-Tái cơ cấu kinh tế trong rẽ ngoặt mới này, liệu sẽ hứa hẹn “bố tròn con vuông” hay tiếp tục… khó đẻ?                                 

I- Kinh tế bao giờ cũng là xương sống của cơ thể xã hội một quốc gia. Nếu vậy, thì cơ thể xã hội Việt Nam chúng ta hiện đang trong tình trạng … loãng xương, không biết bao giờ mới có thể đi nhanh trên hành trình văn minh và hiện đại.

Bởi nhìn vào khu vực kinh tế nhà nước được coi là chủ đạo, những tháng năm này toàn thấy kêu lỗ.

Mới đây, Ts Nguyễn Minh Phong có hẳn một bài viết mang tính lý luận bênh vực cho khái niệm kinh tế Nhà nước với những diễn giải giảm nhẹ ảnh hưởng khuynh loát của khu vực này, thì thực tiễn, với sự yêu chiều từ vốn đầu tư tài chính, hạ tầng cơ sở vật chất và đặc biệt là cơ chế xin- cho mang nặng dấu ấn thời bao cấp vẫn nghênh ngang mũ áo, ghế trên ngồi tót sỗ sàng, DNNN vẫn cứ là ông hoàng ngự trị của một nền kinh tế.

{keywords}

Có điều tài năng kinh bang tế thế lại không được sỗ sàng như cái cách ngồi mâm trên. Công bố của Bộ Tài chính cho thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty lấy “lỗ làm lãi”, khiến lương bình quân của người lao động giảm sút hẳn:

Mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh (?) Tổng lỗ tính đến năm 2011 của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.104 tỉ đồng, đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)

Trong mọi sự đứng đầu, hẳn kiểu đứng đầu này xấu hổ nhất.

Nếu biết rằng, kinh tế VN phát triển kiểu một mình một chợ, trong khi bức tranh sắc màu kinh tế thế giới năm 2014, theo khảo sát của Hãng tin Reuters, phân tích của các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo có nhiều gam hồng.

Credit Suisse (Ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, trụ sở tại Thụy Sĩ) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 sẽ từ 2,9% lên 3,7% (năm 2012 là 3,1%), trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước phát triển sẽ gấp đôi- 2,1%, các thị trường mới nổi có khả năng tăng từ 4,7% đến 5,3%.

Deutsche Bank (Tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức) dự đoán tỷ lệ này là 3,7%, đặc biệt kế hoạch cải cách của Trung Quốc sẽ tác động sâu sắc và lâu dài đến hiệu quả kinh tế.

Goldman Sachs (Ngân hàng đầu tư và hãng chứng khoán toàn cầu- Mỹ) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 tăng lên 3,6%, tại các nước phát triển sẽ tăng gấp đôi lên 2,2%. (Thời báo KTSG, ngày 25/11)

Nhìn vào những dự báo của kinh tế thế giới, kinh tế VN vẫn đang một màu xám xám, bên một màu hồng hồng…(xin lỗi nhạc sĩ Trần Tiến).

Cái màu xám xám ấy có sự góp sức của 03 “cây cọ” kém cỏi:

Năng lực điều hành kém của các tập đoàn, tổng công ty, gắn với tính minh bạch không sòng phẳng trong quản lý. Bên cạnh quản lý Nhà nước quá lỏng lẻo, thậm chí thả nổi.

Sự đầu tư ngoài ngành thua lỗ của nhiều DNNN, và giờ đến lúc phải thoái vốn ngoài ngành, lại đối đầu với nguy cơ giẫm chân tại chỗ.

Sự lũng đoạn của các “nhóm lợi ích”, do bản chất của cơ chế quản lý các DNNN là xin- cho rất nặng nề; cũng là nguồn cơn của tệ nạn tham nhũng.

