Ngày 27/9 vừa qua (theo giờ Mỹ), tại New York đã diễn ra một sự kiện được coi là "có tính chất lịch sử" trong mối quan hệ đã gián đoạn 34 năm nay giữa Mỹ và Iran. Đó là cuộc điện đàm trực tiếp kéo dài 15 phút giữa tổng thống hai nước.

>> Tương lai cho Syria đã được quyết định?

>> Putin đang đu trên dây

"Cuộc điện đàm lịch sử"

Báo chí Iran ngày 29/9 đưa tin, tổng thống Hassan Rouhani nói: Ngay trước khi ông rời Iran sang Mỹ, phía Mỹ đã tỏ ý định về "một cuộc gặp thoáng qua". Tuy nhiên, Rouhani đã từ chối với lý do "thời gian không cho phép".

Về cuộc điện đàm trực tiếp, tổng thống Iran cho biết, khi ông chuẩn bị rời sân bay New York thì nhận được điện thoại từ Nhà Trắng bày tỏ ý muốn nói chuyện của TT Mỹ. "Khi đã ở trong ô tô, tôi nhận được cú điện thoại thứ hai, và đó là TT Obama. Cuộc nói chuyện tập trung vào vấn đề nguyên tử".

Rouhani còn nói với Obama: Căng thẳng giữa 2 nước đã kéo dài 60 năm rồi, cần có một khung làm việc hiệu quả để giải quyết. Ông cũng nói với TT Mỹ là cần phải đẩy nhanh đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình nguyên tử của Iran.

Về phía Mỹ, Nhà Trắng nói: "Phía Mỹ biết rằng TT Iran muốn nói chuyện với TT Mỹ trước khi rời New York, bởi thế, chúng tôi bố trí cuộc điện đàm này". Còn từ Washington, TT Obama cũng nhận định về cuộc điện đàm: "Tôi tin là chúng tôi có khả năng tiến tới một giải pháp toàn diện".

"Chúng tôi biết rằng có những thách thức trước mặt. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai TT của hai nước kể từ 1979 đến nay, điều đó thể hiện mức độ không tin cậy giữa hai nước. Nhưng điều đó cũng cho thấy có thể tiến lên phía trước từ lịch sử gian nan này" - người đứng đầu Nhà Trắng cho hay.

{keywords}

Hai nhà lãnh đạo đứng đầu Iran và Mỹ. Ảnh: Fox News

Phản ứng trái chiều

Việc TT Rouhani từ chối "một cuộc gặp thoáng qua" với TT Obama bên lề khoá họp Đại hội đồng Liên hợp quốc được phe bảo thủ Iran hồ hởi đón nhận, coi đó là "giữ khoảng cách cần thiết" với TT Mỹ. Các báo bảo thủ và các diễn giả tại các giáo đường ngày thứ sáu (27/9) đều ca ngợi lập trường này của Rouhani.

Tuy nhiên, khi được tin có cuộc điện đàm trực tiếp, những người cởi mở hoan nghênh, trong khi những người bảo thủ lại khó chịu và tìm cách lý giải theo hướng "Mỹ phải quỵ luỵ Iran" vì "vị thế của Iran đang lên".

Chủ tịch uỷ ban An ninh quốc gia và đối ngoại của Hội đồng Shoura (quốc hội) Iran - Alaeddin Boroujerdi, nói: "Cú điện đàm này chứng tỏ Iran có vị thế quan trọng to lớn trên thế giới. Việc TT Mỹ phải nhất quyết thực hiện cuộc điện đàm này chứng thực điều đó".

Khi Rouhani về tới sân bay quốc tế Teheran ngày 28/9, đông đảo dân chúng hân hoan chào đón ông sau khi nghe tin "cuộc điện đàm lịch sử".

Đây là cuộc điện đàm chấm dứt 34 năm gián đoạn quan hệ trực tiếp giữa nguyên thủ quốc gia 2 nước.

