-Chuyện mất mát niềm tin dường như không có giới hạn hay khuôn khổ... Và đó mới là điều đáng báo động.

Báo cáo nhỏ, vấn đề không nhỏ

Đã có những con số rất to, trong một báo cáo rất nhỏ, mang một cái tên rất to, để chỉ về một vấn đề không nhỏ.

Đó là những cảm nhận của người dân, khi nghe Báo cáo Chỉ số công lý 2012, được công bố đầu tháng 10 vừa qua.

Nhiều người có chung tâm trạng mô tả bằng hai chữ "choáng váng" với những con số to gây sốc, phản ánh trung thực sự hiểu biết, và niềm tin của người dân vào hiệu quả thực thi công lý: "42,4% số người dân được hỏi không biết hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp".

Báo cáo cho hay, trong số những người nói rằng biết, lại có tới 23% không hề biết đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra. Không ít những người khác thì chỉ "biết" đến Hiến pháp qua những "khẩu lệnh liên quan đến Hiến pháp" vẫn nhan nhản trên mọi con đường góc phố, kiểu "Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật".

{keywords}
Ảnh minh họa

Ừ thì "Ý kiến của hơn 5.000 người dân có thể chưa phản ánh một bức tranh toàn diện", như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Công Hồng. Nhưng chính ông Hồng cũng xác nhận "đây là cơ sở khoa học có độ tin cậy cao". Cao còn là bởi Chỉ số công lý được xây dựng trên cơ sở đánh giá của chính những người dân "bằng chính trải nghiệm" thường ngày.

Nhưng nói có tới 42,4% + 23% số người dân được hỏi hoặc chưa từng nghe nói đến Hiến pháp hoặc không hề biết Hiến pháp đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, thì quả thực, điều đó lại đang đặt ra một câu hỏi không nhỏ: Thế thì họ sẽ góp ý cho Hiến pháp như thế nào, khi thậm chí chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp.

Báo cáo trên cũng cho biết: Có tới 20% tất cả các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan của Nhà nước; 50% các tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý và các cơ quan nhà nước thường cần nhiều thời gian hơn luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính.

Rằng: Trong thực tế, thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng. Rằng: 50% cho biết tranh chấp đất đai là loại hình tranh chấp phổ biến nhất và tiếp tục là vấn đề "gây bất ổn" ở địa phương. Rằng: Có tới 38% các cuộc tranh chấp đất đai liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù và tái định cư.

Và vấn đề niềm tin được đề cập một cách giản dị như sau: "Những người dân được điều tra còn cho biết, các quy định hiện hành về quyền sử dụng đất và các kế hoạch sử dụng đất không minh bạch ở địa phương làm cho người dân mất lòng tin vào sự an toàn của hạn điền và khiến họ không muốn đầu tư lâu dài vào đất đai".

Niềm tin và sự kỳ vọng

Vấn đề không nhỏ không chỉ là sự thiếu hiểu biết của người dân vào một luật gốc đang được tuyên truyền với 30 ngàn cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, với con số 26 triệu ý kiến góp ý Hiến pháp, với báo cáo thành tích: "Nhìn chung các địa phương đã tổ chức in ấn dự thảo phát đến từng hộ gia đình", v.v...

Vấn đề không nhỏ, không chỉ là mức độ kém hiệu quả trong việc thực thi pháp luật. Lại càng không chỉ là những bức bách, mâu thuẫn trong vấn đề khiếu tố đất đai.

Cái đáng giật mình nhất phải là vấn đề lung lay niềm tin, là sự kỳ vọng.

Mặc dù, theo kết quả khảo sát, câu chuyện lòng tin mới đề cập ở những lĩnh vực nhỏ, đó là "sự an toàn của hạn điền" và "khả năng đầu tư lâu dài vào đất đai" nhưng nó cũng đang cấp bách đặt ra vấn đề giải quyết những mâu thuẫn xã hội, bằng luật, và bằng cơ chế. Để nói như thành viên Ban Tư vấn của chỉ số công lý PGS-TS Phạm Duy Nghĩa pháp luật được thực thi ở trong đời sống, để công lý được hiện thân.

Trong cuốn "Chiếc lexus và cây ôliu", Friedman đã kể lại hai câu chuyện nhỏ ở Indonesia, ở Nga như sau:

Một phóng viên thường trú tại Jakarta thường phải làm mới giấy căn cước. Và ở Indonesia "Các quan chức hoàn toàn có thể gửi anh một phiếu yêu cầu thanh toán cho số tiền đút lót của anh". Friedman dẫn lại câu nói của người Indonesia rằng: Nếu hàng xóm nhà anh ăn cắp dê, dù thế nào cũng đừng có kiện anh ta ra toà, bởi vì để được việc, theo thời gian anh phải trả tiền cho cảnh sát và thẩm phán, anh sẽ mất luôn cả con bò của mình".

Còn câu chuyện Nga, kể lại một người đàn ông lái xe từ nông thôn ra Moscow và đỗ chiếc xe ngay tại Quảng trường Đỏ. Một cảnh sát đi đến và nói với anh ta: "Này, anh không đậu xe ở đây được đâu. Đây là cổng đi của các quan chức". Người nông dân đáp: "Đừng lo, Tôi khoá cửa xe rồi!"

Một câu nói kiểu dân gian thời @ ở Indonesia và một chuyện tiếu lâm đương đại về phản xạ tự nhiên ở Nga. Cũng đại loại như thơ tiếu lâm thế sự "trong những cái cặp rất to có những dự án rất nhỏ" kiểu Việt Nam. Nhưng đằng sau câu chuyện nhỏ đó là vấn đề còn lớn hơn cả sự trầm trọng và thô thiển của tham nhũng - là thứ mà Friedman gọi là "Bất ổn xã hội".

Những bất ổn xã hội bắt đầu bằng dấu hiệu niềm tin lung lay.

Chuyện mất mát niềm tin dường như không có giới hạn hay khuôn khổ... Và đó mới là điều đáng báo động.

 

Xem bài cùng tác giả

Quan chức phải "thắt cà vạt" nói về mại dâm

Người dân muốn các quan chức điều hành bằng cách phát ngôn kiểu "thắt cà-vạt", tròn vo về thực trạng xã hội, hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp? 

Lãnh đạo ngành y rào đón chuyện nhạy cảm

Mỗi một sự sai sót trong nghề y có giá bằng tính mạng… những người khác. Và, ngẫu nhiên, hàng loạt sai sót đã xảy ra thời gian qua, mà thời sự nhất là về những cái chết của ba đứa bé, sau khi tiêm vaccine.

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam