Một kịch bản đối với Ukraine năm 2014 là EU và Nga đều giảm mức độ yêu cầu cam kết trong các thỏa thuận để Ukraine có thể đồng thời tham gia.

>> Quan hệ láng giềng và 'não trạng' nước lớn

>> Putin có ra tay 'cứu' tổng thống Ukraina?

Năm 2014 dường như sẽ tiếp tục là một năm không bình lặng tại Ukraine, khi nước này vẫn đang đứng tại ngã ba đường hội nhập, theo hướng Đông hay hướng Tây?

Kết thúc 2013 căng thẳng

Tại hội nghị Vilnius (Latvia) tổ chức vào tháng 11/2013, chính sách "Đối tác hướng Đông của EU" đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với khả năng một thỏa thuận lịch sử giữa EU và Ukraine có thể được ký kết. Tuy nhiên, với vị trí chiến lược và vai trò quan trọng tới an ninh, chiến lược đối với Liên bang Nga, chính quyền Moscow đã tiến hành hàng loạt biện pháp về thương mại, kinh tế, chính trị để ngăn Ukraine ký kết Thỏa thuận Hợp tác với EU.

Sau khi tạm ngưng ký kết thỏa thuận với EU, Tổng thống Ukraine Yanukovych đã phải đối mặt với sự phản đối của các Đảng đối lập và làn sóng biểu tình lớn nhất của người dân kể từ cuộc Cách mạng Cam năm 2004. Đổi lại, tại kỳ họp lần thứ VI Ủy ban hợp tác liên chính phủ Nga-Ukraine diễn ra vào ngày 17/12, Tổng thống Yanukovych đã tranh thủ được khoản hỗ trợ tài chính của Nga lên tới 25 tỷ USD, gồm 10 tỷ USD dưới hình thức giảm giá khí đốt và 15 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ.

Hiện nay, chưa có bất cứ động thái nào cho thấy Ukraine sẽ tham gia Liên minh thuế quan giữa Nga - Belarus - Kazakhstan. Đồng thời, cánh cửa hợp tác với EU vẫn chưa hoàn toàn bị đóng lại khi EU vẫn bỏ ngỏ khả năng ký kết Thỏa thuận hợp tác cho Ukraine tới tháng 4/2014. Điều này cho thấy EU muốn Kiev có thêm thời gian để tiến hành các cải cách, đồng thời không muốn "sập cửa" hợp tác với quốc gia nổi bật nhất trong số các láng giềng phía Đông.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2013, tình hình tại Kiev không hề có dấu hiệu bớt căng thẳng khi hàng nghìn người biểu tình bao vây dinh thự riêng của Tổng thống Yanukovych. Và vào ngày đầu tiên của năm mới 2014, khoảng 200.000 người thuộc phong trào đối lập vẫn tổ chức biểu tình tại trung tâm thủ đô.

{keywords}

Biểu tình lại tiếp diễn ở Ukraine. Ảnh: AP

Kịch bản nào cho năm 2014

Quan hệ giữa Nga - Ukraine - EU trong thời gian sắp tới có thể đi theo bốn kịch bản như sau:

Kịch bản thứ nhất: Ukraine duy trì thế trung lập. Theo đó, Kiev sẽ duy trì tình trạng không ký thỏa thuận với EU và không cam kết tham gia Liên minh thuế quan của Nga, mà sắp tới sẽ được nâng cấp thành Liên minh kinh tế Á - Âu vào năm 2015.

Những cam kết, các khoản hỗ trợ mà EU hay Nga đưa ra lúc ban đầu nhằm lôi kéo Ukraine đi theo mô hình phát triển của mình sẽ không còn nữa. Thay vào đó, Ukraine sẽ rơi vào tình trạng trì trệ và chịu sự cô lập ở mức độ thấp từ cả Nga lẫn EU.

Trong năm 2014, Ukraine sẽ phải thanh toán khoản nợ 12 tỷ USD, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua và thâm hụt ngân sách lên tới mức 8% GDP. Với những khó khăn như vậy và một môi trường chính trị xung quanh không ổn định, nền kinh tế Ukraine sẽ có rất ít khả năng trụ vững. Do đó, một cuộc Cách mạng Cam lần thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra.

Kịch bản thứ hai: lựa chọn ký kết hợp tác với EU. Theo kịch bản này, Ukraine sẽ tiến hành những cải cách kinh tế thực chất theo khuyến nghị của EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Lĩnh vực hợp tác năng lượng giữa EU và Ukraine cũng sẽ được tăng cường nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.

Đồng thời, lựa chọn EU cũng có thể giúp Tổng thống Yanukovych ổn định tình hình chính trị trong nước và tiến hành tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2015.

Kịch bản thứ ba: Ukraine chọn Nga như đối tác chính về địa chính trị và kinh tế. Kiev sẽ tham gia mô hình hội nhập kinh tế quốc tế của Nga với các nước trong Không gian hậu Xô-viết (SNG) khác.

Kiev sẽ nhận được được những lợi ích từ giá khí đốt rẻ từ Nga, thương mại phát triển với các nước SNG và các gói hỗ trợ tài chính từ Moscow để đối phó với các khoản nợ tới hạn thanh toán. Đổi lại, Ukraine sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào các quyết sách của Điện Kremlin.

Kịch bản thứ tư: cả EU và Nga sẽ giảm mức độ yêu cầu cam kết trong các thỏa thuận để Ukraine có thể đồng thời tham gia. Đây là nguyện vọng của đa số chính trị gia Kiev bởi EU và Nga là hai thị trường quan trọng của Ukraine. Hợp tác với EU, Ukraine có thể tranh thủ khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phát triển. Trong khi đó, hợp tác với Nga mang lại cho Kiev những lợi ích nhất định về nguồn cung năng lượng ổn định và một thị trường rộng lớn.

Trong bốn kịch bản trên, kịch bản đầu tiên khó xảy ra nhất do cả Nga và EU đều không muốn thấy một Ukraine lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đối với trường hợp Ukraine nghiêng về một trong hai phía Nga hay EU thì sự lạnh nhạt và ngưng trệ trong quan hệ với phía kia, cùng làn sóng dư luận trong nước là điều Kiev sẽ phải xử lý.

Lý tưởng nhất là kịch bản cuối cùng, vì khi đó sự bế tắc trong quan hệ Nga - Ukraine - EU sẽ được tháo gỡ. Song liệu các bên có chấp nhận hạ thấp các chuẩn mực để tìm ra một giải pháp chung không là điều cần thời gian để trả lời./.

Bùi Quốc Khánh