Mặc dù chủ nghĩa độc tài dầu mỏ không đại diện cho mối đe doạ to lớn về mặt tư tưởng và chiến lược đối với phương Tây, nhưng tác động lâu dài của nó cũng có khả năng phá vỡ sự ổn định của thế giới.

>>"Lời nguyền" dầu mỏ

>>Lãnh đạo "lạc đường" khi bị quyến rũ

Có nhiều nguyên nhân khiến Liên Xô tan rã, tuy nhiên sự sụt giảm giá  dầu trên thị trường thế giới vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 chắc chắn đã  đóng một vai trò chủ chốt. (Khi Liên Xô chính thức sụp đổ vào Giáng sinh năm 1991, giá dầu lúc đó dao động ở mức 17 đô la một thùng). Việc giá dầu tiếp tục hạ xuống chắc chắn cũng đã buộc chính phủ hậu cộng sản của Boris Yeltsin đi theo hướng xây dựng nền pháp trị, cởi mở hơn với thế giới bên ngoài, và nhạy cảm hơn với các cấu trúc pháp lý mà các nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi. Và sau đó Tổng thống Putin lên nắm quyền.

Hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa Putin trong giai đoạn giá dầu là 20-40 đô la và Putin hiện nay khi mà giá dầu đã tăng vọt lên mức 40-60 đô la một thùng. Khi giá dầu  ở mức 20-40 đô la, xin gọi ông lúc đó là “Putin thứ nhất”. Tổng thống Bush, sau cuộc gặp lần đầu tiên vào năm 2001, nói rằng ông đã nhìn vào “tâm hồn” của Putin và thấy  ở đó một người có thể tin tưởng được.

{keywords}

Nếu Bush nhìn vào tâm hồn của Putin ngày hôm nay, “Putin thứ hai”  Putin của mức giá dầu 60 đô la một thùng sẽ thấy rằng Putin đã lợi dụng nguồn lợi nhuận dầu mỏ  như từ trên trời rơi xuống để nuốt chửng (quốc hữu hoá) tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga, Gazprom, hàng loạt tờ báo và đài truyền hình, cũng như tất cả các hình thức công ty và  những thể chế đã từng tồn tại độc lập khác.

Khi giá dầu ở vào mức thấp nhất trong những năm đầu thập niên 1990, ngay cả  các quốc gia dầu mỏ Ả Rập như Kuwait, Ả Rập Xê Út, Ai Cập, vốn là những nước có  nguồn dự trữ khí rất lớn, ít nhất cũng đã đề cập đến cải cách kinh tế, nếu không nói là từng bước thực hiện cải cách chính trị. Tuy nhiên, ngay khi giá dầu bắt đầu leo thang, toàn bộ quá trình cải tổ lập tức chậm lại, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị.

Cùng với việc các quốc gia dầu mỏ  ngày càng tích lũy thêm nhiều của cải, họ hoàn toàn có khả năng làm biến dạng toàn bộ hệ  thống quốc tế và đặc điểm cơ bản của thế giới hậu Chiến tranh lạnh. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, mọi người đều cùng tin tưởng rằng đây là khởi đầu của một làn sóng phát triển không thể ngăn chặn được của thị trường tự do và dân chủ hoá. Sự lan rộng trên khắp thế giới của những cuộc bầu cử tự do trong thập kỉ tiếp theo đã tạo ra cảm giác rằng đó là một làn sóng thực sự.

Nhưng hôm nay, xu thế đó đang gặp phải một làn sóng đối đầu không được mong đợi của chủ nghĩa độc tài dầu mỏ, nảy sinh và phát triển từ mức giá dầu 60 đô la một thùng. Đột nhiên, các chế độ như ở Iran, Nigeria, Nga và Venezuela bắt đầu rút ra khỏi xu thế đã từng được tưởng như là tiến trình dân chủ hoá không thể nào ngăn chặn, khi những nhà lãnh đạo chuyên quyền được người dân bầu lên ở mỗi nước sử dụng lượng của cải bất ngờ từ dầu mỏ này để củng cố quyền lực, mua trọn cả những người ủng hộ lẫn đối lập, tăng cường sự xâm lấn của nhà nước vào khu vực tư nhân sau khi nhiều người từng nghĩ rằng (vai trò của) nhà nước đã vĩnh viễn lùi sâu vào quá khứ. Làn sóng dân chủ hoá không thể ngăn chặn được theo sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin nay dường như đã gặp phải đối thủ xứng tầm trong làn sóng đen của chủ nghĩa độc tài dầu mỏ.

