- Tuần nghỉ Tết Tân Mão, người dân miền Bắc được hưởng một đợt nắng ấm trên diện rộng. Theo các chuyên gia khí tượng, trạng thái thời tiết nắng ấm trên diện rộng ở miền Bắc còn duy trì đến tận 11-12/2 (khoảng 9-10 Tết), sau đó bắt đầu có không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt tại miền Bắc thay đổi. Tuy nhiên, sẽ không còn rét đậm, rét hại kéo dài như đợt tháng 1 vừa qua.


Tiết trời ấm áp rất thuận lợi để người dân tham gia vui chơi trong các hoạt động hội hè, đình đám trong ngày xuân.

Đúng 12 giờ đêm ngày 2/2/2011, những quả pháo hoa đầu tiên được bắn lên trời, báo hiệu đất nước bước sang một mùa Xuân mới. Hàng trăm quả pháo hoa thi nhau đua sắc sáng rực bầu trời càng làm cho không khí trở lên tưng bừng, đầm ấm hơn.

Tưng bừng các hoạt động du xuân

Tết đến là dịp các gia đình đoàn tụ, là khoảng lặng cho cả một năm vất vả, bộn bề nên ngay từ những ngày đầu năm người người đã nô nức tham gia trảy hội xuân.

Tục xin chữ từ xa xưa đã được xem là nét đẹp không thể thiếu trong ngày đầu xuân. Cùng với tục khai bút đầu năm, thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền là một nét đẹp mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Người đến xin chữ mang theo tâm niệm xin may mắn, bình an, phúc thọ đầy nhà và cầu một năm tài lộc.

 
Tục xin chữ đầu năm là một nét đẹp không thể thiếu trong những ngày đầu xuân (Ảnh: Thanh Niên)

Tại phố “Ông Đồ” (phố Văn Miếu, Hà Nội) ngay từ những ngày mồng 2 Tết đã tấp nập người đến xin chữ. Giờ người dân không đơn thuần chỉ xin chữ Lộc, Tài, Tâm…mà còn xin chữ Hưng. Điều đó đồng nghĩa mọi người đã không chỉ đơn thuần mong thịnh vượng cho bản thân, gia đình mà còn mong hưng thịnh cho đất nước.

Bên cạnh tục xin và cho chữ, trong những ngày đầu năm, người Việt ở khắp nơi đều thành tâm lên chùa xin lộc. Tại những ngôi chùa lớn như Phúc Khánh, Bia Bà, Quán Thánh, Quán Sứ… (Hà Nội), chùa Phổ Quang, Vĩnh Nghiêm, Giác Lâm… (TP.HCM), chùa Phật tích (Bắc Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh)… ngay từ sau giờ phút giao thừa, rất đông người dân đã đổ dồn về đây đi lễ bất chấp cảnh bon chen và chặt chém.

Vào dịp Tết đến, xuân về, không gian trò chơi truyền thống cũng là một nét văn hóa không thể thiếu của cộng đồng Việt. Trong khi người dân các dân tộc thiểu số say sưa với những vũ điệu nhảy múa sặc sỡ sắc màu, cùng đánh đu, đánh đáo, chơi quay, ném còn… thì người dân thành phố tìm về với cội nguồn truyền thống qua không gian của các bảo tàng.

Ngay từ những ngày mồng 4 Tết, Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) đã mở cửa, tổ chức chương trình “Vui xuân Tân Mão” để người dân thủ đô có dịp tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc gắn với Tết truyền thống của người dân các dân tộc.

Thời tiết thuận lợi nên rất nhiều ngư dân TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên đã bắt đầu ra quân câu cá ngừ đại dương. Trong ngày đầu đã có hơn 10 tàu đăng ký xuất bến.

Bà con ngư dân miền biển ở Quảng Ngãi cũng đã làm lễ “xuất quân”, vươn ra khơi xa đánh bắt sản vật. Được đi biển là niềm hạnh phúc của đời ngư dân. Hơn thế, nếu đi biển mà ra tới tận Hoàng Sa, Trường Sa thì đối với ngư dân Quảng Ngãi không gì sướng bằng. Năm 2011, ngư dân Quảng Ngãi đặt quyết tâm: bám biển!

"Mình sống ở biển không làm biển thì làm gì. Năm Tân Mão này tôi cũng quyết bám biển, quyết bám ngư trường Hoàng Sa mưu sinh" - ngư dân Trần Sơn, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu nói.