Cái màu xám xám đặt trong bức tranh tổng thể về kinh tế, mới thấy kinh tế VN vẫn tiếp tục ca bài tôi đi về đâu hỡi tôi? Mà theo Viện trưởng Kinh tế VN Trần Đình Thiên, kỷ lục lạm phát của VN đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực, tăng lên tới hơn 18% năm 2011 và 6,8% năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 3% của các nước như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Tái cơ cấu (TCC) kinh tế, vì thế, là mệnh lệnh sinh tử của thời đại. Chủ trương đúng đắn ấy tưởng đâu sẽ được triển khai tích cực bởi lợi ích phát triển một quốc gia. Tuy nhiên, hai năm qua, TCC kinh tế vẫn như người chửa trâu không chịu sinh nở. Vì sao?

Dấu hiệu thành công đầu tiên của TCC mới là việc ban hành văn bản chính sách mang tính hành chính. Là gần 70 tập đoàn, tổng công ty DNNN được phê duyệt đề án TCC, và hơn 100 phương án sắp xếp đổi mới DN của các bộ, ngành được thông qua.

Nhưng thực tiễn, sự khó đẻ nằm ngay trong chính thứ tư duy tiểu nông khó hợp tác của người Việt, trong lợi ích của các “nhóm lợi ích”. Đó là vật cản âm thầm mà ngang ngược.

Hãy xem, nội dung đầu tiên của TCC nhằm vào thị trường tài chính, đầu tư, theo các chuyên gia kinh tế, có 04 vấn đề lớn cần giải quyết: Minh bạch, cơ chế giám sát, quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất, tái cấu trúc lại ngân hàng trong đó có vấn đề nợ xấu. Nhưng Ts Lê Đăng Doanh cho biết,“đụng đâu cũng vướng lợi ích nhóm, thiếu thực lực. Có gì để đảm bảo không gây ra nợ xấu nữa, khi không xem xét về chính sách quản lý, giám sát các ngân hàng”.

{keywords}

Mục tiêu ưu tiên của TCC là nhằm giảm đầu tư Nhà nước, tăng đầu tư tư nhân. Vậy nhưng, phát hiện một cách tinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, việc giảm tỷ trọng đầu tư công/GDP trong 02 năm qua chủ yếu do những khó khăn của kinh tế vĩ mô, khan hiếm nguồn lực hơn là do nỗ lực TCC đầu tư.

Trong khi đó, tiến trình cổ phần hóa hết sức chậm chạp. Cả nước mới có 29 DN được cổ phần hóa. Đặc biệt, tư duy tiểu nông trở thành “bản sắc văn hóa” trong cách làm kinh tế. Dù trước yêu cầu TCC kinh tế, nhưng tỉnh nào tỉnh đó vẫn muốn có các dự án đầu tư do chính mình đề xuất và quản lý. Rút cục, 63 tỉnh, thành phố là 63 nền kinh tế chia rẽ, nơi chồng chéo, nơi phân tán, giữa cung và cầu, mạnh ai nấy ăn, thiệt dân nấy chịu.

Sự trì trệ, chậm chạp của TCC kinh tế, đặc biệt ở khối DNNN còn ở chỗ, TCC tăng tính tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm xã hội, xóa bỏ cơ chế xin- cho, thì còn đâu đất cho các loại “hoa hồng” nảy nở? Không phải không có lý khi người ta nói, trước khi TCC kinh tế, phải TCC tư duy- đó chính là cải cách thể chế, xây dựng nền quản trị quốc gia văn minh, khoa học, phù hợp quy luật thực tiễn, trong đó pháp luật thực sự thượng tôn.

Nếu không, cho dù xã hội hô hào TCC kinh tế, thì một sự bất công, bất bình đẳng giữa con người với con người, giữa các thang bậc gía trị lao động trong xã hội vẫn tiếp tục xảy ra, chứa chất bất bình, phẫn nộ và châm ngòi cho sự bất an về tinh thần, bất ổn về tâm lý và niềm tin, bởi đủ các tầng lớp “cường hào” mới…

Mà vụ việc lương khủng- cao nhất hơn 03 tỷ/ năm, thấp nhất hơn 01 tỷ/ năm của gần 20 vị sếp ở các tập đoàn, tổng công ty, DNNN tiếp tục được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật chỉ là một trong nhiều ví dụ sinh động về thang giá trị đảo ngược.