Mặc dù chủ nghĩa độc tài dầu mỏ không đại diện cho mối đe doạ to lớn về mặt tư tưởng và chiến lược đối với phương Tây, nhưng tác động lâu dài của nó cũng có khả năng phá vỡ sự ổn định của thế giới. Không những một số chế độ tồi tệ nhất thế giới sẽ có thêm nguồn tiền để làm những việc đen tối nhất trong một thời gian dài hơn bao giờ hết, mà một số  quốc gia dân chủ tử tế như Nhật Bản và Ấn Độ sẽ buộc phải quỵ lụy hay nhắm mắt làm ngơ trước những hành động của các chế độ độc tài dầu mỏ, chẳng hạn như  Iran và Sudan, bởi vì họ chịu phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu mỏ của những nước này. Việc đó sẽ chẳng hứa hẹn điều gì  tốt đẹp cho sự ổn định thế giới.

Xin nhấn mạnh một lần nữa, mối tương quan mà những đồ thị này chỉ  ra là không thật hoàn hảo, và đương nhiên nhiều  độc giả có thể dẫn ra những ngoại lệ  khác. Nhưng chúng cho thấy một xu hướng chung được phản ánh trong các bản tin thời sự hàng ngày: Sự gia tăng giá dầu có  ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình tự do tại nhiều nước, và khi số lượng các quốc gia chịu tác động tiêu cực này đủ lớn thì họ sẽ bắt đầu đầu độc nền chính trị thế giới.

Dù không thể gây ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ ở bất kì quốc gia nào, nhưng chúng ta có thể tác động lên giá dầu thế giới bằng cách thay đổi số lượng và hình thức năng lượng mà chúng ta tiêu thụ. Khi nói “chúng ta”, đặc biệt có ý  nói đến nước Mỹ nói riêng, nước tiêu thụ  khoảng 25% năng lượng toàn cầu, cũng như các nước nhập khẩu dầu mỏ nói chung. Việc suy nghĩ làm thế nào để thay đổi mô hình tiêu thụ năng lượng nhằm góp phần làm hạ giá dầu không chỉ đơn giản là một sở thích của các nhà  bảo vệ môi trường cao cả hay vấn đề lương tâm của một ai nữa. Hiện nay, đây là nhu cầu khẩn thiết về an ninh quốc gia.

Như vậy, bất kì chiến lược quảng bá dân chủ nào của Mỹ sẽ hoàn toàn vô nghĩa và nhất định thất bại nếu không bao gồm cả các chiến lược đáng tin cậy và bền vững nhằm tìm ra những nguồn năng lượng thay thế  cho dầu mỏ và làm giảm giá dầu thô.  Điều quan trọng bây giờ không phải là bạn ủng hộ chính sách đối ngoại nào, mà là  chúng ta phải suy nghĩ như những nhà “Địa Môi trường” (Geo-Green). Bạn không thể nào trở  thành một nhà hiện thực trong chính sách đối ngoại hay một nhà lý tưởng thúc đẩy dân chủ  hiệu quả nếu không đồng thời là một nhà  môi trường tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Tác giả Thomas L. Friedman là một cây bút của tờ New York Times và là tác giả  của tác phẩm gần đây nhất Thế giới phẳng: Tóm lược lịch sử thế kỷ 21 [The World Is Flat: A Brief History of the Twenty-First Century] (New York: Farrar, Straus & Giroux, 2005).

Biên dịch: Trần Nguyễn Hồng Ngọc; Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nguồn: Thomas L. Friedman (2006). “The First Law of Petropolitics”, Foreign Policy, No.154 (May/June), pp 28-36.

Tài liệu được đăng lại từ website nghiencuuquocte.net