Sự tranh giành quyền lực chính trị - trong đối nội cũng như đối ngoại - dường như chỉ là một biến cố lịch sử, xảy ra cùng thời với các chính quyền độc tài và sẽ biến mất khi chế độ độc tài chấm dứt.
>> Cuộc tranh giành quyền lực giữa các "nhóm lợi ích"
>>Khi quyền lực chính trị nhường chỗ cho quyền lực quân sự
Sự suy yếu mà quyền lực thể hiện trong bối cảnh quốc tế xuất phát từ hai căn nguyên. Một là các triết lý về quan hệ quốc tế chiếm ưu thế trong suốt thời kỳ hòa bình của thế kỉ XIX và vẫn giữ vai trò thống trị trong hầu hết suy nghĩ của chúng ta đối với các vấn đề về ngoại giao. Căn nguyên còn lại chính là các bối cảnh chính trị và tri thức đặc biệt giúp định hình mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới.
Sự suy yếu của chính trị quyền lực trong thế kỷ XIX xảy ra bởi chính diễn biến của tình hình trong nước. Đặc điểm đặc thù của tình hình này nằm ở việc giới quý tộc chiếm ưu thế thống trị đối với tầng lớp trung lưu. Bằng việc đồng nhất ưu thế thống trị này với mọi sự thống trị về chính trị khác, triết lý chính trị của thế kỉ XIX đã coi việc chống đối sự thống trị của giai cấp quý tộc như là sự thù nghịch với mọi hình thái chính trị.
Sau chiến thắng đối với tầng lớp quý tộc, tầng lớp trung lưu đã xây dựng nên một hệ thống cai trị gián tiếp. Họ thay thế sự phân chia (xã hội) truyền thống thành giai cấp thống trị và bị trị, cũng như các biện pháp quân sự mang xu hướng bạo lực mở vốn là đặc điểm của chế độ cầm quyền quý tộc, bằng chuỗi lệ thuộc về kinh tế vô hình. Hệ thống kinh tế này diễn ra thông qua một mạng lưới các nguyên tắc pháp lý có vẻ như bình đẳng vốn làm ẩn đi sự tồn tại của quan hệ quyền lực.
Thế kỉ XIX hầu như không có khả năng nhận thức được bản chất chính trị của những mối quan hệ được hợp pháp hóa này. Cho đến nay, chúng có vẻ như căn bản khác biệt so với những thứ đã diễn ra trong lĩnh vực chính trị. Do vậy, chính trị dưới dạng quý tộc, nghĩa là mang hình thức bạo lực mở, đã được đồng nhất với chính trị đúng nghĩa. Vì vậy, sự tranh giành quyền lực chính trị - trong đối nội cũng như đối ngoại - dường như chỉ là một biến cố lịch sử, xảy ra cùng thời với các chính quyền độc tài và sẽ biến mất khi chế độ độc tài chấm dứt.
Việc đồng nhất chính trị quyền lực với chính quyền của giới quý tộc được hậu thuẫn bởi trường hợp của Mỹ. Có thể thấy điều này bắt nguồn từ 3 nhân tố chính trong trường hợp của Mỹ, bao gồm: sự độc nhất của kinh nghiệm nước Mỹ, vị trí biệt lập của lục địa Mỹ tách khỏi trung tâm xung đột của thế giới trong suốt thế kỉ XIX, và hệ tư tưởng chính trị hòa bình nhân đạo và chống đế quốc của Mỹ.
Thực tế rằng sự cắt đứt liên hệ hiến định với vương triều Anh có ý nghĩa biểu thị sự khởi đầu một chính sách đối ngoại Hoa Kỳ khác biệt với những gì được gọi là chính sách đối ngoại ở Châu Âu đã được đề cập rõ ràng trong “Diễn văn từ biệt của Washington”.
“Châu Âu có một tập hợp các lợi ích cốt lõi, và họ không có lợi ích nào như vậy đối với chúng ta, hoặc chỉ là một mối liên hệ lỏng lẻo. Do vậy, châu Âu hẳn nhiên vướng vào các cuộc tranh cãi thường xuyên, mà nguyên nhân của những tranh cãi ấy cơ bản xa lạ với các mối quan tâm của chúng ta. Do đó, hẳn là không sáng suốt khi chúng ta tự ràng buộc mình thông qua các mối liên kết giả tạo vào sự thăng trầm thường thấy trong chính trị châu Âu, hoặc vào sự kết giao hoặc xung đột thường thấy giữa các mối quan hệ bạn bè hoặc thù địch của họ.”
Vào năm 1796, chính trị Châu Âu và chính trị quyền lực là một; không hề có thứ chính trị quyền lực nào khác ngoài thứ chính trị quyền lực giữa các vua chúa châu Âu. “Sự cùng cực trong các tham vọng, các mối quan hệ ganh đua, quyền lợi, trạng thái hoặc tính bất ổn của Châu Âu” đều chính là biểu hiện duy nhất của tranh đấu quyền lực quốc tế trước con mắt Hoa Kỳ. Sự rút lui khỏi nền chính trị châu Âu, như Washington đề cập, do đó có thể được xem như là sự rút lui khỏi chính trị quyền lực.
