- Tuyến bài lớp 1 - thạc sĩ đã hoàn thành với tiêu chí đặt ra ban đầu là phản ánh việc trẻ em Việt Nam đi học quá vất vả, còn thạc sĩ lại học hành "dật dờ". Nội dung  bài viết, ý kiến đánh giá của các chuyên gia, đặc biệt sự phản hồi tích cực từ độc giả cũng chỉ với mong muốn góp tiếng nói sao cho giáo dục nước nhà có sự đổi thay chất lượng.

Bắt đầu từ tiểu học?

Bài toán đổi mới giáo dục không phải bây giờ mới đặt ra mà ít nhất từ 3 năm trước, khi Bộ GD-ĐT đưa ra bản dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008-2020 (dù lúc đó Chiến lược giai đoạn 2001-2010 chưa kết thúc - PV). Đến nay, đã có hơn chục lần dự thảo và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đang được trình lên Chính phủ.

"Vẫn biết các cháu vất vả học tập nhiều hơn những người học thạc sĩ nhưng sao vẫn không thể yên tâm để con ở nhà khi đa phần các bạn trong lớp đều đi học thêm"... (Ảnh minh họa: Bích Ngọc)

Mặc dù vậy, trong khi chờ sự phê chuẩn của cấp trên thì ngành giáo dục cũng đã có một số động thái để thay đổi. Điều đó cho thấy, những bất cập của giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã thấy rõ. Mới đây nhất, trước sức ép của dư luận về việc quá tải đối với học sinh tiểu học, ngay từ đầu năm học Bộ đã ban hành bộ giảm tải. Trước đó, cũng để giảm tải, bớt học chữ, ngành giáo dục cũng đưa lồng ghép các chương trình gọi là kỹ năng sống vào trong các nhà trường. Rồi phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" với mục tiêu” "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"...

Nhưng xem ra, những việc làm đó chưa được nhân dân, xã hội ủng hộ khi ngày ngày trẻ vẫn phải học quần quật, học cả ngày ở trường, sau giờ học lại tiếp tục theo bố mẹ toả đi khắp nơi trong thành phố để học thêm.

Trao đổi với PV VietNamNet, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thẳng thắn, chính vì phụ huynh lo lắng cho con em mình nên bắt học nhiều quá. Thực ra, không cần thiết phải như vậy, học ở trường là đủ rồi. Cái đầu tiên làm cho các em giảm tải là xuất phát từ gia đình. Cha mẹ các em phải đồng lòng, chấm dứt cơ bản việc dạy thêm học thêm, không có học thêm gì ở bậc tiểu học cả. 

Về thực trạng này, bạn đọc Thế Anh chia sẻ trên VietNamNet: "Vẫn biết các cháu vất vả học tập nhiều hơn những người học thạc sĩ nhưng sao vẫn không thể yên tâm để con ở nhà khi đa phần các bạn trong lớp đều đi học thêm. Tôi cố "liều mạng" để con tự học ở nhà xem sao, rốt cuộc cháu vẫn theo kịp bạn vẫn đứng trong tốp 5 bạn giỏi trong lớp. Thế nhưng vẫn thấp thỏm không yên, vì nhà nhà cho con học thêm kia mà, nhìn mà nóng hết cả ruột. Tôi không biết phải làm sao cho đúng?".

Thạc sĩ "vỡ vụn"

Trong khi bài toán ở bậc tiểu học vẫn lùng nhùng chưa có cách giải quyết triệt để, thấu đáo thì quá trình đi tìm hiểu viết bài về bậc học thạc sĩ - cầu nối để lên được bậc học cao nhất của giáo dục VN là tiến sĩ - cũng "vỡ vụn" với bao bất cập.

Bài tổng hợp "Đẻ xong là có bằng thạc sĩ, tiến sĩ" đã phần nào phản ánh chân thực về việc dạy và học thạc sĩ của nước ta. Đọc bài viết này, một độc giả chia sẻ: "Mang danh là thạc sĩ một trường danh tiếng của cả nước, lại là trường đào tạo về giáo dục, nhưng tôi thất vọng vô cùng. Trước khi thi nào là tích cực ôn tập, nhưng kết cục chỉ cần học lớp ôn của nhà trường tổ chức. Học xong thì xin giới hạn để thi, nếu có vấn đề gì thì nhờ phòng đào tạo trợ giúp. Thế là đỗ. Trong quá trình học cũng đâu cần phải học nhiều. Đóng quỹ lớp, học xong môn nào lại xin giới hạn... Mấy anh chị quản lý của phòng đào tạo cũng vô cùng tạo điều kiện để cho chúng tớ xem sách vở thả ga. Đến khi làm luận văn, tóm mấy cuốn luận văn cũ chép... chép và chép. Các thầy có đọc đâu! Các thầy chỉ đọc tóm tắt là đủ. Điểm bảo vệ vô tư mà trên 9. Cao học cao tiền. Bằng của quốc gia mà kiến thức chẳng được bao nhiêu".

Tuy cũng có ý kiến phản biện lại rằng, "chỗ tôi học thạc sĩ nghiêm túc", nhưng phần đông đều cho rằng, học thạc sĩ "qua loa" và "thong dong" là thực tế. Thực trạng này, Bộ GD-ĐT khẳng định là biết. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, sắp tới, trong Luật giáo dục ĐH sẽ quy định chương trình đào tạo đi theo 2 hướng: Nghiên cứu và chuyên nghiệp và ông tin tưởng khi phân chia rõ ràng, rạch ròi thì sẽ không còn chuyện nể nang nhau nữa.

Ông Ga cũng cho biết thêm, hiện nay Trường ĐH Bách khoa HN đang thí điểm, nhưng mới được 3-4 năm nên chưa đủ cơ sở để kiểm nghiệm. Vậy nên, khi được hỏi khi nào có thể triển khai đại trà đào tạo theo hướng này thì ông Ga cũng ngậm ngùi trả lời chưa thể biết được đến khi nào (?)

Bí mật hành động đổi mới toàn diện

Giáo dục ĐH hiện giờ vẫn còn đang lùm xùm trong việc tuyển sinh với các trường ngoài công lập khi phần đông chỉ tuyển được khoảng 20% chỉ tiêu, thậm chí, vẫn tiếp diễn chuyện ngành học mở ra mà không ai vào học.

Đây chính là hệ quả của việc mở trường ĐH vô tội vạ. Trong 2 năm 2006-2007, trung bình mỗi năm có 20 trường được thành lập, còn từ năm 2008 đến nay, trung bình 11 trường/năm, kể cả trường được nâng cấp từ CĐ. Những con số thông kê trên cho thấy xu hướng số trường ĐH được thành lập có giảm. Nhưng cũng có thể thấy rằng, trường ĐH chỉ có xuất hiện nhưng không có “biến mất”. Trong thực tế, có trường mang danh ĐH nhưng lơ thơ chỉ 2-3 ngành học.


 
Vấn đề giáo dục ở Việt Nam hiện nay là: Bắt đầu giải quyết từ đâu và ai có đủ khả năng giải quyết được vấn đề này? (Ảnh tuyển sinh năm 2011: Bích Ngọc)

Việc Nam Định, trước đó là Đà Nẵng rồi gần đây là Hải Dương nói "không" với sinh viên tại chức, ngoài công lập đã dấy lên sự tranh cãi, phân biệt đối xử. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Tất Tiệp khẳng định, xuất phát từ thực tế chất lượng cán bộ tốt nghiệp những hệ đào tạo này không đảm bảo.

