Sau khi có thông tin xăng pha acetone là nguyên nhân gây cháy xe, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã tiến hành thu thập mẫu xăng để kiểm tra.

TIN BÀI KHÁC


Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết trước một số thông tin xăng bị pha acetone có khả năng là nguyên nhân gây cháy nổ xe, đơn vị đã cho thu thập các mẫu xăng và đang kiểm tra xem có bất thường gì không- thông tin trên Pháp luật TPHCM.

Vị lãnh đạo này cho biết xăng đang được tiêu thụ trên thị trường gồm hai nguồn: sản xuất tại Nhà máy Dung Quất và nhập khẩu theo đường chính ngạch. Cả hai nguồn cho đến giờ đều được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, có thể sau khi đưa vào lưu thông, mua bán trên thị trường, một số cá nhân hám lợi đã pha chế xăng kém chất lượng vào.


Trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cháy nổ xe gần đây thì chiều qua (28/12), khoảng 14h trên đường Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) chiếc xe Attila Elizabeth đang lưu thông lại bốc cháy (Ảnh: Dân trí)

Gần đây, liên tiếp các vụ cháy xe ô tô và xe máy xảy ra trên khắp cả nước. Cho tới giờ, vẫn chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra về nguyên nhân các vụ cháy nổ.

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Ô tô và Thiết bị động lực TPHCM, TS ngành động cơ đốt trong) cho biết trên báo Người lao động: Ở góc độ kỹ thuật, có thể khẳng định những yếu tố gây cháy, nổ xe máy khi đang vận chuyển là do tia lửa điện trên khung sườn xe đã đốt cháy xăng rò rỉ ra ngoài đường ống dẫn của hệ thống cung cấp xăng cho động cơ. Vì sao có tia lửa điện phát ra trên khung sườn xe? Đó là vì hệ thống đánh lửa trên xe máy sử dụng hệ thống điện một chiều và khung sườn xe là cực âm. Chỉ cần dây dẫn nối với cực dương của hệ thống điện bị hở là có tia lửa điện phóng ra.

Còn thành viên Funny _ man đã có một bài phân tích khá công phu trên Webtretho, thành viên này cho rằng xăng pha aceton là nguyên nhân dẫn đến cháy xe hàng loạt. Thành viên này cho rằng, acetone là dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm. Nếu tác động liên tục và ở tốc độ cao (hàm lượng acetone cao) thì sẽ làm các gioăng này bị hỏng và acetone rò rỉ ra ngoài. Vì acetone có tỷ trọng nặng hơn không khí nên bay thấp ở dưới mặt đất. Acetone lại có khả năng bắt cháy cao nên nếu tiếp cận nguồn nhiệt (do động cơ nóng, do các tia lửa điện từ động cơ, do ma sát, do gần các nguồn nhiệt khác từ môi trường...) nên bắt cháy và cháy ngược lại chỗ nguồn rò rỉ dẫn tới cháy nổ.

Trong khi dư luận vẫn có hai luồng ý kiến trái chiều, người thì cho rằng nguyên nhân cháy nổ xe gần đây là do lỗi của nhà sản xuất, số còn lại thì cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ việc xăng “có vấn đề”. Trong khi sự việc chưa ngã ngũ, cơ quan chức năng vẫn đang đi tìm nguyên nhân thì người dân chỉ còn biết trông chờ vào vận may khi hàng ngày phải sống chung với “tử thần” không báo trước.

Mẫn Chi (tổng hợp)