba họ ai khó ba đời”, cuộc sống huy hoàng của dòng tộc khét tiếng giàu sang này rồi cũng qua đi…

“Ai giàu ba họ..?”

Những sóng gió của thời cuộc khiến cho việc buôn bán của gia đình ông sa sút đi nhiều. Đến những năm 1960, những căn nhà rộng hàng trăm mét vuông mặt phố cũng không còn nữa, gia đình ông Quỳnh có 7 người chỉ còn được ở trong 28m2 ở căn nhà cũ.

Hàng chục năm trôi qua, vẫn ở lại căn nhà chật chội, vị công tử Hà Thành ngày xưa nay dường như đã thuộc từng vết nứt trên tường. Bố mẹ đều lần lượt qua đời, giờ đây ông ở với gia đình người em trai áp út và người em trai út. Vẫn gần 10 người ở trong căn hộ chật hẹp, gia cảnh ông đều khó khăn. Người em trai áp út bị bệnh tiểu đường đã biến chứng, không thể tự lo các sinh hoạt cá nhân, hàng ngày ông Quỳnh phải phụ giúp việc chăm sóc. Người em út sinh ra khi gia đình đã khó khăn, học hành không tới nơi tới chốn nên công việc không ổn định.

Ông Quỳnh sau gần 40 năm làm nghề gõ đầu trẻ, nay ở tuổi xế chiều vẫn cô đơn lẻ bóng. Ông vui với việc đi dạy, tối về đọc sách, vẽ tranh biếm họa gửi cho một số tòa soạn báo… Rồi số phận run rủi, ông tình cờ gặp được một cô giáo dạy tiếng Anh, quê gốc Tây Ninh trong một lần cô ra Hà Nội công tác. Mối tình kẻ Bắc người Nam cho ông 2 người con, nhưng dường như cũng do số phận, ông vẫn không thể rời ngôi nhà cũ để vào TP HCM chung sống cùng vợ và hai con. Gặp ông trước khi lên đường vào Nam, ông cười vui vẻ: “Bạn bè cùng thời với tôi có nhiều người sang nước ngoài, cũng có người ra đi và thành đạt hơn mình nhiều. Bao nhiêu lần tôi đã dọn dẹp đồ đạc định đi, nhưng rồi tôi thấy cuộc đời mình đã gắn với căn nhà, dãy phố này, không thể rời bỏ mà đi được”.

Chuyện đời giàu sang ngày xưa với ông Quỳnh, nay có lẽ như chuyện phù du, đôi khi nhắc lại chỉ là để nhớ về ông bà, tổ tiên, dòng tộc chứ “ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời”. Đêm đêm nằm trong căn phòng áp mái, những hoài niệm về Hà Nội, những biến thiên của phố cổ, người xưa, chuyện cũ lại vọng về trong ông để thêm yêu Hà Nội, thêm gắn bó với những bảo vật cha mẹ mình để lại, chấp nhận làm một ông giáo nghèo có lúc không tiền dù sống giữa những đồ vật tiền tỷ.

(Theo Pháp luật và Thời đại)