Khiến nhà báo Bùi Hoàng Tám phải sử dụng “nghệ thuật sắp xếp” hình tượng bất công cay đắng này như… thơ: Sếp giàu có mà để nhân viên đói nghèo là sự bất nhân/ Sếp giàu có nhờ sự bớt xén mồ hôi, công sức của người lao động là bất lương/Sếp giàu có nhờ tham nhũng, tham ô là gian tham/ Sếp giàu có bằng nỗi đau và sự trả giá của cộng đồng là độc ác.

Tái cơ cấu kinh tế trong rẽ ngoặt mới này, liệu sẽ hứa hẹn sự “bố tròn con vuông” hay tiếp tục khó đẻ?

Trong khi cơm áo không đùa với nhân dân. Đau cả thể chất…

II- Và cũng đau cả bụng.

Sao không đau bụng được, vì cái sự hài hước, buồn cười nó vẫn luôn nảy nở trong đời sống vốn nhiều bi hài này. Nó nhắc nhở người Việt nhớ ra cái tính lạc quan nhất nhì thế giới của dân tộc mình.

{keywords}
Nhà vệ sinh được tận dụng bán hàng ở Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Bá Đô/ VnExpress

Đó là cách đây hơn tuần, khi Liên Hợp Quốc vừa ra tuyên bố lấy Ngày 19/11 là Ngày Toilet Thế giới đầu tiên, thì lập tức, báo chí xôn xao vụ việc Hà Nội chủ trương đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lấy từ tiền ngân sách của thành phố, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014.

Nhấn mạnh ý tưởng nghiêm túc Ngày Toilet Thế giới, ông Mark Neo, Phó Đại diện thường trực của Singapore tại Liên Hợp Quốc khẳng định, không quan tâm báo chí và cộng đồng có cười cợt đề xuất này hay không, bởi đây là việc làm cần thiết để giúp mọi người trên thế giới nhớ đến tầm quan trọng của một hệ thống nhà vệ sinh tốt hơn cho tất cả mọi người, chứ không phải là chuyện mua vui cho thiên hạ.

Nhưng người Việt đâu có đùa. Vì việc thiết kế nhà vệ sinh tiền tỷ là chuyện nghiêm túc của Hà Nội. Con số đầu tư ước tính cho một nhà vệ sinh nhanh chóng được công khai trên các báo, tính đến cả con số lẻ.

Hà Nội chưa phải nơi đi đầu. “Chơi sang” phải kể đến các tỉnh nghèo như Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, khiến người dân kính cẩn gọi là nhà vệ sinh dát vàng. “Dát vàng” thật, vì mỗi nhà ngót nghét cũng nửa tỷ đồng. Có điều, miền Trung vốn nghèo khó, con đường giải quyết một trong “tứ khoái” của con người, từ lúc là quận công… giữa đồng, đến lúc chễm chệ ngồi trong nhà “dát vàng”, không phải là bước tiến chung của văn minh, mà lại là bước thụt lùi về phẩm cách của một số vị nào đó có “trách nhiệm” dát vàng những nhà vệ sinh này.

Vì thế lẽ ra phải cười, người Việt nửa cười nửa mếu.

Hồi ức nhà vệ sinh “dát vàng” giờ sắp tái hiện tại Hà Nội, dù trước đó thành phố xây hàng chục nhà vệ sinh bằng thép giá 600 triệu đến hơn 01 tỷ đồng, được lắp đặt từ năm 2010 nhưng chưa một lần nào được đánh giá hiệu quả sử dụng. Khiến ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa nghi ngờ vừa ước ao, khi cho rằng, đó là chủ trương rất đúng nhưng về mức giá thì phải chờ thẩm tra, và nếu có nhà vệ sinh tiền tỷ đó, cũng nên thử xem.

Không chỉ có ông Phan Đăng Long, rất nhiều bạn đọc, khi nghe số tiền tỷ cho một nhà vệ sinh “dát vàng”, cũng mơ về… một nơi gần lắm.