Có ý kiến cho rằng, các trường ĐH không có chất lượng sẽ tự đào thải. Xin thưa, việc tự đào thải đó sẽ tốn công, tốn của, tốn sức của bao nhiêu phụ huynh, SV khi mỗi năm ghi danh vào trường ĐH kém chất lượng để học tập, để sau đó một thời gian mới chợt bừng tỉnh rằng: À, trường này kém chất lượng. Nghĩa là SV phải “dấn thân” vào học tập một thời gian, và tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Lúc này, lại đặt lại vấn đề về kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo của các trường ĐH từ phía các cơ quan chủ quản.

Nhìn lại thực tế của giáo dục phổ thông, với kết quả thi tốt nghiệp được cho là thực chất lại không hẳn như vậy khi quá nhiều người và xã hội hoài nghi vì chưa thấy có lời giải thoả đáng về các con số tăng đột biến. Và đang chờ đợi tỷ lệ của năm tiếp theo với mong mỏi đừng chạm ngưỡng 100% (?!)

Nghị quyết ĐH Đảng 11 đã nói rõ, thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục VN từ mầm non đến  tiến sĩ, thay đổi tận gốc rễ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ đang xây dựng chương trình hành động để thực hiện nghị quyết như giảm tải, phần cứng phần mềm, thi cử,... sẽ được nghiên cứu cẩn thận và "không thể nào nói ngay được". Kế hoạch hành động của Đổi mới giáo dục toàn diện hiện chưa được tiết lộ, ngoài việc Thứ trưởng “tiết lộ”: "Đừng ai cho con đi học thêm".

Vấn đề giáo dục ở Việt Nam hiện nay là: Chúng ta phải giải quyết nó như thế nào? Bắt đầu giải quyết từ đâu và ai có đủ khả năng giải quyết được vấn đề này?

Đó là câu hỏi mà chúng ta chưa có câu trả lời!

Bảo Anh


“Đừng ai cho con em đi học thêm nữa”
Trả lời về việc học sinh tiểu học phải bò ra “cày chữ” trong khi thạc sĩ lại ung dung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, cách học ở đại học rất khác so với phổ thông.
 
Đẻ xong là có bằng thạc sĩ, tiến sĩ
Sau khi loạt bài phản ánh hiện trạng học lớp 1 và đào tạo thạc sĩ ở Việt Nam được đăng tải,  nhiều ý kiến cho rằng vẫn tồn tại nghịch lý như hiện nay tất cả là do bệnh thành tích.
 
Những thạc sĩ có "mũ" nhưng đầu rỗng
Việc học và thi ở bậc cao học ở một số trường hiện nay khá nhàn nhã, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
 
Trẻ vỡ lòng tối mắt, thạc sĩ lại “vểnh râu”
Một nghịch lý lạ lùng: Học vỡ lòng phải học ngày học đêm mới mong theo kịp chương trình, trong khi học thạc sĩ, tiến sĩ lại phởn phơ “học mà chơi, chơi mà học”. 
 
Mẹ thạc sĩ xót xa cảnh con lớp 1
Đây là tâm sự của một bà mẹ ở quận Đống Đa, Hà Nội, hiện đang là học viên cao học đồng thời có con trai vừa bước chân vào lớp 1 cách đây chưa đầy 2 tháng.
 
Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?
Để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.
 
Lối nào cho trẻ lớp 1 không mang cặp tới trường?
Học sinh tiểu học chạy đua với chương trình và gồng mình thi với học. Còn học viên sau đại học thì đang học theo kiểu “dật dờ”, chiếu lệ.
 
Phụ huynh 'tố' trường 'chèo kéo' trẻ học thêm?
Sau khi VietNamNet đăng tải loạt bài lớp 1 - thạc sĩ, rất nhiều phụ huynh đã mạnh dạn “điểm danh” các trường học đang “yêu cầu” học sinh tiểu học học thêm, dù là theo cách tự nguyện. 
 
Nghịch lý ở Việt Nam hay ở Mỹ?
Ở Mỹ, nếu cuối năm trẻ học lớp một tuyên bố thích đi học, đó chính là thành công của giáo viên trong cả năm.