Ngày 17/10, gia đình ông Tiệp đã đóng 500 triệu đồng tiền quỹ cho UBND tỉnh Bình Thuận để thực hiện việc khoan thăm dò tìm kho báu 4.000 tấn vàng dưới núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

TIN BÀI KHÁC


"Sáng nay, gia đình tôi đã chuyển khoản cho tỉnh Bình Thuận 500 triệu đồng tiền ký quỹ", ông Trần Phương Hồng, con ông Trần Văn Tiệp (96 tuổi, ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết trên VnExpress. Ông Hồng cho biết trên báo này, dự kiến phải qua Tết Nguyên đán mới có thể bắt đầu các công việc thăm dò kho báu, vì hiện nay trời còn mưa và gia đình cũng mới bắt đầu ký hợp đồng với các đơn vị thăm dò.

Ngày 10/10, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp phép tìm kho báu núi Tàu cho ông Tiệp. Theo quyết định này, ông Tiệp sẽ có 270 ngày (kể từ ngày 10/10/2011) để tiến hành thăm dò kho báu núi Tàu và không được gia hạn thêm, đồng thời phải ký quỹ 500 triệu đồng để tái lấp mặt bằng sau khi thăm dò (trong trường hợp không tìm thấy "kho báu"). Ông Tiệp sẽ được thăm dò trên diện tích 2.400m2, với 5 vị trí khoan, mỗi vị trí khoan sâu tối đa 35m.

Ông Trần Văn Tiệp và tập hồ sơ "kho báu" núi Tàu (Ảnh: Thanh niên)

Ông Trần Văn Tiệp đã dành hơn nửa đời người theo đuổi việc tìm kiếm kho báu này. Giấc mộng đi tìm kho báu của ông bắt đầu từ khi ông tình cờ được vợ một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật tiết lộ về kho báu núi Tàu. Ông Tiệp tin rằng có không dưới 4.000 tấn vàng cùng các châu báu khác đã được phát xít Nhật chôn giấu ở núi Tàu. Tại đây, ông Tiệp đã tìm kiếm được một thanh gươm cùng với vỏ bao gươm của Nhật đã cũ; đồng tiền 10.000 Yên; một ống điếu bằng kim loại đã vỡ một phần; hai phù hiệu Hắc Long bằng kim loại... Những "báu vật" này, theo ông Tiệp, là vật chứng thể hiện kho vàng vẫn quanh quẩn đâu đây.

Các cổ vật mà ông Trần Văn Tiệp đã tìm được trên đỉnh núi Tàu trong những lần thăm dò từ năm 1993-2003 (Ảnh: Tuổi trẻ)

Năm 1993, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp giấy phép cho ông Tiệp được “tìm kiếm kim loại” tại núi Tàu. Khi đó, ông Tiệp đã thuê cả kĩ sư lẫn nhà ngoại cảm “dốc sức” cho chiến dịch tìm kho báu. Theo báo Tuổi trẻ, năm 1993, ông Tiệp từng thế chấp căn nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển để vay 700 triệu đồng đổ vào núi Tàu. Chỉ riêng thời điểm năm 1993, số tiền mà ông Tiệp dồn vào kho báu đã không dưới 2 tỉ đồng theo thời giá lúc đó, cùng hàng loạt cuộc thăm dò tốn kém kéo dài sau đó.

Tháng 9/2010, ông Tiệp thuê Công ty cổ phần Thiết bị địa vật lý chế tạo tại Hà Nội tiến hành khảo sát tại núi Tàu bằng máy đo từ trường và máy đo điện đa cực. Ông Tiệp cũng đã cung cấp bản đồ kho vàng, gia phả, các hiện vật, hình ảnh và các thông số kỹ thuật từ kết quả đo và phân tích bằng máy đo từ trường. Đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh Bình Thuận một lần nữa cấp phép tìm kho báu cho ông Tiệp.

Hiện ông Tiệp đã chuẩn bị nhân lực và tiền bạc sẵn sàng cho việc khai thác "kho báu". Trên báo Thanh niên, ông Tiệp cho biết, ngoài số tiền, vàng đã bỏ ra nhiều năm nay để tìm kho báu, tiền ký quỹ, ông đã chuẩn bị xong 3 tỷ để thuê máy móc, trả lương nhân công. “Nếu thời tiết thuận lợi thì tôi chỉ cần mất từ 3-5 tháng là lấy sạch đủ 4 kho báu, với hơn 4.000 tấn vàng”, ông Tiệp quả quyết trên báo này.

Trong trường hợp tìm thấy kho báu và kho báu đó có giá trị trên 10 tỷ đồng thì ông Tiệp sẽ được hưởng 0,5% giá trị (Theo ước tínhkho vàng này có tổng giá trị khoảng 100 tỷ USD). Tuy nhiên vì quyết định thăm dò do UBND tỉnh Bình Thuận cấp nên mức thưởng tối đa mà cấp tỉnh có thể thưởng nếu ông Tiệp tìm được kho báu cũng chỉ không quá 200 triệu đồng (theo nghị định 96/2009/NĐ-CP).

Trước thông tin trên đã có không ít người băn khoăn, ông Tiệp đã mất bao thời gian, công sức, tiền bạc, mà chỉ được nhận một số tiền ít ỏi như vậy thì không xứng. Tuy nhiên, ông Tiệp cho biết: “Tôi tìm kho báu là vì không muốn một khối tài sản quá lớn đang nằm trên đất nước mình bị quên lãng, chứ không phải tìm vì vì vụ lợi", ông Tiệp chia sẻ trên Tuổi trẻ.

Thu Hằng (Tổng hợp)