Và dù chưa được chiêm ngưỡng dung nhan nhà vệ sinh “dát vàng”, bạn đọc ở báo Đất Việt, ngày 23/11, đã đua nhau bình chọn nhà vệ sinh "dát vàng" sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới vì những tiêu chí để lại dấu ấn về kiến trúc và tầm nhìn của một nhà vệ sinh hợp thời đại.

Có điều, không phải ai cũng bị tâm phục khẩu phục bởi ý tưởng này. Chứng cớ là mới đây Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Thăng Long cho biết, sẵn sàng tham gia đấu thầu dự án 14 nhà vệ sinh của Hà Nội, cho rằng nhà vệ sinh tiền tỷ kiểu đó, chỉ đáng giá tiền triệu, con số cụ thể, từ 300- 350 triệu đồng.

Thật ra, chẳng cứ người trong nghề thiết kế, ngay người dân chỉ nghe giá thành đã thấy quá vô lý. Vô lý như cán bộ Phòng Kế hoạch, đầu tư của Ban quản lý Chỉnh trang đô thị (đơn vị phụ trách xây dựng dự án 14 nhà vệ sinh), đến giờ, lại quay ngoắt 180 độ, cho biết "chưa có thiết kế chi tiết nào cả".

Nhưng vẫn còn đây, phát biểu chuẩn không cần chỉnh : Người ta ăn của dân không từ một thứ gì. Không biết không từ một thứ gì, có trừ đi… một vài thứ không?

Và cũng vẫn còn đây, cảnh báo của các ĐBQH tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công, khi ĐBQH Trần Du Lịch phải thốt lên: Tại sao chúng ta đầu tư lôm côm lãng phí thế này?

Khái niệm “lôm côm” dân dã ấy được thể hiện sinh động ở 63 nền kinh tế của 63 địa phương trong cả nước, lớn nhất như các dự án xây dựng hoành tráng, từ sân bay, cảng biển, đến trụ sở công đường lộng lẫy cung điện trọc phú, đến bé nhất như cái nhà vệ sinh, mà ai đó gọi đích danh, là tư duy “nhiệm kỳ”.

Điều đáng nói, trong lúc mục tiêu của TCC kinh tế nhằm giảm đầu tư công, thì đầu tư công được tận dụng triệt để, bởi đầu tư công là cái nguồn tiền ‘Thạch Sanh”. Thế nên, “hoa hồng” lâu nay nở trên bất cứ chất liệu nào, nở trên giấy, trên những chữ ký dự án, trên sắt thép, và nay, nở trên cả “tứ khoái” của con người. Người Việt rất lo sợ thực phẩm ô nhiễm, nhưng cái sự “ăn bẩn” ở một số kẻ nào đó từ lâu lại trở thành món khoái khẩu thượng thặng.

{keywords}
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: Thu Lý

Vẫn còn đây, phát biểu của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp tổ chiều 18/11, phải chấm dứt ngay cách làm như từ trước đến nay trong đầu tư, phải công khai, minh bạch, nếu không như vậy thì đất nước sẽ xuống bờ vực thẳm. Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có sự tham nhũng.

Thật ra, không quốc gia nào không cần sự minh bạch, và cần sự tham nhũng. Nhưng tham nhũng chỉ buộc phải ra đi khi minh bạch đến và ngự trị. Sự minh bạch chỉ đến bằng một cơ chế, một nền quản trị khoa học “pháp trị” đúng nghĩa.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được thông qua, rồi đây sẽ có trở thành “thượng phương bảo kiếm”, cho một xã hội phát triển lành mạnh, văn minh, thăng tiến hay không?

Câu hỏi đó, xin dành hỏi gần 500 ĐBQH. Những người phải chịu trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, trước lịch sử!

Kỳ Duyên

Xem bài cùng tác giả

Án oan, ép cung và dê tế thần

Nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch của một quốc gia - khó phát triển.
Bác sĩ, đàn bà và sự mê dụ tàn nhẫn

Xét cho cùng, đồng tiền đâu có lỗi. Lỗi là ở con người, vừa nặng tham- sân- si, vừa trì trệ và xơ cứng tư duy...