Quan hệ thầy trò từ lâu đã rất được đề cao, chú trọng trong văn hóa của người Việt với đạo lý: "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Tuy nhiên, thời nay, quan hệ này đã có nhiều đổi thay và có phần biến dạng bởi "văn hóa phong bì".

TIN BÀI KHÁC

Muốn con hay chữ phải đưa phong bì?

Người xưa quan niệm: “Muốn sang phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Nghề dạy học vốn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Ngày 20/11 là dịp để người Việt thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Ngày nay, nhiều phụ huynh và cả một bộ phận thầy cô đã đong đếm tình yêu, sự kính trọng này bằng một cách thực dụng hơn - là văn hóa "phong bì". Cứ đến ngày 20/11, trên rất nhiều diễn đàn, người ta lại bàn đến chuyện đi “phong bì” thầy cô. Nhiều phụ huynh còn “rỉ tai” nhau cách “đi” phong bì sao cho khéo. Thậm chí trên một số diễn đàn, không ít sinh viên còn công khai “định giá” phong bì đối với từng thầy cô của mình. Ai quan trọng, dạy nhiều môn thì đi nhiều, ai dạy môn phụ thì đi ít... Dần dà đối với học sinh, sinh viên, quà cáp và phong bì trở thành thước đo tình cảm, thể hiện sự phân biệt đối với chính người dạy dỗ mình.


Phong bì, quà cáp đang dần làm méo mó quan hệ thầy - trò (Ảnh: Lao động)

Nguyễn Tiến T., sinh viên năm 2 một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội cho biết, gần đến ngày 20/11 cán sự lớp của T. đã đứng ra thu mỗi sinh viên 100.000 để biếu thầy cô. Nhưng đó là “phần chung” còn sau đó, các sinh viên “mạnh ai nấy làm”, muốn điểm cao vào cuối kỳ ở một số môn nào đó, sinh viên lại phải có thêm “phần riêng” để đi thầy, cô. Thậm chí, gần đến ngày này nhiều sinh viên khóa dưới còn nháo nhác gọi điện cho các anh chị khóa trên hoặc các cựu sinh viên để nhờ tư vấn, thầy này bao nhiêu? Cô kia từng nào? Dường như mỗi thầy, cô giáo có tiếng đều đã được sinh viên “định giá”. T. kể, thế mới có chuyện ở một môn học, kết quả thi cuối kỳ của lớp T. đã được chia rõ rệt thành 2 bên. Một bên đã “có phong bì” và bên kia là “chưa phong bì’, điểm số hoàn toàn chênh lệch nhau.

Ngân Thương, học sinh một trường cấp 3 có tiếng ở TP Vinh, cũng đã phải nếm mùi “không có phong bì”. Ngân cho biết, 3 năm em đều học một cô chủ nhiệm. Năm đầu bố mẹ em có đi thầy rất “chu đáo” vào dịp 20/11 nên thầy chiếu cố Ngân nhiều hơn trong việc học hành. Nhưng năm sau vào dịp lễ này bố mẹ em đi vắng nên không có khoản quà cáp cho thầy thì sự quan tâm của thầy dành cho Ngân khác biệt hẳn. Chính những hành vi thiếu trong sáng của người thầy này, nhiều thế hệ học sinh sau khi ra trường đã không ngần ngại tặng cho thầy biệt danh là: thầy T. “đô la”

Ai tiếp tay cho nạn phong bì ngày 20/11?

Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh có một thành viên đã kể một câu chuyện khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Câu chuyện về một phụ huynh có con học ở bậc tiểu học. Một buổi tối kiểm tra vở học của con, chị đã rất bất ngờ khi thấy một mẩu giấy nhỏ ghi vẻn vẹn: “Mai là ngày sinh nhật của cô”.

Hay một cô giáo cấp 2 gần đến ngày 20/11 đã nhiệt tình ghi địa chỉ nhà của mình lên cho các học sinh chép vào vở. Chị L.A (Láng Hạ, Hà Nội) còn lắc đầu nhăn mặt khi kể chuyện cô con gái của chị đi học về hớn hở nhắc mẹ: “Cô giáo dặn dịp nghỉ lễ 2/9 có đi dã ngoại với gia đình thì nhớ mua quà cho cô”. Những thầy, cô giáo trên chỉ là một bộ phận nhỏ, là con sâu làm rầu nồi canh, tuy nhiên họ đã làm xấu đi mối quan hệ trong sáng của thầy – trò ngày nay.


Hạnh phúc của những người thầy chân chính là luôn được học trò nhớ tới (Ảnh minh họa, Nguồn: Đất Việt)

Cũng không ít trường hợp, chính phụ huynh và học sinh đã chủ động dùng phong bì để “ép” thầy cô nhận. Trên diễn đàn, một thành viên có nickname Topi kể rằng, cứ đến ngày 20/11, dịp lễ tết… ba của anh vốn là một giảng viên đại học đã phải tắt điện thoại, sang nhà bạn chơi để “trốn” phong bì, xin điểm. Anh còn kể, nhiều sinh viên không gặp được thầy đã túc trực ở nhà thầy từ sáng đến trưa, ngồi mãi không chịu về chỉ để ép thầy nhận phong bì. Chính vì vậy ba của Topi đã không bao giờ dám cho sinh viên địa chỉ nhà riêng nữa.

Không chỉ sinh viên chơi nước cờ “lỳ” mà nhiều phụ huynh cũng rất chịu khó làm phiền thầy, cô. Đưa phong bì đến nhà thầy, cô bị chối từ, nhiều phụ huynh còn bỏ luôn vào trong tập vở của con rồi xui con mang lên nộp bài tập cho cô. Một phụ huynh khác còn nhấn mạnh: “Quà gì thì quà phải đề tên cẩn thận không cô nhớ nhầm sang đứa khác thì thành công cốc”.

Phó giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh, Hà Nội trong một bài phỏng vấn đã chia sẻ: “Chuyện các phụ huynh đưa những món quà có giá trị hay số tiền trong phong bì đến nhà cô chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng là biểu hiện lệch lạc, không phù hợp với truyền thống. Vì con đang học, người mà tặng quà lớn như thế rõ ràng có ý xin xỏ”.

GS, TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương cũng chia sẻ trên Quân đội nhân dân: “Tôi không hiểu sao ngày nay các mối quan hệ thường bị biến thành quà. Cái đó rất đáng ngại. Cho nên, trong nhiều lần phát biểu về vấn đề có nên vận hành nhà trường theo cơ chế thị trường không, tôi đều nói rằng chừng nào các quan hệ biến hết thành tiền thì sẽ mất hết ý nghĩa của trường học, chừng nào học trò nghĩ rằng đến với thầy giáo bằng tiền, tôi vẫn gọi là thầy giáo có thể “mua” được, thì lúc ấy thầy giáo không còn là thầy giáo nữa".

Lê Minh