– Vấp phải sự phản đối kịch liệt của các fan hâm mộ, game  online “bôi nhọ” Uyên Linh và các thành viên Vietnam Idol 2010 sau một vài ngày xuất hiện đã nhanh chóng bị gỡ bỏ.

TIN BÀI KHÁC

Ngay sau khi chương trình Vietnam Idol 2010 xướng tên Uyên Linh trong đêm công bố kết quả thần tượng âm nhạc Việt Nam, trang web trochoiviet đã nhanh tay “múc” luôn tên Uyên Linh để đặt tên cho một loại game mới hot không kém “Em muốn làm Uyên Linh”.


Hình ảnh và danh dự của các nhân vật tham gia Vietnam Idol 2010 bị đem ra sử dụng một cách tùy tiện trong game "Em muốn làm Uyên Linh".

Người chơi khi tham gia game “Em muốn làm Uyên Linh” sẽ được tùy hứng lựa chọn 5 “đối thủ” trong danh sách 10 người để “chiến đấu”. “Đối thủ” sẽ bị loại khi bị ném trúng 6 quả “trứng thối” liên tiếp vào mặt.

Điều đáng nói là cả 10 “đối thủ” trên đều là những gương mặt nổi tiếng tham gia Vietnam Idol như nhạc sĩ Quốc Trung, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà báo Diễm Quỳnh, ca sĩ Siu Black, MC Phan Anh, Văn Mai Hương, Lều Phương Anh, Anh Khoa, Đức Anh… Vì lẽ đó, game này đang bị các fan của những người nổi tiếng lên án thậm tệ. Họ cho rằng thần tượng của họ đang bị “bôi nhọ” một cách không thương tiếc.

Khi được hỏi về hoạt động quản lý game online, trên ĐS&PL, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng cục Quản lý PTTH và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng “Game "Em muốn làm Uyên Linh" là game Flash, mà hiện nay loại game này được quyền đưa lên mà không cần phải qua quá trình kiểm duyệt. Nếu muốn kiểm duyệt loại game này chúng ta cần phải làm lại từ khâu phân loại các hình thức của game”.


Uyên Linh và thành viên Vietnam Idol có thể khởi kiện theo luật dân sự

Trong khi trên thực tế các tiêu chí phân loại game online ở Việt Nam hiện vẫn còn đang rất mù mờ và nhiều tranh cãi, thậm chí chỉ có “giá trị tham khảo” thì việc rà soát và kiểm duyệt game trên e là cần thời gian, ông Hải chia sẻ.

Trên thế giới, bất cứ công việc kinh doanh nào liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của các sao đều phải được xin phép thông qua các hợp đồng khai thác hình ảnh. Nhưng ở Việt Nam việc này là hơi khó vì các nhà kinh doanh luôn mặc định “người của công chúng” tức là của chung và có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Tuy vậy trong những nhân vật xuất hiện trong game cảm thấy bức xúc thì vẫn hoàn toàn có thể khởi kiện theo Luật Dân sự.

Trước đó, tại Việt Nam cũng đã từng xuất hiện một vài game có cách chơi tương tự như “Ném giày tổng thống Bush”, “Ném trứng trùm khủng bố Binladen”… Tuy nhiên hầu hết những game này đều có xuất xứ từ nước ngoài.

Việc Công ty trò chơi Việt cho ra đời game “Em muốn làm Uyên Linh” và sử dụng tùy tiện hình ảnh “người của công chúng” cũng như xúc phạm đến danh dự của những người này để kiếm tiền được cho là một hoạt động kinh doanh không lành mạnh ngay cả khi nó dùng để giải trí.

Điều 31 Bộ Luật Dân sự
Quy định Quyền của cá nhân đối với hình ảnh  
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp  người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.


Minh Anh