- Gần đây, liên tiếp những người vi phạm luật lệ giao thông thường tự xưng là cháu những vị quan chức cấp cao như cháu "chú Nhanh", cháu Phó Thủ tướng, … nhằm được giải quyết cho qua. Vì sao lại liên tiếp có những hành động như vậy? Theo Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hoà Bình, đó chính là thói, hình thức tiểu nông cố hữu của người Việt Nam.

TIN BÀI KHÁC

Liên tiếp lợi dụng tên tuổi quan chức

Ngày 13/12, chiếc BMW X6 màu đen, chở 4 người trên xe đi từ hướng Âu Cơ - đường Thanh Niên không có BKS, bị Tổ công tác Y4/141 CAHN yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ, Nguyễn Thanh Quang (SN 1984), ở 793 Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tỏ thái độ thách thức với cảnh sát và tự xưng là họ hàng với Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, khi Tổ công tác hỏi quan hệ thân thiết với Ban giám đốc Công an thành phố như thế nào, thì đôi nam nữ này đùng đùng bỏ đi nơi khác, với lý do… bận họp. Cuối cùng, Quang cũng phải ký vào biên bản vi phạm luật giao thông và chiếc xe mới toanh cũng bị tạm giữ.

Đối tượng Nguyễn Thanh Quang tự xưng là cháu tướng Nhanh ký vào biên bản vi phạm. (Ảnh: VietNamNet)

Trước đó, khoảng 21h30 ngày 17/11 tại nút giao thông Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc. Tổ công tác Y4/141 CATPHN đang làm nhiệm vụ thì phát hiện một trường hợp không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe máy 30X - 8487. Trong lúc đang lập biên bản vi phạm đối với chủ xe Nguyễn Văn Hoàn (28 tuổi, ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) thì đối tượng đi cùng xe là Trịnh Ngọc Tú (31 tuổi, trú tại khu tập thể Kim Liên, Đống Đa) đã có những lời lẽ xúc phạm tổ công tác. Không những thế, Tú còn tự xưng là cháu Tướng Nhanh và lao vào tát mạnh Trung úy Nguyễn Cao Thắng rồi bỏ chạy.

Đêm 22/8, đối tượng Nguyễn Chí Linh (17 tuổi, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) cũng đã có hành vi "chống đối người thi hành công vụ", thậm chí khi được hỏi, đối tượng còn hung hăng thách thức cảnh sát và mạo danh "Làm sao! Tôi là cháu chú Nhanh đây!" (tức Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, GĐ Công an Hà Nội).

Không dừng lại ở đó, mức độ mạo xưng còn được đẩy lên đến cấp Phó Thủ tướng. Vụ việc diễn ra đầu tháng 11/2011, chiếc xe BMW màu trắng, BKS 29A-070.98, tại nút giao thông Lê Thái Tổ - Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị tổ công tác Y5/141 phát hiện có nhiều nghi vấn nên đã bắt dừng xe để kiểm tra.

Khi tiến hành kiểm tra hình sự, tổ công tác phát hiện một khẩu súng Vantel màu đen, loại của Đức sản xuất đặt trên hộc đựng đồ, cạnh cần số. Chủ xe ngay sau đó đã dọa cảnh sát sẽ gọi cho Phó thủ tướng. Tuy nhiên, khi bị còng tay, đối tượng hù “dọa” đã phải khai tên là Lê Thanh Bình (SN 1985) và không xuất trình được giấy phép sử dụng súng.

Một người làm quan cả họ đuợc nhờ

Những người vi phạm luật lệ giao thông liên tiếp tự xưng có quan hệ họ hàng với quan chức cấp cao để được “nhẹ tay” hơn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Vì sao?

Chia sẻ với VietNamNet, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng, đó chính là văn hóa tiểu nông cố hữu của người Việt Nam. Theo ông, không phải ngẫu nhiên mà mới đây, tại Hội nghị Triển khai trật tự an toàn giao thông quốc gia năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang kiến nghị Chính phủ quy định nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, cán bộ, viên chức không được phép can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông.

Tư duy làng xã của người Việt Nam có từ lâu đời, người này biết người kia và cuối cùng biết nhau hết… Các cụ ngày xưa thường có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, chính với tâm lý đó, khi một người gặp khó khăn, người ta sẽ cố tìm cho được một nơi để nhờ cậy.

Bản thân những người này không phải là không có tiền để nộp phạt mà quan trọng hơn, họ thích oai, thích kể với người này người kia mình bị bắt ở chỗ A gọi cho ông B thì những người thi hành công vụ sợ nên tha….Bộ phận khác là con em “anh hùng” thấy thế cũng hùa theo, cũng sĩ diện có khi là mạo danh quen ông A, bà B.

Thêm vào đó, một vài người thi hành công vụ: nể nang, sợ hãi nên họ đành coi sự việc nặng thì thành nhẹ, mà nhẹ thì thành không có gì.

Và từ đó dẫn tới câu chuyện là hù doạ lẫn nhau, người này mượn danh của người kia. Người thi hành công vụ thì thấy rằng thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, không nên cà khịa với sếp với ô của người thân sếp…dung túng cho đi qua dần chở thành thói quen, biến thành một tâm lý lây lan lớn trong cộng đồng.

Để không còn chuyện cứ vi phạm giao thông “mượn oai hổ để nhát khỉ”, “giải cứu binh nhì” như vậy nữa, theo TS Trịnh Hoà Bình thì tinh thần coi trọng luật pháp, tính minh bạch công khai phải được thực hiện triệt để. Dẫu là con em họ hàng của quan chức trong ngành, quan chức cấp cao thì cứ vi phạm phải tuân theo người thi hành công vụ, phải nộp phạt - TS Trịnh Hoà Bình nhấn mạnh.

Mẫn Chi