Điều này có nghĩa là dù Trung Quốc theo đuổi chiến thuật nào cũng sẽ không thành công" - một bài viết trên Nationalinterest phân tích.
>> Đông Á chạy đua vũ trang 'ác liệt' nhất toàn cầu
>> TQ lại 'giăng bẫy' về chủ quyền trên Biển Đông
>> TQ cạnh tranh ngôi 'cường quốc số 1' với Mỹ?
Chiến lược tham vọng
Việc Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông gần đây và đụng độ tuần dương hạm USS Cowpens của Mỹ trên biển Đông là hai vấn đề về bản chất liên quan mật thiết với nhau.
Các vấn đề trên hai vùng biển này được mô tả như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại khu vực giàu tài nguyên. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn, sự việc phản ánh một chiến lược tham vọng của Trung Quốc đẩy Washington ra khỏi khu vực, và chiếm đóng khu vực chung phía Tây Thái Bình Dương. Song chiến lược này đang dần thất bại.
Trước thế kỷ 19, Trung Quốc trong hàng ngàn năm đã là một cường quốc tiên tiến và uy tín nhất trên toàn thế giới. Lịch sử huy hoàng này đã dấy lên trong các thế hệ lãnh đạo TQ, từ Tôn Trung Sơn đến Tập Cận Bình một giấc mơ chung - khôi phục lại vị trí đỉnh cao tại Châu Á. Những gì Trung Quốc thực hiện phản ánh nỗ lực của các nhà lãnh đạo để đạt được tham vọng đó.
Một nền tảng quan trọng của mục tiêu này là kiểm soát được khu vực chung. Học hỏi từ kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc nhận ra điều kiện cần cho sự trỗi dậy của Trung Quốc là khả năng kiểm soát vùng biển và vùng phòng không chung tại biển Hoa Đông và biển Đông.
Đây là nhiệm vụ có thể nói rất nặng nề với TQ. Tại thời điểm hiện tại, Mỹ đang chiếm đóng khu vực này, với vị thế hoàn toàn áp đảo Trung Quốc.
Tuy nhiên, nắm trong tay một số lợi thế, Bắc Kinh đang cố biến vùng biển Hoa Đông và biển Đông thành sân sau của mình. Chẳng hạn việc đòi kiểm soát quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và vùng hải phận, không phận xung quanh.
Chiến lược này thể hiện rõ ràng qua hai phương sách Trung Quốc áp dụng. Thứ nhất là đường lưỡi bò (U-shaped line) trên vùng biển Đông. Sau đó là Vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên biển Hoa Đông. Điều khiến những ý đồ này hoàn toàn phù hợp với tham vọng kiểm soát hải phận và không phận tại các vùng biển là sự bành trướng vô lý của Trung Quốc trên những vùng lãnh thổ tranh chấp.
Không xuất phát từ đặc điểm địa hình, "đường lưỡi bò" hình chữ U được sử dụng để phân định vùng biển của Trung Quốc trên toàn bộ vùng biển Đông, bao gồm cả những khu vực lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phillipines và Malaysia. Còn vùng ADIZ, bao gồm hầu như toàn bộ biển Hoa Đông, yêu cầu máy bay thậm chí không bay đến Trung Quốc cũng phải tuân theo yêu cầu và kiểm soát của Trung Quốc nếu trong lộ trình có ngang qua ADIZ.
Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Các kịch bản đều thất bại
Chiến lược sử dụng yêu sách lãnh thổ để giành quyền kiểm soát khu vực chung chắc chắn sẽ thất bại.
Có thể xét đến kịch bản đầu tiên khi Trung Quốc lựa chọn không hành động thái quá để đòi yêu sách. Những hành động trước đây chỉ chuốc lấy sự lên án từ phía quốc tế, và tạo lý do chính đáng cho các quốc gia láng giềng tăng cường hoạt động quân sự và bảo vệ bờ biển biên giới với Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc có thể chờ đợi thời cơ thích hợp hơn, khiến các nước láng giềng bình tĩnh lại và giảm bớt chỉ trích từ quốc tế.
Tuy nhiên, sức mạnh của các yêu sách lại phụ thuộc vào thời gian và độ quả quyết của các hành động để đòi hỏi yêu sách đó. Nên sự ngưng trệ của Trung Quốc sẽ củng cố thêm vị thế thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực, mang lại không ít hậu quả cho nước này.
Khả năng sử dụng vũ lực để thực hiện yêu sách của Trung Quốc cũng không có dấu hiệu thành công rõ ràng. Dẫu luôn phô trương về chương trình hiện đại hoá quân sự, nếu thất bại, Trung Quốc sẽ chỉ là một con hổ giấy. Hào quang của một cường quốc đang trỗi dậy nhờ kết quả tăng trưởng ngoạn mục tan vỡ, hình ảnh của Bắc Kinh sẽ giảm sút đáng kể.
Kịch bản khác là Trung Quốc hành động quyết liệt. Họ có thể đạt được mục đích thông qua cả chiến dịch quân sự hoặc chiến thuật "ăn mảnh tích tiểu thành đại". Nhờ khả năng quân sự ngày càng phát triển, không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc thắng thế các nước láng giềng trong khu vực biển Đông, hoặc áp đảo Nhật Bản trong vùng biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, phí tổn cho chiến thắng này sẽ rất lớn. Bất cứ động thái quân sự nào từ Trung Quốc đều đánh động phản ứng quân sự và ngoại giao từ phía Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia khác; đồng thời biến Trung Quốc thành kẻ xâm lược, và kích hoạt các lệnh trừng phạt từ những đối tác thương mại lớn nhất. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ hứng chịu thất thoát lớn khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế, cùng sự ủng hộ từ phía Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Australia, Ấn Độ và EU.
Những nguy cơ tiềm ẩn trên khiến chiến thuật "ăn mảnh tích tiểu thành đại" (salami slicing) của Bắc Kinh trở thành phương án hứa hẹn nhất. Tuy nhiên, phương sách này rất dễ thúc đẩy quá trình liên kết dần dần giữa các quốc gia đang bị tranh chấp lãnh thổ và các quốc gia đang quan ngại, cùng hỗ trợ lẫn nhau để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là dù Trung Quốc theo đuổi chiến thuật nào cũng sẽ không thành công. Trong khi Trung Quốc tiếp tục sử dụng các yêu sách lãnh thổ như một cớ để quấy phá vai trò của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, thực tế phương thức thông minh nhất này lại làm hỏng vị thế trỗi dậy của Trung Quốc tại Châu Á. Câu hỏi đặt ra cho Bắc Kinh là liệu họ có chấp nhận nguy hiểm phá hỏng quá trình khôi phục quyền lực để tranh chấp trên mấy hòn đảo?
Như Nguyệt (theo Nationalinterest)
Hai tác giả bài viết, Jeffrey W. Hornung và Alexander Vuving, là PGS tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Hawaii. PGS Hornung còn là thành viên Văn phòng Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, D.C.