Nhưng việc tách biệt của Mỹ khỏi truyền thống chính trị quyền lực châu Âu không chỉ là một chương trình chính trị. Bên cạnh một số ngoại lệ xảy ra không thường xuyên, việc tách biệt này là một thực tế chính trị được xác lập cho đến cuối thế kỷ XIX. Hiện thực này là kết quả của các quyết định có cân nhắc cùng với những điều kiện khách quan về mặt địa lý.
Những học giả nổi tiếng dường như nhìn thấy ở sự độc nhất vô nhị của vị trí địa lý Hoa Kỳ một bàn tay của Chúa vốn định sẵn con đường bành trướng cũng như biệt lập của Hoa Kỳ. Nhưng những nhà quan sát có trách nhiệm hơn từ thời Washington trở đi đã cân nhắc kĩ lưỡng hơn khi nhấn mạnh sự kết hợp của các yếu tố địa lý cũng như một chính sách đối ngoại lựa chọn các mục tiêu của mình dựa trên các điều kiện địa lý, và sử dụng những điều kiện địa lý để đạt được những mục tiêu đó.
Washington nhắc tới “tình trạng cách biệt và xa xôi của chúng ta” và đặt câu hỏi: “Tại sao lại từ bỏ lợi thế của một điều kiện hết sức đặc biệt như vậy?” Khi giai đoạn này trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ sắp kết thúc, John Bright đã viết cho Alfred Love: “Trên lãnh thổ của các ông, chúng tôi hy vọng hàng triệu người lớn lên sẽ không biết gì về chiến tranh. Không ai có thể tấn công được các ông; và các ông cũng lo sợ né tránh việc bị dính líu đến các xung đột của các quốc gia khác.” [13]
Từ bờ biển lục địa Bắc Mỹ, các công dân của tân thế giới quan sát cảnh tượng kì lạ của cuộc tranh giành quyền lực quốc tế diễn ra từ xa phía Châu Âu, châu Phi và châu Á. Vì trong quãng thời gian hòa bình của thế kỉ XIX, chính sách đối ngoại của họ cho phép họ tiếp tục đóng vai trò là những người quan sát, những gì thật ra là kết quả của ánh sao băng lịch sử trôi qua lại trở thành một điều kiện vĩnh viễn, tự quyết cũng như tự nhiên đối với người Mỹ. Trong trường hợp tệ nhất, họ sẽ tiếp tục quan sát cuộc chơi chính trị quyền lực của những người khác. Còn trường hợp tốt nhất là sắp tới giai đoạn khi dân chủ được thiết lập ở mọi nơi, lúc đó bức màn cuối cùng sẽ hạ xuống và trò chơi chính trị quyền lực sẽ không còn diễn ra nữa.
Hỗ trợ cho việc đạt được mục tiêu này được coi như là một phần nhiệm vụ quốc gia của Hoa Kỳ. Trong suốt chiều dài lịch sử, vận mệnh quốc gia của Hoa Kỳ được hiểu là nhằm chống lại chiến tranh và theo đuổi tự do. Khi nhiệm vụ quốc gia đó được thể hiện dưới một công thức không xâm lược, không can thiệp như trong triết lý chính trị của John C. Calhoun, thì nó được xem như là một hình thức nhân rộng tự do trong nước.
Do vậy, chúng ta có thể “thực hiện nhiều hơn để nhân rộng tự do bằng hình mẫu của chúng ta đối với lục địa này và toàn thế giới nói chung, hơn là thông qua hàng ngàn thắng lợi (quân sự)”. Sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, khi Mỹ dường như đã gạt bỏ lý tưởng dân chủ và chống đế quốc này, William Graham Sumner đã nhắc lại bản chất của nó “Sự bành trướng và chủ nghĩa đế quốc là một sự tấn công lớn vào chế độ dân chủ… Sự bành trướng và chủ nghĩa đế quốc đang lâm chiến với những truyền thống, nguyên tắc và lợi ích tốt nhất của người Mỹ.”[14]
So sánh xu hướng của chính trị quyền lực châu Âu với những lý tưởng của truyền thống Mỹ, Sumner đồng ý với Washington rằng chúng không tương thích. Nhưng, như một nhà tiên tri, ông nhìn thấy rằng với sự kết túc của chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, Mỹ sẽ can dự một cách không thể thoái lui khỏi xu hướng tương tự như những gì đang nhấn chìm châu Âu trong cách mạng và chiến tranh.
Do đó quan niệm thông thường mà thế kỉ XIX đã xây dựng về bản chất của ngoại giao quốc tế đã kết hợp với những nhân tố đặc biệt trong lịch sử Hoa Kỳ để tạo nên một niềm tin rằng sự can dự vào chính trị quyền lực không phải là không thể tránh khỏi mà chỉ là những tai nạn lịch sử, và rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn giữa chính trị quyền lực với các dạng thức chính sách đối ngoại khác vốn không bị ảnh hưởng bởi sự đam mê quyền lực.
Biên dịch: Võ Hoàng Phương Nhung; Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài được đăng lại từ Nghiencuuquocte.net
--------------------------
Chú thích:
[13] Merli Curti, Peace and War; The American Struggle 1636 – 1936 (New York, W. W. Norton and Company, 1936), p.122.
[14] “The Conquest of the United States by Spain,” Essays of William Graham Sumner (New Haven: Yale University Press, 1940) II, 295.