Ngày mùng 5 Tết, tại Gò Đống Đa (quận Đống Đa , Hà Nội) đã diễn ra lễ hội kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Từ sáng sớm, hàng chục đoàn rước đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tề tựu đông đủ cùng hàng nghìn người dân tham gia lễ hội tưởng nhớ vị vua, người anh hùng dân tộc Quang Trung (Nguyễn Huệ) đã đánh tan hơn 2 vạn quân Thanh xâm lược, giữ yên bờ cõi, mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam ngay từ mùng 1 Tết.

Anh Tuấn Anh (hướng dẫn viên du lịch Công ty TNHH một thành viên Du lịch Lào Cai) cho biết, vài năm trở lại đây, người Trung Quốc sang Việt Nam ăn Tết khá đông. Có đến hàng nghìn lượt khách du lịch sang Việt Nam trong những ngày nghỉ Tết.Tết Tân Mão này,  thời tiết Việt Nam đẹp nên càng thu hút du khách Trung Quốc”

Tết “xa xỉ” của những người không được về nhà

Khi Tết đến, mọi người được quây quần cùng gia đình, nhưng đối với các anh cảnh sát hình sự, những ngày Tết lại là những ngày vất vả hơn cả để bảo vệ bình yên cho nhân dân vui đón Tết.

Trung tá Đặng Hữu Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, anh đã 26 năm trong nghề và cũng ngần ấy năm anh đón giao thừa ở đơn vị.

Thượng tá Đào Thanh Hải, Phó phòng PC 45, Công an Hà Nội chia sẻ: “Trực Tết là lẽ đương nhiên rồi, và vợ con thì cũng đành gác lại và phải quen dần chứ biết làm sao”. 

Tết đến nhưng bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, Bệnh viện Xanh Pôn,… vẫn còn không ít người nhà bệnh nhân phải nằm chầu trực ở ngoài hành lang, trên các ghế đá vì không còn đủ chỗ trong các phòng bệnh.

 
Nhiều bệnh nhân nghèo phải ở lại nhà lưu trú trong dịp Tết tại BV Bạch Mai.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều giường bệnh phải có đến từ 2 – 3 cháu nằm. Đối lập hoàn toàn với không khí tấp nập bên ngoài khi người người, nhà nhà đi sắm sửa cho năm mới, thì tại bất kỳ nơi nào trong bệnh viện người ta cũng chỉ thấy một khung cảnh thật nặng nề. Những khuôn mặt còn hằn in nguyên vẹn nỗi lo lắng về bệnh tật của người nhà và bệnh nhân, không biết bao giờ mới qua khỏi.

Chị Tạ Thị Sáu (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đưa chồng đi chạy thận, ngậm ngùi cho hay: “Nhà tôi bị suy thận cũng khá lâu, ở quê chữa mãi không khỏi, phải lên trên này chạy thận. Một tuần 3 lần, cả tháng cả tiền ăn ở và chữa trị hết gần 10 triệu. Cũng phải chạy vạy, vay chỗ nọ, chỗ kia thôi. Tết này cũng không dám về, bệnh này để lâu sẽ tích nước, có thể chuyển sang suy tim. Nên đành phải ở lại bệnh viện. Nhà nông, cũng chẳng khá giả gì nên không biết đến bao giờ mới có tiền chữa khỏi bệnh. Cứ cố được tí nào thì hay tí ấy”.

Câu nói thở dài, không tìm thấy một chút hi vọng mong chồng khỏi bệnh của cô Sáu, buông thõng cũng chính là tâm lý chung của rất nhiều bệnh nhân nghèo ở nơi đây. “Cuộc chiến” dài với bệnh tật khiến cho Tết đã trở thành một điều quá xa xỉ đối với họ.

Thị trường giá cả “nhảy múa”

Nắm bắt được tâm lý của người dân trong và sau Tết, hầu hết các mặt hàng thực phẩm như thịt, rau xanh đều nhích giá lên từng ngày. Nỗi lo tăng giá liên tục đè nặng lên vai người tiêu dùng bởi nhiều người dự đoán, sau Tết giá cả còn tiếp tục nhảy vọt vì xăng dầu có thể tăng bất cứ lúc nào.

Người tiêu dùng luôn thấp thỏm vì lo giá cả sẽ “nhảy múa” sau Tết (Ảnh: VietNamNet)

Bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết, nhiều cửa hàng xăng dầu tại nhiều nơi đã bắt đầu thực hiện chính sách “gom hàng” chờ tăng giá (Theo chủ trương của Nhà nước mặt hàng xăng dầu sẽ được kiềm giá đến hết Tết Nguyên đán). Dù có đến 3-4 cột xăng để vận hành nhưng các cửa hàng chỉ kiên quyết cho một cột hoạt động với lý do “các cột kia hoạt động quá công suất nên phải tạm nghỉ”.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người dân kéo nhau đi mua sắm khiến nhiều siêu thị bị quá tải. Bắt đầu từ ngày mồng 4 Tết (6/2), hầu hết các chợ ở TP.HCM đã bắt đầu buôn bán trở lại. Tuy nhiên, sức mua tại các chợ đều không cao. Các quầy, sạp hàng đều đầy ắp hàng nhưng người mua lác đác. Hầu hết người mua dồn vào các siêu thị hoặc các cửa hàng bình ổn để có thể mua hàng với mức giá hợp với túi tiền.

Siêu thị Co.op Mart và Big C ở TP.HCM mở cửa sớm nên rất đông người tìm đến. Tuy nhiên, do chưa bố trí đủ nhân viên, chỉ có một hai quầy thu tiền không đáp ứng được lượng khách quá đông gây ra ùn ứ tại quầy thu ngân khiến người mua bức xúc.

Những mặt hàng được người dân tìm mua chủ yếu là rau, củ quả, trái cây; những mặt hàng tươi sống như thịt heo, thịt gà.

Theo các tiểu thương do hàng chưa nhiều với lại nguồn hàng còn mang không khí Tết nên giá vẫn chưa ổn định.

Ngoài ra, hoa cúng cũng là mặt hàng được nhiều người quan tâm. Giá hoa đã hạ khá nhiều so với hôm 30 Tết.

Ngày Tết, nắm bắt tâm lí hội hè của du khách, nhiều bãi giữ xe tại các điểm du lịch, đền chùa đã đồng loạt tăng giá, thu gấp 8 – 10 lần giá ngày thường.

Giao thông tương đối thuận lợi

Tuần nghỉ Tết, không hiếm gặp hình ảnh những người không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3 lạng lách trên đường. Việc vi phạm luật giao thông diễn ra ở đủ mọi tầng lớp, mọi giới. Lực lượng chức năng Hà Nội đã xử phạt 627 trường hợp đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trong các ngày từ 30, mùng 1, mùng 2 Tết. 

Nhìn chung, tình hình giao thông trong dịp Tết Tân Mão tương đối thuận lợi. Các lực lượng chức năng đã phối hợp và có sự chuẩn bị kĩ càng để người dân thuận tiện trong tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, do lưu lượng người tham gia giao thông vào ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ quá đông nên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Đặc biệt, trong ngày mùng 5 Tết – ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết, rất nhiều người dân từ các tỉnh miền Tây đổ về hướng TP.HCM để đi làm lại sau tết khiến nhiều khu vực cầu hẹp trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, bị kẹt cứng. Lực lượng cảnh sát giao thông đã điều tiết cho ô tô từ quốc lộ 1A rẽ phải vào ngã ba Đông Hòa theo đường tỉnh 867, sau đó đi theo đường tỉnh 864 rồi tiếp tục ra ngã tư Đồng Tâm vào đường cao tốc (hoặc quốc lộ 1A).

 

 
Dòng người và xe cộ nối đuôi nhau trên quốc lộ 1A (Tuổi Trẻ TP HCM

Tại miền Bắc, dòng người đổ về Hà Nội đã làm cho các ngả đường hướng TP. Hà Nội trở nên kẹt cứng. Khu vực bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, bến xe nước ngầm, bến xe Lương Yên, tiến độ tham gia giao thông rất chậm do lưu lượng tham gia giao thông quá lớn. Hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên, người đi làm đổ về Hà Nội cùng lúc khiến giao thông bị quá tải.

Tết năm nay, một vụ tai nạn giao thông đường sắt kinh hoàng đã xảy ra vào đêm mùng 4 tết (ngày 6/2) tại khu vực cầu Ghềnh, giáp ranh giữa phường Bửu Hoà và xã Hiệp Hoà thuộc TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Vụ tai nạn làm 2 người tử vong tại chỗ và 26 người bị thương.
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, từ 30 Tết đến mùng 5 Tết Nguyên đán, toàn quốc đã xảy ra 373 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 288 người chết và 359 người khác bị thương. 

Anh Ngọc – Thúy Hạnh