Ngược lại, khoảng 100 người bảo thủ cũng có mặt tại sân bay để tỏ thái độ phản đối Rouhani. Họ hô khẩu hiệu "Mỹ chết đi", "Israel chết đi". Rủa "chết" là một trong những những lời nguyền rủa độc địa nhất của người Hồi giáo! Thậm chí, có người còn ném trứng và đá vào xe của Rouhani trên đường từ sân bay về thành phố.

Sau khi trở về nước, Rouhani cùng nội các của ông, nhất là ngoại trưởng Javad Zarif, phải nỗ lực đương đầu với hai công việc khó khăn cùng lúc: Phải làm sao giữ nhiệt cho những thành tựu đã đạt được trong thời gian công cán tại New York. Đồng thời, phải ứng phó với những phê phán quyết liệt từ một bộ phận bảo thủ vẫn giữ vị thế rất quan trọng trong chính trường và có ảnh hưởng to lớn trong xã hội.

Ngày 1/10, ngoại trưởng Zarif bị triệu tới Quốc hội để giải thích về các hoạt động tại LHQ cũng như về cuộc điện đàm.

Đáng chú ý, theo báo chí Iran, tướng Mohammad Ali Jafari, tư lệnh của Vệ binh cách mạng, cho rằng TT Rouhani "đã phạm sai lầm chiến thuật" khi tiếp nhận cuộc điện đàm. Phản ứng của Vệ binh cách mạng rất phải dè chừng, bởi lực lượng này có vị thế chẳng khác gì "một quốc gia trong một quốc gia" tại Iran.

Jafari phân tích, Iran đang ở thế mạnh, đáng lẽ Rouhani không nên nhận một cuộc điện thoại như thế, mà phải chờ đến khi Mỹ có những hành động cụ thể hơn muốn cải thiện quan hệ hai nước. Theo ông này, chính Mỹ đang ở thế yếu, rất muốn tiếp cận TT Iran bằng gặp trực tiếp hay nói qua điện thoại.

Tuy nhiên, dường như xu hướng cởi mở với quốc tế, bắt đầu từ Mỹ mà bản thân TT Rouhani đang nỗ lực thể hiện vẫn được sự tán đồng rộng rãi trong xã hội Iran.

Giáo chủ Mohammad Taghi Rahbar lý giải với truyền thông ngày 28/9, rằng những lời nguyền rủa "Mỹ chết đi, Israel chết đi" không phải là kinh Quran, và rằng, "nay nếu quan hệ với Mỹ tốt lên, thì khẩu hiệu cũng có thể thay đổi".

Sadegh Zibakalam, nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Iran, nhận định: Những người ủng hộ sự thù địch với Mỹ không còn khả năng ngăn chặn xu hướng cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia. Nhiệm vụ của những người bảo thủ đã trở nên khó khăn hơn. Họ không còn khả năng thuyết phục xã hội Iran rằng thù địch với Mỹ là điều cần thiết. Tuy nhiên, lực lượng chống lại đường lối đối ngoại cởi mở với Mỹ vẫn còn mạnh cả trong các định chế nhà nước và giáo quyền.

Về những kết quả đã đạt được trong chuyến công du của TT Rouhani đến Liên hợp quốc vừa qua, thứ trưởng phụ trách các vấn đề pháp luật và quốc tế của bộ ngoại giao Iran- Abbas Iraqji khẳng định trong một thông cáo báo chí ngày 28/9, rằng thành công lớn nhất chính là cuộc điện đàm trực tiếp giữa Rouhani với Obama.

Ông này nhấn mạnh: "Đây chỉ là thành công bước đầu, nhưng là bước đầu rất đúng đắn và sáng suốt".

Còn trên thị trường, giá trị đồng Rial của Iran so với USD đã tăng 2% ngay sau cuộc điện đàm lịch sử này.

Nguyễn Ngọc Hùng

Bài cùng tác giả:

Obama bị Putin "xỏ mũi"?

Nhiều bài bình luận trên các báo lớn của Arab mô tả Obama như một lãnh tụ không quyết đoán, thậm chí “bị Putin xỏ mũi” (!). Nhưng TT Mỹ có cớ để hành động như vậy.

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam